Khám phá hay sở hữu?
06:09, 23/08/2009
Trước hết, phải khẳng định một điều là khái niệm “khám phá” hoặc “sở hữu” 1 chiếc điện thoại là hoàn toàn khác nhau. Thị trường hiện nay đang chứng kiến sự sôi động trong tiêu dùng sản phẩm “nóng” và khá năng động về mọi mặt giá cả, hình thức, phong cách… như điện thoại di động. Qua sự nhộn nhịp này, nhà cung cấp dễ thấy được da dạng tâm lý mua sắm của người dùng.
Trong đó, một bộ phận không nhỏ dùng điện thoại như là một cách khám phá, khẳng định hiểu biết và coi như là một công cụ đích thực phục vụ công việc, cuộc sống của mình. Trái lại, bên cạnh đó, khá nhiều người lại sở hữu những “chú dế” theo kiểu chạy theo mốt thời thượng.
Tháng trước có thể mất gần hàng nghìn đô để mua 1 con iPhone đời đầu, nhưng tháng sau sẵn sàng “bán tháo” với hơn trăm đô và săn lùng iPhone đời mới chỉ để được người ta biết đến với danh hiệu là “kẻ dẫn đầu”.
Ngợp…
Ngợp…
Quý 3 hàng năm, trên thế giới, là thời điểm diễn ra nhiều cuộc triển lãm công nghệ thông tin cũng như thiết bị công nghệ. Các hãng sản xuất đều đưa ra những sản phẩm thế mạnh của mình nhằm thu hút khách hàng, chỉ trong thời gian ngắn, khi Palm còn chưa kịp phổ biến “Pre”, đã bị người đồng hương Apple đáp trả với iPhone 3Gs đầy sức mạnh, ngoài ra còn chưa kể tới HTC với Magic, BlackBerry với “Tour”…. Người tiêu dùng ngợp trước các tính năng, sức mạnh, kiểu dáng tới giá cả của các loại thiết bị cao cấp đó, hình ảnh từng hàng dài người chờ đợi sự xuất hiện của một thiết bị mới như đã trở nên thường thấy hơn.
Tại Việt Nam, không những không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của những “cơn bão công nghệ” đó mà xã hội tiêu dùng còn gần như đi trước nhiều thị trường khác khi các sản phẩm mới nhất luôn về nước đầu tiên ngay khi ra mắt.
Khắp các diễn đàn về điện thoại đều rộ lên các thông tin về “đập hộp” các thiết bị đang được mong chờ, dường như ai cũng muốn mình là người đầu tiên. Các cách nhập hàng về sớm nhất cũng như chiêu thức giảm giá của các hãng tại Việt Nam cũng gây sốc không kém, gần đây nhất là Samsung với chương trình giảm giá hai loại điện thoại mới ra với giá sốc, và tất nhiên là số lượng có hạn, đã thu hút lượng lớn người tới xếp hàng chờ mua.
Khám phá
Khám phá
Hoàng Linh, chuyên gia IT nổi tiếng đất Hà Thành cho biết, anh phần lớn đều được các hãng sản xuất, phân phối sản phẩm điện thoại di động ở Việt Nam mời test (dùng thử) qua tất cả những đợt hàng mới nhất khi chuẩn bị ra mắt tại thị trường Việt Nam, thậm chí mới ra mắt ở thị trường thế giới. Linh chia sẻ, sản phẩm công nghệ nào mới ra cũng đều được tính toán về tính năng, tiện ích, đối tượng tiêu thụ. Tùy vào nhu cầu mà người dùng sẽ lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều người có sở thích cứ thấy mới là mua, thích là chọn… rất phí phạm. Cả “đống” tiện ích bỏ không bao giờ động đến. Họ chỉ mua cái mới, cái mác, cái danh. Bản thân anh được tiếp cận nhiều loại máy khác nhau với những hấp dẫn phong phú, nhưng anh vẫn chung thủy với con iPhone 2G đời đầu. Còn với các loại máy mới, Linh cho rằng, được “mổ xẻ”, giới thiệu bạn bè, diễn đàn những lợi ích, tính năng, thậm chí cả những hạn chế, bất cập của sản phẩm là điều ưa thích nhất của bất cứ dân công nghệ ưa “vọoc” chính cống nào.
Không khác với Linh, Văn Hiệp, chuyên gia review sản phẩm di động cũng khá trung thành với cục gạch Bi-bi (Blackberry 8760??) của mình. Chuyện chiếc BB của Hiệp gắn nhiều kỷ niệm như là “người bạn” đầu tiên khi bước vào làng công nghệ, viễn thông.
Từ đầu năm 2000, do quá ái mộ dòng điện thoại đặc chủng của RIM, Hiệp mò mẫm tìm mua một chiếc vừa túi tiền và xài mấy năm trời cho đến nay. Hỏi sao không “lên đời”, Hiệp chỉ cười và cho rằng vẫn đang phải cố tìm tòi để sử dụng được hết những ưu việt của dòng máy đặc trưng phong cách công nghệ hàng đầu thế giới này.
Sở hữu
Sở hữu
Qua khảo sát về lượng mua sắm tại một số trung tâm bán điện thoại lớn tại Hà Nội thời gian gần đây, mặc dù đang trong thời kỳ “khủng hoàng kinh tế toàn cầu” nhưng dường như không ảnh hưởng mấy tới nhu cầu thay đổi hay sắm mới điện thoại của giới trẻ. Họ rất năng động trong việc nắm bắt công nghệ mới, gần như ngay lập tức khi trên thế giới có công nghệ gì mới là họ quan tâm ngay.
