Kết nối nhạc không dây từ các thiết bị di động

14:00, 29/09/2013

Để chia sẻ nhạc không dây từ tablet, smartphone sang hệ thống âm thanh quy chuẩn hơn như các loại loa ngoài hoặc dàn loa chuyên nghiệp, người dùng sẽ chọn giải pháp quen thuộc là Bluetooth. Tuy nhiên, mới đây, nền tảng di động đã có thêm công nghệ chia sẻ không dây mới. 

Bluetooth

Có thể nói, đây là công nghệ phổ biến nhất hiện giờ. Trên thị trường có bán nhiều loại loa, tai nghe cho phép kết nối Bluetooth với thiết bị di động để thưởng thức âm nhạc không dây. Kết nối Bluetooth phổ biến trên nhiều thiết bị như laptop, tablet, smartphone, xe hơi... bất kể chạy hệ điều hành gì. Bạn chỉ cần pair (“bắt tay”) thiết bị của mình với loa, tai nghe là có thể thưởng thức âm nhạc không dây. Đây là điểm mạnh của Bluetooth. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh chuyển tải thông qua kết nối Bluetooth bị suy giảm khá nhiều do dữ liệu bị nén lại để giảm kích thước. Vì vậy, đối với những đôi tai sành điệu, Bluetooth chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc đỉnh cao. Đây cũng là lý do mà mặc dù phổ biến, thuận tiện nhưng việc chia sẻ âm thanh không dây qua Bluetooth đến nay vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu nhất. 

DLNA

Digital Living Network Alliance (DLNA - Liên minh Kết nối Đời sống số), một tổ chức thương mại phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2003 với hơn 230 thành viên. Mục tiêu của DLNA là đặt ra các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho các thiết bị mạng gia đình và phương tiện giải trí, một khi chúng đạt chuẩn DLNA (DLNA Certified) thì có thể dễ dàng chia sẻ nội dung video HD, nhạc, hình ảnh với nhau trong mạng nội bộ, bất kể thiết bị đó thuộc dòng nào hay của nhà sản xuất nào. Nếu bạn có một smartphone và một bộ loa được chứng nhận DLNA, bạn có thể phát nhạc không dây trên loa. Nền tảng này được áp dụng nhiều vào trong sản phẩm của Sony. Người dùng thiết bị Sony như laptop, TV, hệ thống loa sở hữu nền tảng DLNA sẽ có thể chia sẻ âm thanh không dây giữa các thiết bị với nhau. 

Air Play của IOS

Công nghệ chuyển tải âm thanh dựa trên nền tảng Air Play của Apple cho phép giữ nguyên, không nén. Vì vậy, chất lượng âm thanh được chuyển tải qua công nghệ này không bị suy giảm như trên kết nối Bluetooth. Apple tích hợp sẵn công nghệ AirPlay kể từ iOS 4.2 nên bạn chỉ cần có nguồn phát là một thiết bị chạy iOS 4.2 trở lên hoặc một máy tính có cài đặt iTunes 10.1 trở lên và nguồn thu như Apple TV, các loại loa hỗ trợ Airplay và kết nối chúng trên cùng một mạng Wi-Fi. Trong trường hợp không có các thiết bị này, bạn có thể mua AirPort Express (AE), có giá khoảng 2,2 triệu đồng, để kết nối với loa hiện có của mình để thưởng thức âm nhạc từ iPhone, iPad... Ngoài ra AE còn cho phép bạn dùng như một router Wi-Fi, kết nối với máy in để in ấn không dây.

AllPlay của Qualcomm

Có thể nhận thấy nếu như iOS có AirPlay để chuyển tải nhạc sang loa thì trên Android tính năng đó không được quy chuẩn. Mới đây, Qualcomm đã giới thiệu AllPlay với mong muốn chuẩn hóa việc chuyển tải nhạc từ thiết bị của người dùng sang loa, receiver. Công nghệ của Qualcomm dựa trên nền tảng Alljoyn và có sự hợp tác của Rhapsody. Với AllPlay, bạn có thể phát mỗi bài hát trên một hệ thống loa và điều khiển âm lượng riêng cho từng loa. Dự kiến, bộ công cụ phát triển phần mềm sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay và người dùng sẽ được chứng kiến nhiều ứng dụng phát nhạc không dây sử dụng nền tảng AllPlay của Qualcomm.

Hải Phước