Mua máy bảng Android – chú ý gì ?
Hướng tới hệ điều hành Android 2.3 mới
Trong số các đặc tính mà máy bảng Android phải có đó chính là khả năng nâng cấp hệ điều hành lên phiên bản mới hơn (hiện tại là 2.3 Gingerbread). Android dù xuất hiện cũng được một thời gian không ngắn nhưng nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chính tốc độ chuyển đổi phần cứng và ra mắt các sản phẩm mới quá nhanh của các nhà sản xuất đã khiến nhiều mẫu máy bị bỏ rơi nửa chừng – không có bản cập nhật. Nếu bạn sở hữu những máy dạng này, bạn sẽ không có cơ hội sử dụng những tính năng mới vốn được Google bổ sung liên tục trong mỗi phiên bản Android như khả năng xử lý độ phân giải cao hơn (rất cần cho máy bảng), quản lý điện năng hiệu quả hơn… Đó là chưa kể tới vấn đề tương thích đối với những ứng dụng trong tương lai. Theo Google, phiên bản Android 2.3 sẽ đem kho ứng dụng tốt hơn tới cho người dùng, khả năng stream nhạc và chuẩn hóa phần cứng gồm vi xử lý 1 GHz và RAM 512MB.
Khả năng hỗ trợ cảm ứng đa chạm
Có thể bạn nghĩ rằng cảm ứng đa chạm đã trở thành một trong những tiêu chuẩn cơ bản của máy tính bảng. Tuy nhiên thực tế có vô số các mẫu máy Android hiện chỉ hỗ trợ cảm ứng một chạm (rất thường thấy đối với các mẫu máy Trung Quốc không tên tuổi). Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn bị giới hạn ở những thao tác hết sức đơn sơ như chỉ trỏ các ứng dụng, cuộn trang… mà không có các thao tác phóng to, thu nhỏ, xoay hình ảnh với hai ngón. Dĩ nhiên, xu hướng chung sẽ buộc các loại máy bảng cảm ứng một chạm rời khỏi thị trường. Tuy nhiên hiện tại điều này chưa xảy ra, do đó khi bạn – người dùng chọn một mẫu máy Android, hãy đảm bảo nó hỗ trợ tốt cảm ứng đa chạm.
Độ phân giải đủ dùng
Nhiều người dùng sẽ muốn đọc sách trên máy bảng Android của mình. Dĩ nhiên đây là một trong những chức năng chính của máy bảng – cho phép người dùng xem các tạp chí hay tập tin PDF. Tuy nhiên nếu máy bạn mua không có độ phân giải đủ lớn, nó sẽ chỉ hiện thị được một góc trang báo hay ebook và việc đọc liên tục nhiều trang sẽ trở thành cực hình theo kiểu "rắn là loài bò…. sát không chân". Cho dù thế nào, việc chọn mua máy bảng nên được giới hạn ở mức phân giải màn hình tối thiểu 1024x600 với quy tắc chung là độ phân giải càng cao sẽ càng tốt.
Trong tình hình số lượng máy Android xuất hiện tràn ngập từ đủ loại thương hiệu, bạn nên hướng tới những sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín trên thị trường như Dell, Viewsonic, Samsung, LG… thay vì lọ mọ với những mẫu vô danh từ Trung Quốc hay các nước châu Á khác. Thực tế cho thấy nhiều máy bảng Android giá rẻ ngoài các phần cứng chất lượng thấp còn bị ngắt kết nối tới kho ứng dụng Android Market của Google. Điều này khiến cho việc sử dụng máy thực sự là một cực hình và việc tiết kiệm vài đồng trong trường hợp này là quyết định hoàn toàn sai lầm.
Bộ nhớ trong phải đủ dùng hoặc hỗ trợ thẻ nhớ ngoài
Nếu bạn mua một mẫu máy bảng Android loại mới, nhiều khả năng bạn sẽ có ít nhất 512MB bộ nhớ trong. Tuy nhiên, để lưu trữ được thoải mái các ứng dụng và dữ liệu số khác, bạn sẽ cần hàng GB chỗ trống. Dĩ nhiên mỗi người dùng sẽ có lượng dữ liệu khác nhau nhưng nhìn chung bạn sẽ cần khoảng 16GB trở lên. Con số này hoàn toàn không nhất thiết chỉ gồm bộ nhớ tích hợp. Nhiều máy bảng Android có khe cắm mở rộng (thường là MicroSDHC) sẽ cho phép bạn nâng dung lượng lưu trữ lên một cách dễ dàng.
Đối với những mẫu chỉ có bộ nhớ trong dưới 16GB (và không có khe cắm thẻ nhớ), bạn nên tránh mua. Hiện tại dù nhiều nhà sản xuất có hứa hẹn các giải pháp lưu trữ trực tuyến nhưng trừ khi giá cước 3G cũng như tốc độ của nó được cải thiện (điều chẳng thể xảy ra một sớm một chiều !), còn nếu không bạn nên gắn với bộ nhớ trong là cách tốt nhất.
BXL đủ nhanh cho các tác vụ cơ bản
Mặc dù từ Android 2.2, hiệu năng của phần cứng đã được Google tận dụng tốt hơn nhưng thực tế, với bất kì dòng máy Android nào thuộc thế hệ hiện tại, bạn cũng nên chọn loại có bộ xử lý với xung nhịp quanh quẩn mức 1GHz-1,2 GHz. Với các mẫu có tốc độ thấp hơn, nhiều ứng dụng – đặc biệt là các trò chơi sẽ được xử lý rất chậm chạp. Trong khi các mẫu máy với chip quá nhanh sẽ có thể đồng nghĩa với việc thời lượng pin trở nên ngẳn ngủi.
Máy ảnh số
Khác với iPad, máy bảng Android thường có máy ảnh số đi kèm. Dĩ nhiên có thể nhiều người sẽ không quan tâm lắm đến chuyện máy bảng có máy ảnh hay không. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng máy của mình như một thiết bị liên lạc thì sự có mặt của máy quay sẽ giúp tận dụng các ứng dụng như Skype tốt hơn nhiều. Dĩ nhiên, chẳng mấy ai cầm nguyên một chiếc máy bảng cỡ bự để chụp hình mấy nhưng sự hiện diện của máy quay có thể tránh được trường hợp bạn phải thất vọng về sau này khi cầm máy bảng của mình lên đường công tác.
Cổng USB tích hợp
Một đặc điểm nữa cũng đáng để bạn xem xét đó là khả năng hỗ trợ USB của máy bảng Android. Đây là điều cần thiết nếu bạn thường xuyên phải chia sẻ dữ liệu qua các ổ USB Flash hay kết nối với một số các thiết bị ngoại vi khác. Thực tế số người dùng thực sự cần tới USB không nhiều nhưng nó sẽ giúp cho việc sử dụng máy hàng ngày trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Dĩ nhiên trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta không thể nêu đủ mọi thứ bạn cần xem xét khi mua một mẫu máy bảng Android. Tuy nhiên chỉ cần đáp ứng đủ các mục ở trên, mẫu máy được chọn đã có thể thỏa mãn tốt mọi nhu cầu rồi. Một số người dùng có thể muốn có thêm các tính năng phụ như GPS, dây cắm mini USB… nhưng cho dù thế nào, việc bỏ qua các điểm trong bài viết là điều tuyệt đối không nên làm nếu bạn muốn đảm bảo mình có được một máy bảng Android thực sự tốt.
Hoàng Hà