Làm chủ hạ tầng số: Từ khát vọng đến hành động
Trong một thế giới nơi công nghệ thay đổi từng giờ, khi AI học nhanh hơn người, khi dữ liệu chạy xuyên biên giới, việc nắm bắt những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Toàn cảnh hội nghị
Hạ tầng số xanh - Xu thế tất yếu
Bước vào năm 2025, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số (CĐS) diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, giá trị của kinh tế số Việt Nam đã chạm ngưỡng 36 tỷ USD. Đây không chỉ là một con số ấn tượng mà còn cho thấy vai trò dẫn đắt của công nghệ đối với cách các doanh nghiệp (DN) vận hành, mở rộng quy mô và tạo ra giá trị mới trong thời đại số. Tuy nhiên, trong cuộc đua công nghệ ấy, một yếu tố ngày càng được đặt lên hàng đầu là tính bền vững.
CĐS không chỉ là bài toán tối ưu hiệu suất, nâng cao nâng suất mà còn là chiến lược toàn diện để DN tồn tại và phát triển có trách nhiệm với xã hội, môi trường và tương lai. Công nghệ xanh không còn là khái niệm xa vời.
Theo báo cáo của PwC năm 2024, có 85% công ty tại châu Á - Thái Bình Dương đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Từ các gã khổng lồ công nghệ Google, Microsoft cho tới hàng nghìn DN vừa và nhỏ tất cả đang tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo, tối ưu hoá tài nguyên, xây dựng hệ sinh thái số thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh công nghệ trở thành lực đẩy cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế và CĐS không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn, Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit (DCCI Summit) 2025 diễn ra sáng 22/4 - sự kiện thường niên do Viettel IDC tổ chức - tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa xu hướng công nghệ toàn cầu và năng lực nội địa của Việt Nam.
Với chủ đề "Green Tech, Green Future", DCCI Summit 2025 mang đến bức tranh toàn cảnh thị trường trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây (ĐTĐM) toàn cầu và tại Việt Nam, mở ra không gian kết nối và chia sẻ về những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới cùng cộng đồng DN Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững.
AI đang chuyển đổi thiết kế TTDL
Trình bày tại phiên toàn thể, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC cho biết, theo dự báo của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, trong vòng 10 năm qua, tổng doanh thu toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ tăng trưởng từ 2.500 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 16.400 tỷ USD vào năm 2033, tức là tăng khoảng 6,5 lần. Trong đó, thị phần đóng góp của AI tăng từ 189 tỷ USD lên 4.772 tỷ USD, tức là tăng trưởng gấp 25 lần. Điều đó cho thấy AI đã trở thành công nghệ vượt trội, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống và trở thành nhân tố quan trọng của thế giới công nghệ hiện nay.
Theo ông Tân, tất cả các quốc gia, các tập đoàn kinh tế đều phải tận dụng cơ hội này để phát triển kinh doanh và phát triển quốc gia của mình.
Khi AI xuất hiện thì hạ tầng ĐTĐM cũng thay đổi và xuất hiện một khái niệm mới đó là AI platform, trong đó có 3 mô hình chính là: các mô hình huấn luyện AI, triển khai AI vào các ứng dụng cụ thể và AI tích hợp thẳng các sản phẩm, dịch vụ.
Ông Lê Bá Tân: Đây là thời điểm chín muồi để DN Việt khai phá không gian tăng trưởng mới.
Mặt khác, sự phát triển của AI cũng kéo theo sự gia tăng đột biến của các tài nguyên tính toán. Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới, là cái nôi sinh ra công nghệ AI. Vào quý 3/2024, đầu tư tăng trưởng cho hạ tầng của 4 nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn của Mỹ, bao gồm Meta, Google, Microsoft, Amazon, lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt quá đầu tư cho 2 ngành công nghiệp lớn nhất của Mỹ là viễn thông và dầu khí. AI đã và đang làm thay đổi gần như toàn diện các hạng mục đầu tư của các Big tech.
Giám đốc Viettel IDC cho biết xét riêng máy chủ AI đã có giá cỡ 8 - 10 tỷ đồng, gấp 4 - 50 lần giá máy chủ PC, tuy nhiên, chúng lại có vòng đời rất ngắn. Bởi vậy đây được xem là một thách thức cho các nhà đầu tư hạ tầng AI như Viettel IDC, do đó các nhà đầu tư cần phải rất cẩn trọng trong lựa chọn model và phiên bản (version) phù hợp để tránh trượt giá công nghệ và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Thị trường TTDL truyền thống vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, trong đó các quốc gia có các TTDL lớn nhất là Mỹ (chiếm 45,6% thị phần toàn cầu), Đức (4,4%) và Anh (4,4%).
Về mặt ứng dụng trong TTDL, các ứng dụng truyền thông vẫn tăng trưởng, chiếm khoảng 55% nhưng các ứng dụng AI sẽ tăng gấp 3 lần và dần trở thành một phần có tỷ trọng tương đương với ứng dụng truyền thống.
Và một thách thức không nhỏ đang đặt ra với các TTDL, nhất là khi máy chủ AI có mức tiêu thụ điện lớn, từ 10,2 kW đến 120 kW tùy cấu hình. Đến năm 2030, ước tính 70% công suất TTDL toàn cầu sẽ phục vụ AI, đòi hỏi giải pháp làm mát và năng lượng mới.
