Máy bay ATR72 vừa rơi bánh có gì đặc biệt?

14:46, 22/10/2013

Dư luận gần đây vẫn chưa hết xôn xao về việc một chiếc ATR-72 mang số hiệu VN1673 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines xuất phát từ Hải Phòng đi Đà Nẵng đã gặp sự cố nghiêm trọng hy hữu “có một không hai” trong lịch sử hàng không. 

Theo đó, sau khi hạ cánh chiếc máy bay nói trên vào lúc lúc 14h15 ngày 21/10/2103, đội ngũ kỹ thuật mới “tá hỏa” khi phát hiện một bánh bên phải của cụm càng mũi đã "đội nón ra đi" lúc nào không ai biết. Mặc dù không xảy ra sự cố đáng tiếc nào về người những sự việc trên vẫn đã khiến dư luận hết sức quan ngại và lo lắng khi được biết thêm đây cũng chính là loại máy bay cùng loại ATR-72 của hãng hàng không Lao Airlines vừa gặp tai nạn mới đây ở gần sân bay Pakse khiến toàn bộ 49 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.


Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam thì mặc dù chuyến bay vẫn hạ cánh an toàn nhưng sự cố này được xếp vào hạng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Hiện nay, Vietnam Airlines là hãng duy nhất ở Việt Nam sử dụng và khai thác máy bay ATR-72 và có tổng cộng 14 chiếc. 

Ngay khi sự việc xảy ra dưới sự chỉ đạo của Cục, ngay trong đêm 21/10, các chuyên gia nước ngoài cùng với đội ngũ kỹ thuật của hãng đã tiến hành kiểm tra cụm càng mũi, càng chính đối với toàn bộ máy bay còn lại của đội tàu bay ATR-72. Riêng chiếc ATR72 bị rơi bánh kể trên Vietnam Airlines đã ngay lập tức thành lập và cử ngay hai đoàn công tác tới sân bay Cát Bi (Hải phòng) và sân bay Đà Nẵng phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam điều tra theo quy định. Và sáng ngày 22/10/2013, Vietnam Airlines đã hoàn tất báo cáo gửi lên Cục Hàng không về kết quả rà soát toàn bộ đội bay ATR-72. 


Lịch sử ra đời và cơ chế hoạt động của ATR72

Theo thông tin chúng tôi có được, chiếc ATR-72 này mang số hiệu đăng ký B 219, xuất xưởng năm 2009, Vietnam Airlines đưa vào khai thác ở Việt Nam từ ngày 13/10/2009. Ngày kiểm tra kỹ thuật định kỳ gần nhất của chiếc máy bay này là ngày 21/9/2013 cho kết quả hoàn toàn bình thường. 

ATR 72 là một máy bay chở khách sử dụng hai động cơ tuốc bin cánh quạt hoạt động trên những tuyến đường ngắn, được sản xuất tại Pháp bởi ATR. Nó có thể chở 72 hành khách đồng hạng và do hai phi công điều khiển. Đây là loại máy bay cấp vùng chủ yếu của American Eagle Airlines và hãng này cũng sở hữu số lượng ART 72 lớn nhất, những chiếc ATR 72 của hãng được gọi là Super ATR. ATR 72 (Avion de Transport Régional) được phát triển từ ATR 42. ATR đã kéo dài thân thêm 4,5 m, mở rộng sải cánh, lắp động cơ mạnh hơn và tăng dung tích bình chứa nhiên liệu thêm xấp xỉ 10%. 

Chiếc ATR 72 được công bố từ năm 1986 và thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 27/10/1988. Chính xác một năm sau đó, ngày 27/10/1989, Finnair trở thành công ty đầu tiên đưa loại máy bay này vào phục vụ rộng rãi. Tính đến  tháng 12/2007, tổng cộng đã được 361 chiếc ATR 72 đã được chuyển giao trên toàn thế giới với 177 chiếc khác đang được đặt hàng.

Một số thông số kỹ thuật chính của ATR72
•    ATR-72 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/10/1988, có thân dài hơn ATR-42 là 4,5m.
•    ATR-72 có kích thước sải cánh rộng 27,5m, dài thân 27,17m. Sắp xếp tối đa cho 74 hành khách với 4 dãy ghế loại 76cm. Thông thường bố trí từ 64 đến 70 ghế hành khách với loại ghế 81cm.
•    Từ thế hệ cơ bản ATR-72-200, hai thế hệ kế tiếp là ATR-72-210 và ATR-72-500 (trước 18/5/1998 có tên là ATR-72-210A).
•    ATR-72-200 và ATR-72-210 có 2 động cơ phản lực cánh quạt với 4 cánh quạt, ATR-72-500 cũng có 2 động cơ phản lực cánh quạt nhưng với 6 cánh quạt.
•    ATR-72-200 có tốc độ bay tối đa 526km/h với tầm bay xa tối đa cùng 66 khách là 2.665km.
•    ATR-72-200 và ATR-72-210 có trọng lượng cất cánh tối đa đạt 21.500kg (thiết kế riêng đạt 22.000kg). ATR-72-500 có trọng lượng cất cánh tối đa đạt 22.000kg (thiết kế riêng đạt 22.500kg).


Vietnam Airlines  nói gì?

Phía đại diện Vietnam Airlines cho biết ngay khi có ý kiến của Cục hàng không Việt Nam, Hãng đã tuân thủ các quy trình bảo dưỡng và trạng thái của các cụm càng mũi và càng chính ngay trong đêm 21/10/2013 đối với toàn bộ các máy bay còn lại của đội tàu bay ATR-72 tại hai cơ sở kỹ thuật của hãng ở Hà Nội và TP.HCM. Riêng đối với càng mũi, hãng đã cùng chuyên gia nước ngoài kiểm tra "không phá hủy" tất cả các trục (NDT - sử dụng các phương pháp kiểm tra bằng vòng xoáy, sóng âm, từ tính... không can thiệp trực tiếp đến bộ phận được kiểm tra) và sẵn sàng đưa các máy bay này vào khai thác từ 5g sáng 22/10. Ngoài ra, Hãng cũng đang tiếp tục làm việc với nhà sản xuất máy bay để phối hợp điều tra nguyên nhân sự cố và yêu cầu các giải pháp tiếp theo. Cho đến thời điểm hiện tại, kết quả kiểm tra kỹ thuật đội tàu bay đã được Vietnam Airlines đã được báo cáo chi tiết tới Cục Hàng không Việt Nam.

Huy Hoàng