iOS là hệ điều hành di động vô địch?

14:32, 23/10/2012

Mọi thống kê về môi trường di động hiện tại đều cho thấy iOS của Apple và Android của Google là hai hệ điều hành hàng đầu trên thị trường. Trong khi Android có số người dùng đông đảo do cấu trúc mã nguồn mở và miễn phí với mọi nhà sản xuất thì iOS lại có những ưu thế mạnh – mà nhiều trong số chúng không thể đưa lên bàn cân đo đong đếm. Thực tế, đã có nhiều sản phẩm được mệnh danh là “sát thủ iPhone” xuất hiện trên thị trường nhưng chưa mẫu nào có thể thực sự làm được điều đó. Xét về mặt cấu hình, iPhone không quá nổi trội so với các máy Android tân thời hay các máy tính bảng Windows 8 tới đây. Ưu thế của iPhone cũng như iPad có phần lớn đến từ iOS. Vậy, điều gì đã khiến iOS thành công đến vậy ?


Tính giản đơn trong sử dụng

Rõ ràng, iOS “vô địch” nếu xét ở sự giản đơn. Mọi thứ đều được trau chuốt tới mức hoàn hảo, giao diện dễ hiểu, mọi quy trình vận hành đều rất trực quan và đơn giản. Lấy ví dụ như việc cài đặt ứng dụng hay chạy/tắt chúng đều rất dễ dàng – gần như không cần suy tính gì. Đáng chú ý, các thiết lập ứng dụng trong iOS ít khi người dùng phải sờ đến – dù chúng vẫn tồn tại cho những nhu cầu đặc biệt. Thậm chí, khi muốn xoá ứng dụng, thay vì phải vào các công cụ Uninstall hay gỡ đặt nhiều thành phần phức tạp cùng lúc, chủ nhân máy iOS chỉ đơn giản là nhấn giữ biểu tượng ứng dụng sau đó nhấn X là xong. Họ thậm chí chẳng cần tính xem liệu xoá như vậy có để lại “rác” trên hệ thống hay không. 


Tính ổn định của lõi hệ điều hành

Bản thân Apple vốn đã có nhiều năm phát triển Mac OS X và tạo ra dấu ấn tốt với người dùng về tính ổn định so với đối thủ lớn Windows. Đơn giản như Android thường xuyên bị phàn nàn vì rò rỉ bộ nhớ, iOS gần như không gặp hiện tượng này. Không ít người dùng iOS có thể vận hành máy hàng tuần, hàng tháng mà không phải khởi động lại. Sự “độc tài” về cả phần cứng, phần mềm và các dịch vụ là một trong những nguyên nhân lớn nhất cho phép họ tạo ra và duy trì được sự ổn định cho môi trường phần mềm của mình. Tương tự như máy tính Mac, bản thân iPhone, iPad, iPod Touch đều là sản phẩm phần cứng của Apple thiết kế. Dĩ nhiên khi iOS vận hành trên đó, nó sẽ có được điều kiện tốt nhất. Việc không cho phép bổ sung các nội dung “ngoại đạo” vào lõi hệ điều hành cũng tạo ra độ tin cậy cao. 


Hiệu quả tận dụng phần cứng tối đa

Trong khi các sản phẩm Android thường phải lạm dụng việc cải tiến phần cứng để giải quyết hiệu năng, Apple khá “bình chân” trong vấn đề này. Thực tế, những mẫu iPhone 3Gs với cấu hình từ vài năm trước vẫn vận hành hoàn hảo (nếu không muốn nói là nhanh hơn nhiều mẫu Android hiện đại) và chạy được nhiều ứng dụng tiên tiến nhờ hệ điều hành iOS. Đây là điều đáng ngưỡng mộ khi 3Gs chỉ sử dụng BXL 600 MHz. Bí quyết của iOS chính là việc “vắt kiệt” được phần cứng và không có các “lỗ hổng” gây rò rỉ bộ nhớ, lãng phí tài nguyên không cần thiết.


Tính năng phong phú, nhiều dịch vụ/ứng dụng 

Không ai có thể nói rằng iOS thiếu vắng các tính năng. Gần như với iOS, người dùng có thể làm được mọi thứ nhờ kho tàng ứng dụng khổng lồ. Apple thực tế đã “cách mạng hoá” ý tưởng ứng dụng di động và đạt được thành công lớn với iOS. Ngay sau khi nhận thấy sự thành công của một chiếc điện thoại di động như iPhone chỉ nhờ vào hàng trăm các nhà phát triển ứng dụng “hậu thuẫn” thông qua ứng dụng cả miễn phí lẫn thu phí, các nhà sản xuất khác đã nhanh chóng theo chân và hệ quả là hàng loạt các loại “App Store” hay “Market Place”. Bên cạnh đó, iOS cũng có những dịch vụ “cây nhà lá vườn” hết sức hiệu quả như iCloud hay iTunes – song song với cơ chế tích hợp sâu vào mạng xã hội như Twitter hay Facebook. Đây cũng chính là những yếu tố cho phép iOS trụ vững trong nhiều năm tới – kể cả khi những hệ điều hành tốt hơn ra đời.

Người dùng khi đến với các sản phẩm ngoài iOS chủ yếu hưởng lợi từ phần cứng hoặc giá thành rẻ hơn. Điển hình chính là Android với mức giá … miễn phí và vô số các lựa chọn khác nhau về phần cứng. Tuy nhiên khi so sánh trực tiếp, có thể thấy rằng hiện tại không có hệ điều hành di động nào đủ sức sánh ngang với iOS.


Hoàng Linh