Chị Hà, nhân viên bán hàng online của Cty Nhật Cường cho hay: “Khi mà hãng Apple mới chỉ giới thiệu phiên bản iPhone 3Gs thôi hoặc khi Nokia đưa N97 ra giới thiệu tại thị trường Việt Nam, lượng khách hàng đa phần là giới trẻ đã gọi điện liên tục tới để hỏi xem mặt hàng đã có tại Công ty chưa, để đặt hàng”.
Chắc chắn với những khách hàng như thế, họ đã hoặc đang dùng những chiếc điện thoại cũng phải thuộc tầm “hàng khủng” nhưng họ vẫn muốn mua thêm, có thể là sự tò mò nhưng cũng có thể chỉ đơn thuần muốn là người đầu tiên sở hữu những công nghệ mới nhất.
Duy Hưng, 21 tuổi, đi từ Nam Định lên Hà Nội, đợi cả nửa ngày tại cửa hàng của Công ty Nhật Cường chỉ để giành mua được iPhone 3GS. Hưng khẳng định: “Mua bằng bất cứ giá nào!”. Khi hỏi iPhone 3GS có ưu điểm gì so với các đời trước nó, hay các dòng máy của hãng khác, Hưng cho biết, iPhone 3GS là mới nhất, là sành điệu nhất. Cài đặt được rất nhiều phần mềm tiện ích, và lướt Net nhanh.
Nhân viên tư vấn của công ty tư vấn Hưng thử chọn loại khác vì hàng iPhone 3GS chưa kịp về, phải đợi. Với lại, một số dòng máy khác của Samsung, HTC,… cũng có những tính năng tương tự như Hưng yêu cầu. Tuy nhiên, các nhân viên của Nhật Cường đã phải chưng hửng khi Hưng cho biết, anh phải là người đầu tiên ở Nam Định sờ vào con iPhone “khủng” này.
Dường như là lẽ dĩ nhiên khi các hãng hiện nay nhắm tới đối tượng chủ yếu là khách hàng trẻ tuổi, khi mà xu hướng “vuốt, chạm” đang lên ngôi với người khởi xướng là Apple với iPhone, thì hàng loạt các model của các hãng khác cũng đua nhau với màn hình lớn, vuốt và chạm đã tạo cơn sốt thực sự tới người tiêu dùng. Từng hàng sinh viên xếp hàng để được sở hữu một thiết bị di động trong đêm và tới tận sáng như biện minh cho mục tiêu đạt được thành quả của hãng.
Dường như là lẽ dĩ nhiên khi các hãng hiện nay nhắm tới đối tượng chủ yếu là khách hàng trẻ tuổi, khi mà xu hướng “vuốt, chạm” đang lên ngôi với người khởi xướng là Apple với iPhone, thì hàng loạt các model của các hãng khác cũng đua nhau với màn hình lớn, vuốt và chạm đã tạo cơn sốt thực sự tới người tiêu dùng. Từng hàng sinh viên xếp hàng để được sở hữu một thiết bị di động trong đêm và tới tận sáng như biện minh cho mục tiêu đạt được thành quả của hãng.
Bên cạnh đó, cùng với việc giảm giá thiết bị là sự hỗ trợ từ những nhà cung cấp mạng, khi mà giá cước đã rẻ đi rất nhiều, các nhà cung cấp mạng còn tung ra các gói hỗ trợ như “tặng 150% giá trị khi nạp thẻ, hay miễn phí gọi nội mạng…” hay “gọi nội mạng miễn phí sau phút đầu….”… thì lại càng kích thích được nhu cầu sắm thêm máy theo kiểu “hai tay hai súng”, nhất là với giới trẻ.
Việc cập nhật thông tin từ bạn bè, hay từ mạng internet đã “thúc đẩy” nhu cầu mua sắm mới và cũng là động lực để các hãng sản xuất tiếp tục sản xuất ra những thiết bị phù hợp để phục vụ mục đích của phong cách tiêu dùng trong giới trẻ.
Lời kết
Lời kết
Xã hội tiêu dùng phong phú, đa dạng là tín hiệu mừng cho sự phát triển chung. Tuy nhiên, khi mà sản phẩm luôn được nâng cấp, cải tiến để phục vụ tốt hơn, thì mỗi người dùng thiết nghĩ cũng nên có những phong cách tiêu dùng thông qua sự hiểu biết thông tin, hiểu biết về sản phẩm, và về nhu cầu chính của mình.
Chí ít thì đơn giản là không để bị “bủa vây” trong chiến lược “móc túi khách hàng” của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, cũng như không để bị “mất tiền vì thiếu hiêu biết”… và trở thành những người tiêu dùng thông thái hơn.
Trong thời gian tới, khi công nghệ 3G bắt đầu được đưa ra ứng dụng, khi đó sẽ lại có những “cơn sóng” mới trong nhu cầu sử dụng các tài nguyên trên 3G, các nhà cung cấp nội dung, các nhà cung cấp mạng, những thiết bị đầu cuối hỗ trợ mạng băng rộng sẽ được thỏa sức cung cấp cho người dùng. Chúng ta cùng chờ một xu hướng mới trong cách sử dụng công nghệ, kỹ thuật để phục vụ vào cuộc sống hàng ngày.
Hiệp Thành