IPTV – “món ăn” theo sở thích
Truyền hình hướng người dùng
Bác Liên ở 148 Lê Trọng Tấn, Hà Nội phàn nàn rằng, ông Truyền hình Cáp Hà Nội đang cung cấp gần 60 kênh, thế nhưng phần lớn là các kênh phát triển theo số lượng, không quan tâm lắm đến nhu cầu của người xem. Như nhà bác chỉ thích xem kênh của VTC. Đợt vừa rồi, nhà đài cắt “cái rụp” các chương trình này, khiến cho nhiều thuê bao như bác bất ngờ đến mức rủ nhau chuyển đổi sang hình thức dùng đầu thu kỹ thuật số, hoặc truyền hình HDTV của Đài Truyền hình VTC.
Tâm lý người dùng bao giờ cũng thế - luôn muốn tự mình kiểm soát những thứ nhận được. Ở đây khái niệm “cho và nhận” đã không còn phù hợp. Cuộc sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao, khiến cho các chương trình truyền hình đơn thuần trước đây trở nên chật hẹp và không còn đáp ứng được nữa.
Có thể nói các phương thức truyền hình hiện nay: truyền thống (như đa phần người dân đang “thưởng thức” hiện nay); truyền hình cáp và truyền hình số mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Khác với các phương thức truyền hình này, IPTV (hay còn có tên chính thức là “Truyền hình Internet”) mang lại những trải nghiệm giải trí truyền hình hoàn toàn mới. chủ động hơn, nội dung giải trí phong phú hơn, chất lượng cao hơn, và người xem có thể thưởng thức các chương trình bất cứ khi nào họ thích – đó là những lợi thế không thể bỏ qua của IPTV. Nói một cách cụ thể hơn, thì quyền kiểm soát nội dung cũng như thời gian xem chương trình trên IPTV được trao hoàn toàn cho người dùng. Nói tóm lại, IPTV là truyền hình “muốn gì xem nấy”!
Nếu bạn là một người bận rộn, thì chắc chắn bạn sẽ khó theo dõi những chương trình “ruột” của mình trên truyền hình. Một trận túc cầu cực kỳ hấp dẫn trong đêm, nhưng bạn đành “cắn răng” bỏ qua, vì không muốn trễ nải trong cuộc họp quan trọng vào sáng hôm sau. Với các phương thức truyền hình truyền thống, có lẽ bạn đành bó tay với tình huống này, nhưng với IPTV thì khác. Bạn hoàn toàn có thể xem lại trận cầu “đinh” đó vào bất cứ khi nào bạn thích, bởi chương trình đã được lưu, và sẽ được phát lại tới người dùng bất cứ khi nào họ muốn.
Thêm một điểm mấu chốt nữa của IPTV mà người dùng không thể bỏ qua, đó là khả năng tương tác trực tiếp với các chương trình truyền hình. Chẳng hạn, người dùng có thể nhận thông tin về đội bóng mà họ đang xem thi đấu trên màn hình; hoặc có thể đặt mua phim, ảnh, truy xuất thông tin trực tiếp trên màn hình TV. Với các chương trình gán mác “tương tác” hiện nay trên truyền hình, người dùng vẫn phải sử dụng một phương thức khác (điện thoại chẳng hạn) để liên lạc với Nhà đài. Nhưng với IPTV thì khác, người dùng có thể tương tác trực tiếp theo thời gian thực thông qua màn hình TV mà họ đang xem. Tính năng hấp dẫn này giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc mà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc tức thì.
Không kén người xem
Sở dĩ có tên “Truyền hình Internet” là bởi IPTV hoạt động trên đường truyền Internet. Thay vì phát truyền hình qua sóng viba, qua vệ tinh và mạng cáp như hiện nay, IPTV tận dụng luôn đường Internet để cung cấp dịch vụ. Khách hàng của IPTV rất đa dạng, đó có thể là tầng lớp tri thức, sinh viên, học sinh, hay bất cứ một đối tượng nào khác. Phạm vi triển khai IPTV cũng rất rộng, bất cứ nơi nào có kết nối Internet đều có mặt dịch vụ này. Với nguyên lý đó, thậm chí cả những nơi nông thôn, vùng sâu vùng xa đang có Internet (cáp, hoặc vệ tinh) đều có thể thưởng thức IPTV.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Phần mềm VASC, đơn vị được Tập đoàn VNPT giao triển khai dịch vụ IPTV, thì có lẽ trong thời gian đầu, dịch vụ này mới chỉ thông dụng tại các đô thị, nơi có kết nối Internet tiện lợi hơn. Cũng theo ông Thắng, từ ngày 30/9 tới đây, dịch vụ IPTV sẽ được VNPT cung cấp rộng khắp trên cả nước. Theo lộ trình, dự kiến trong giai đoạn 1 sẽ cung cấp khoảng 14 dịch vụ IPTV, bao gồm các dịch vụ cơ bản: Live TV (các kênh truyền hình thông thường ở trong nước và quốc tế), VoD (phim và chương trình nội dung đặc sắc), TVoD (truyền hình theo yêu cầu), MoD (âm nhạc theo yêu cầu), Interactive Information (thông tin tương tác), Interactive TV (truyền hình tương tác), Time-Shirp TV (truyền hình xem lại), TV-Commerce (truyền hình thương mại), TV-Conference (hội nghị truyền hình), Video-Phone (đàm thoại thấy hình), Games Online (trò chơi trực tuyến), Web, email, dịch vụ quảng cáo… Còn giai đoạn 2 sẽ cung cấp các tiện ích khác như: Media sharing & Photo album, Usage data, e-Education… , nâng tổng số các dịch vụ IPTV của VNPT lên hơn 30 dịch vụ. Thời gian đầu, VNPT sẽ cung cấp khoảng 32 kênh truyền hình, sau đó dự kiến nâng lên 60-100 kênh truyền hình.
IPTV – một xu hướng giải trí tại gia mới
Cũng giống các hình thức giải trí khác, chắc chắn, IPTV sẽ trở thành xu hướng giải trí chủ đạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, khác với một hệ thống home theater đầy tốn kém, người dùng chỉ cần mua thêm bộ chuyển đổi tín hiệu (hay còn gọi là “set-top-box”) là đã có thể thưởng thức IPTV trên những chiếc TV hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn có người thích “trường phái” IPTV cao cấp hơn. Hoài Sơn, nhân viên của FPT, thì đang rục rịch trang bị cho mình một bộ IPTV hoành tráng. TV LCD cỡ lớn (từ 42-inch trở lên), hệ thống loa “khủng”, PC “xịn” đang là những thứ mà Sơn nhắm tới. Với các bộ phim hành động độ nét cao được truyền trên mạng băng rộng, Sơn hy vọng sẽ được thưởng thức những trải nghiệm mới mà trước đây mình chưa có được.
Tất nhiên, không phải ví tiền của ai cũng “dày”, nhưng nhu cầu thưởng thức vẫn là rất lớn. Chỉ cần bộ “set-top-box” là bạn có thể “ngon lành” sử dụng dịch vụ IPTV được rồi. Giá của một bộ chuyển đổi tín hiệu này hiện khoảng trên 2 triệu đồng. Bạn cũng không cần phải mua TV LCD tốn kém làm gì, bởi “set-top-box” có thể tương thích với cả những chiếc TV truyền thống.
Lời cuối
Gia Nguyễn