Máy bay tự vá cánh trên trời - bước đột phá của vật liệu tự hàn

06:26, 10/06/2015

Vật liệu tự hàn gồm sợi các-bon có chứa hạt rỗng siêu nhỏ. Khi va đập mạnh, những hạt này sẽ vỡ, giải phóng một tác nhân lỏng tiếp xúc với chất xúc tác và hóa cứng gắn liền lại mọi vết nứt.

Các nhà khoa học Anh sắp tạo ra một bước đột phá cho lĩnh vực hàng không vũ trụ và ứng dụng sơn sửa móng tay. Trong tương lai, các hãng hàng không sẽ không cần đến các thiết bị bay không người lái để sửa chữa máy bay vì chúng có khả năng tự giải quyết các sự cố khi bay.

Các nhà khoa học tại trường Đại học tổng hợp Bristol đang tạo ra một loại vật liệu có thể tự hàn gắn. Nhóm nghiên cứu đang phát triển công nghệ này trong 3 năm và mới đây Giáo sư Duncan Wass, trưởng nhóm, tuyên bố các sản phẩm tự hàn sẽ đến tay người tiêu dùng trong một tương lai rất gần. Vật liệu mới này dựa trên sợi các-bon rất bền và nhẹ và hiện đang được sử dụng trong việc chế tạo ra hầu hết các vật dụng từ cánh máy bay đến xe đạp, ghế ngồi.

Wass và cộng sự đã tìm ra phương pháp bổ sung các hạt rỗng siêu nhỏ vào vật liệu các-bon. Khi gặp va đập mạnh, những hạt này sẽ vỡ, làm một tác nhân hàn lỏng thoát ra và khi nó tiếp xúc với chất xúc tác sẽ ngay lập tức hóa cứng lại, hàn gắn lại mọi vết rạn nứt.

Công nghệ nay không chỉ được sử dụng trên máy bay, nó cũng có thể được dùng để hàn mặt điện thoại và ứng dụng trong sơn sửa móng tay.

Giáo sư Wass cho rằng nhóm của ông đã phát triển công nghệ này dựa trên cảm hứng từ cơ chế hoạt động của cơ thể người.

“Chúng ta không tiến hóa để có thể chịu được mọi tai nạn – và nếu có thì lúc đó chúng ta phải mang bộ da của tê giác – cho nên, nếu bị sứt sát, cơ thể sẽ chảy máu sau đó tự đóng vẩy và lành lặn lại như cũ. Vật liệu các-bon tự hàn này cũng có cơ chế hoạt động tương tự, tuy nhiên cho đến nay nó chỉ có thể phát huy tác dụng với những vết rạn nứt rất nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy”

Nghiên cứu này sẽ được công bố trong hội nghị Royal Society tại thủ đô Luân Đôn trong tuần này.

Tùng Lâm (Theo t3.com)