Phát triển hạ tầng số Việt Nam
Cũng theo ông Lê Bá Tân, quy mô thị trường TTDL Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, dự báo đạt 630 triệu USD trong năm nay và sẽ chạm mốc 1,1 tỷ USD vào cuối thập kỷ. Trong năm 2024, Viettel IDC giữ vị trí dẫn đầu với 49% thị phần, vượt xa các đơn vị khác như FPT (17%) hay CMC (10%).
Ông Lê Bá Tân cho rằng một trong lợi thế của Việt Nam là chi phí xây dựng và vận hành TTDL tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, do đó giá thuê dịch vụ cũng thấp hơn. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch dữ liệu và hạ tầng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ từ các nền kinh tế phát triển sang Đông Nam Á.
Cụ thể, dữ liệu mới nhất 2025 từ Cushman & Wakefield cho thấy Việt Nam có chi phí xây dựng trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chi phí xây dựng TTDL tại Việt Nam tính trên megawat thấp nhất là 5,4 triệu USD, cao nhất là 8,4 triệu USD và theo tiêu chuẩn trung bình là hơn 6,9 triệu USD (tương đương hơn 176 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Trung Quốc (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD),...
Tuy nhiên, ông Tân cũng chỉ ra những hạn chế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Thứ nhất là chưa có sự tham gia đông đảo của các Big tech đầu tư các TTDL lớn tại Việt Nam. Thứ hai là hạn chế về hạ tầng kết nối ra quốc tế. Hiện Việt Nam mới có 6 tuyến cáp quang quốc tế, thấp hơn nhiều so với Singapore (30 tuyến), Malaysia (22 tuyến), Indonesia (18 tuyến), Đài Loan (15 tuyến).
“Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 15 tuyến cáp quang biển đến 2030 để đảm bảo hạ tầng kết nối bền vững, tin cậy. Khi đó, chúng ta sẽ thay đổi vị thế trên bản đồ hạ tầng số khu vực”, ông Tân khẳng định.
Giám đốc Viettel IDC cho biết, năm 2024 làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ nước ngoài đã bắt đầu tiếp cận vào thị trường Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ TTDL và đám mây hàng đầu thế giới như Keppel, STTelemedia đã công bố đầu tư xây dựng, vận hành các TTDL tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Viettel IDC, có 4 động lực chính thúc đẩy thị trường TTDL và đám mây Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
Một là làn sóng chuyển đổi sang đám mây (cloud) của khách hàng bởi đây hiện là xu thế bắt buộc.
Tất cả các hệ thống của chính phủ, các cơ quan công quyền trong quá trình chuyển đổi về cải cách hành chính đã dần chuyển đổi các dịch vụ lên môi trường đám mây. Các DN không chỉ khối nhà nước mà cả khối ngân hàng, tài chính đều đang lựa chọn cloud để chuyển đổi dịch vụ.
Hai là Chương trình CĐS quốc gia chính thức "chạy".
Năm 2025, Viettel sẽ phủ sóng 5G rộng khắp gần như 100% các tỉnh/thành phố, giúp khách hàng đưa các dịch vụ thông minh lên hạ tầng kết nối siêu băng rộng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam rất cao, gần như hàng đầu khu vực; tốc độ CĐS của các ngành như tài chính, ngân hàng tại Việt Nam rất nhanh.
Ba là chính sách của nhà nước.
Ông Lê Bá Tân nhấn mạnh, Luật Dữ liệu tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2025, cùng các mục tiêu như đạt 80% thanh toán số, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho hệ sinh thái số nội địa. “Đây là thời điểm chín muồi để DN Việt khai phá không gian tăng trưởng mới”, ông Tân nhận định.
Bốn là chi phí cạnh tranh, theo đó chi phí xây dựng và giá điện tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, vì vậy giá thuê dịch vụ cũng thấp hơn khoảng 40 - 80%. Đây là điều kiện thuận lợi để thị trường TTDL Việt Nam phát triển.
“Chúng ta không còn đi chậm, mà sẽ đi nhanh hơn, bởi công nghệ đã sẵn sàng và cơ hội đang ở phía trước”, Giám đốc Viettel IDC nhấn mạnh.
DCCI Summit 2025 năm nay quy tụ hơn 3.500 đại biểu. Sự kiện có 3 phiên thảo luận về TTDL, trí tuệ nhân tạo (AI) và ĐTĐM. Phiên thảo luận về TTDL: Đi tìm lời giải cho bài toán “AI hóa” hạ tầng: Từ nguồn điện, làm mát, kiến trúc mạng, đến thiết kế tổng thể. Để từ đó xây dựng DC hiệu suất cao, bền vững và sẵn sàng cho tương lai tăng tốc bởi AI. Phiên thảo luận về ĐTĐM: Góc nhìn toàn diện về cách DN Việt xây dựng nền tảng cloud được nội địa hóa, bảo mật, tự động hóa bởi AI và tối ưu hóa chi phí, thay vì “cloud theo trào lưu”. Phiên thảo luận về AI: Đưa người tham dự bước vào thế giới AI dưới góc nhìn toàn diện, từ triển khai hạ tầng, mô hình kinh doanh, bảo mật dữ liệu, đến ứng dụng agentic AI và tự động hóa quy trình./. |

