Kỳ 1: Thương mại điện tử: Nhiều tiện ích nhưng không ít rủi ro

16:51, 16/01/2024

Sự phát triển của internet và công nghệ số đã làm phương thức giao thương thay đổi căn bản, trong đó, xu hướng mua sắm qua thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng gia tăng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp, song, TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều rủi do nội tại.

Nhiều lợi ích…

Số liệu chính thức được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long đưa ra tại Hội thảo, triển lãm Internet Day 2023 lần thứ 11 với chủ đề “Không gian mới, cơ hội mới cho Internet Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức vào tháng 11/2023 cho thấy, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức cao (trên 60), cao hơn mức trung bình toàn cầu (57,6%).

Trong khi đó, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố hồi đầu tháng 11/2023 thì Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này tới năm 2025 với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử (GMV) của Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.

Còn theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore) thì hiện trên thế giới có 6 mạng xã hội phổ biến, gồm: Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube và trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới, Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Cùng với các mạng xã hội nói trên, các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã trở thành kênh phân phối hàng hóa không thể thiếu của người dùng internet Việt Nam. Những số liệu thống kê trên được xem như một lý giải cho tình trạng bùng nổ của hoạt động mua – bán hàng trực tuyến (bán hàng online) thời gian qua.

Có thể khẳng định, hầu hết người dùng internet ở Việt Nam, dù chủ động hay bị động, đều không dưới một lần dành sự quan tâm tìm hiểu thông tin về một hoặc nhiều mặt hàng, dịch vụ nào đó được giao bán trên các sàn TMĐT hoặc các mạng xã hội, và rất nhiều trong số đó đã đặt lệnh mua thành công. Đặc biệt hơn, khi các sàn TMĐT, mạng xã hội, các App bán hàng cho phép người dùng phát trực tiếp các hình ảnh video giới thiệu sản phẩm (livestream bán hàng), thì “chợ online” đã thực sự bùng nổ với nhan nhản các phiên livestream bán hàng với cả trăm, thậm chí là cả nghìn đơn hàng được “chốt” thành công trong mỗi phiên lên sóng.

Không chỉ hoạt động 24/24 giờ, mà các nền tảng mạng xã hội còn ồ ạt tổ chức sự kiện Black Friday, Ngày Khuyến mại, Sự kiện tri ân khách hàng… với lượng truy cập, mua sắm tăng chóng mặt, còn mặt hàng được bán online thì đã “phủ sóng” tất cả các nhu cầu của khách hàng. Bạn có thể xem căn nhà chung cư, tham quan thửa đất… đến ngắm nghía chiếc ô tô, xem chiếc máy giặt hoặc mua chiếc áo, chọn đôi tất… mà không cần phải rời khỏi chỗ ngồi. Không những thế, các đặc sản vùng miền, từ những thứ cây, quả trên rừng đến hải sản ngoài biển; từ những mặt hàng sản xuất trong nước đến các vật phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, đều có thể được tiếp cận trực tiếp và đặt mua thành công miễn là bạn có một thiết bị điện tử đầu cuối (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) có kết nối internet.

Như thế, rõ ràng là internet cùng các ứng dụng TMĐT đã thực sự làm thay đổi hẳn, hoặc ít nhất tạo cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh một phương thức giao thương mới với quá nhiều tiện ích. Thêm vào đó là sự phát triển cũng rất nhanh chóng và thức thời các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến (ngân hàng điện tử, ví điện tử…), các tổ chức trung gian vận chuyển, nói to tát là ngành logistic, còn diễn giải đơn giản là: mấy anh, mấy chú shipper, thì sản phẩm, hàng hóa mà bạn cần có thể được “đưa đến tận giường” chỉ sau vài thao tác trên màn hình.

Đó là những tiện ích đối với người tiêu dùng, còn với doanh nghiệp, cá nhân bán hàng, TMĐT, mà cụ thể hơn là hoạt động bán hàng online cũng đưa đến nhiều lợi ích, từ việc giúp khắc phục khoảng cách về địa lý, tiếp cận lượng khách hàng lớn; tiết kiệm chi phí; cung cấp thông tin so sánh giá; tạo nhiều chương trình marketing; chăm sóc khách hàng… và hệ quả là doanh số bán hàng tăng, lợi nhuận được tối ưu hóa.

Minh chứng cho sự quan tâm đầu tư phát triển TMĐT của các doanh nghiệp Việt, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã thực hiện khảo sát và đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vừa công bố cho thấy, năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp có sở hữu website thương mại điện tử là 44%. Trong số các doanh nghiệp có website thì 78% cho biết hiện nay đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook…) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó. Kết quả khảo sát cho thấy, việc xây dựng uy tín, quảng bá và nâng tầm thương hiệu là mục đích hàng đầu của các doanh nghiệp khi xây dựng website hướng tới (84%).

Đặc biệt, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, các trung tâm thương mại cũng đã quan tâm đầu tư, kết hợp ứng dụng TMĐT để tăng tính cạnh tranh, mà ngay cả các cửa hàng bán lẻ truyền thống, các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ… cũng tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để tăng khả năng cạnh tranh.

Thương mại điện tử: Lợi ích và rủi ro song hành!

… nhưng không ít rủi ro

Phải khẳng định rằng, hoạt động TMĐT, nói cho dễ hiểu hơn là mua -bán hàng online, có rất nhiều tiện ích, có thể kể ra như: Tiết kiệm thời gian và công sức (có thể mua hàng từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào; lựa chọn đa dạng (có thể chọn từ hàng ngàn sản phẩm trên các trang web bán hàng online, trang TMĐT); giá cả cạnh tranh (do các trang web bán hàng online không phải chịu quá nhiều chi phí từ việc thuê mặt bằng, nhân viên nên giá cả sản phẩm thường có xu hướng rẻ hơn so với cửa hàng truyền thống)… Tuy nhiên, cũng như bất cứ hình thức giao thương nào, mua – bán hành online cũng tiềm ẩn ngay trong nội tại những nguy cơ rủi ro.

Ngay từ năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã đưa ra dữ liệu khiếu nại cho thấy, số lượng các khiếu nại của khách hàng sau khi mua hành online liên tục tăng với nội dung các khiếu nại tập trung vào các vấn đề, như: Giao sai sản phẩm/sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web; giao hàng chậm; giao thiếu hàng khuyến mãi; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; đăng sai giá (điển hình là đăng giá rất rẻ sau đó hủy đơn đặt hàng của người tiêu dùng); hủy đơn hàng không lý do - người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước; sản phẩm không có nhãn mác/nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ/Nhật Bản; thông báo hết hàng mặc dù trang web vẫn còn hàng nhưng với giá cao hơn; không cung cấp hóa đơn; voucher không thể sử dụng mặc dù vẫn còn hạn; bị lừa đảo khi đặt hàng hóa, dịch vụ…

Và cùng với tình trạng bùng nổ của hoạt động bán hàng online, tình trạng vi phạm nói trên ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện và xử lý hơn bởi các mặt hàng bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. Minh chứng cho tình trạng ngày càng phức tạp này, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra số liệu từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.

Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng liên quan đến nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... Đặc biệt đáng lo ngại là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường TMĐT không chỉ làm phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn là tác nhân làm méo mó thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh.

Kỳ 2: Áp lực đối với lĩnh vực bán lẻ truyền thống

Theo Tạp chí Thương Trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/ky-1-thuong-mai-dien-tu-nhieu-tien-ich-nhung-khong-it-rui-ro-114677.html)