Kim loại quý trong rác thải điện tử, nguồn lợi khổng lồ bị lãng phí

16:08, 17/10/2023

Mới đây, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên Hiệp Quốc đã tiết lộ một thực tế đáng lo ngại: gần 10 tỷ USD kim loại quý bị bỏ phí mỗi năm bởi rác thải điện tử. Các chuyên gia cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc tiếp tục lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này.

Báo cáo cho biết, những kim loại như lithium, vàng, bạc và đồng, đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp xanh và chuyển đổi kinh tế xanh. Chẳng hạn, chúng được sử dụng rộng rãi để sản xuất pin cho xe điện, một phần quan trọng trong cuộc cách mạng về năng lượng sạch. Nhu cầu về kim loại quý này dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Châu Âu đang đứng trước một thách thức lớn khi nhu cầu về kim loại đồng dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030. Điều này là để đáp ứng nguồn cung trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo, thông tin liên lạc, hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Tuy nhiên, những kim loại quý này đang bị bỏ phí khi nhiều người tiêu dùng vứt bỏ các thiết bị và đồ dùng điện tử hoặc giữ lại mà không sử dụng. Điều này dẫn đến việc lãng phí "vô hình" các nguyên liệu chiến lược quan trọng.

Tỉ lệ tái chế rác thải điện và điện tử trên toàn cầu hiện đã giảm xuống ở mức khoảng 17%.

Theo báo cáo, trên toàn thế giới, lượng rác thải điện tử này lên tới 9 triệu tấn mỗi năm, ứng với khoảng 9,5 tỷ USD kim loại quý.

Tình hình tái chế rác thải điện tử đang gặp nhiều khó khăn. Trung bình, tỷ lệ tái chế chỉ đạt khoảng 17% trên toàn cầu. Có một số vùng tại Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, tỷ lệ tái chế gần như bằng 0 do thiếu hệ thống thu gom rác thải điện tử.

Tuy nhiên, châu Âu là một tia sáng với tỷ lệ tái chế rác thải điện tử đạt mức 55%. Đây là kết quả của việc thiết lập hệ thống thu gom hiệu quả và sự nhận thức cao của cộng đồng.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi hành động cụ thể để giảm thiểu tình trạng lãng phí như vậy. Đầu tiên và quan trọng nhất, cần tăng cường nhận thức cho người tiêu dùng trên toàn thế giới để thúc đẩy thay đổi hành vi và giữ gìn tài nguyên quý giá này cho tương lai bền vững của chúng ta.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/kim-loai-quy-trong-rac-thai-dien-tu-nguon-loi-khong-lo-bi-lang-phi)