"Mười ngón", dễ hay khó?

05:18, 28/10/2008

 Kĩ năng đánh máy dùng cả mười ngón tay tưởng chừng cơ bản trên thực tế lại bị rất nhiều người phớt lờ, ngay cả... dân văn phòng chính hiệu.

Máy tính và Internet đang trở nên phổ cập tại Việt Nam, ít nhất là tại các thành phố lớn. Nhưng thật lạ, kĩ thuật gõ bằng 10 ngón tay cùng lúc, một trong những kĩ năng cơ bản nhất của người dùng máy tính lại không hề được quan tâm đúng mực. Muốn biết người trẻ gõ phím "nhanh" như thế nào, chỉ cần đảo một vòng qua các cửa hàng game-Internet như khu vực Bách Khoa- Hà Nội vào buổi tối. Kể cả dân "chat" hay game thủ, phần lớn đều phải cúi mặt xuống bàn phím "mổ cò" khi có nhu cầu chat trong game, cá biệt có những tay chat "sành điệu" chỉ dùng hai ngón gõ với tốc độ nhanh .. không kém mười ngón (tất nhiên là không dấu) rào rào theo từng đợt (từng câu chat trên màn hình).

Khi được hỏi tại sao lại gõ "mổ cò" mà không tập gõ đúng cách, một bạn trẻ rất vô tư trả lời "vì không cần thiết, tớ gõ bằng hai ngón cũng nhanh vậy".

Tất nhiên, không phải ai cũng "vô tư" như trên. Nhưng từ "muốn" đến "làm được" lại khá khó, như câu than thở trên một diễn đàn tin học: "em đang có ý định tập gõ 10 ngón, nhưng tập 3 ngày đêm rồi mà chưa đâu vào với đâu, chắc do lớn tuổi nên phản xạ ko được như hồi trẻ nữa. Vậy xin hỏi các bác em có nên tập tiếp không? Và với độ tuổi như em (21) thì tập còn có kết quả không?". Băn khoăn này được nhiều người chia sẻ, như chú Bình, công chức cho hay: chú là trường hợp ngoại lệ trong cơ quan do dùng máy chữ trước kia nhiều, nên làm quen với bàn phím máy tính khá nhanh. Trong khi đó, đa số đồng nghiệp của chú đều phải "mổ cò" trên bàn phím mặc dù công việc yêu cầu nhập tài liệu bằng tay. Chú có thử hướng dẫn vài lần, nhưng đa số đều than khó, chậm hơn và... quay lại cách cũ.

Tập được kĩ năng gõ mười ngón sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, mà trước hết là giảm thiểu mỏi tay khi dùng máy trong thời gian dài và tăng đáng kể năng suất làm việc. Nhưng do không làm quen với máy tính một cách bài bản, hoặc thiếu hướng dẫn, khá nhiều người dùng máy tính tại Việt Nam không nắm được kĩ năng này, không chỉ học sinh mà cả sinh viên đại học! Điều này được cô Nhung, giáo viên một trường cấp hai trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội xác nhận: dù chương trình học không yêu cầu, cô đều dành ra buổi học đầu tiên để hướng dẫn các em học sinh mới làm quen với máy tính cách gõ mười ngón đúng cách, cũng như 15' đầu mỗi buổi học sau đó để kiểm tra, thực hành. Những em chăm chỉ và có ý thức đều có thể gõ bằng 10 ngón chỉ sau đó một hai tháng, đặc biệt là số học sinh có máy tại nhà hay thường xuyên chơi game online, chat..

Dù khó, việc sửa chữa thói quen này hoàn toàn khả thi, mà chủ yếu phụ thuộc độ kiên trì của người tập, như lời khuyên dưới đây của chị Lan Hương, chủ một một cửa hàng đánh máy-photocopy:

- Tập gõ đúng cách không bao giờ muộn (bản thân chị "sửa sai" từ năm 22 tuổi).
- Nên học theo các chương trình luyện đánh 10 ngón có chỉ dẫn đặt ngón tay đúng cách, thực hành từ dễ đến khó.
- Không nhìn bàn phím ngay từ đầu mà nhìn vào màn hình, luôn đánh đúng ngón tay - điểm rất quan trọng để tăng tốc độ đánh máy sau này.
- Không nóng vội khi tập, không nản chí bỏ cuộc mà quay lại cách cũ khi cách đánh mới chậm hơn "mổ cò" cũ.

Hiện tại có khá nhiều chương trình luyện đánh tiếng Anh trên Internet như TypingMaster, (bạn có thể tìm mua bản đầy đủ các cửa hàng phần mềm). Sau khi đã làm quen với cách đánh tiếng Anh và tiếng Việt không dấu, có thể chuyển qua tiếng Việt có dấu. Theo kinh nghiệm của chị Hương, nên tập bỏ dấu tiếng Việt theo kiểu Telex (dùng các phím chữ) thay vì kiểu VNI (dùng phím số) - một lợi thế với người dùng máy tính phía Bắc. Có thể thực hành thông qua game như TypeShark , Typing of the Dead, Typing Tutor, hoặc với các bạn trẻ là .. chơi game online, chat chit.

Như vậy, tập gõ mười ngón không bao giờ muộn. Khó khăn duy nhất ở đây chính là sự thiếu kiên nhẫn, cũng như ngại ngần "sửa sai" của bản thân người tập.
 
Theo Dân trí