Netbook “bảng” Có dành cho người dùng ít tiền?

00:00, 03/05/2010

Nếu như theo công thức máy tính bảng = MTXT đơn thuần + màn hình cảm ứng, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy giá của chúng luôn luôn cao hơn các mẫu thông thường tương ứng. Bên cạnh đó, do được nhắm chủ yếu vào giới doanh nhân nên giá của các mẫu máy tính bảng cũng không phải ở mức rẻ. Cùng với xu hướng netbook, các nhà sản xuất cũng đưa ra những phiên bản netbook bảng khá thú vị. Xét về chức năng nhập liệu cảm ứng, chúng không thua kém gì các “đàn anh” to lớn trong khi giá lại rẻ hơn nhiều.

ASUS EEE PC T91
 

Khi nhắc đến netbook, dòng sản phẩm EEE PC được coi là tiên phong đưa trên thị trường công nghệ. ASUS cũng là một trong những nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu các mẫu netbook bảng mà T91 là một gương mặt sáng giá. Về mặt cấu hình, T91 có BXL Atom Z520 1.33 GHz (L2 512KB, FSB 533 MHZ), RAM 1GB DDR2 (cho phép nâng cấp lên 2GB), ổ lưu trữ SSD 16GB và đầy đủ các giao tiếp Wifi/LAN. Đáng chú ý, nó có sẵn cả tùy chọn bộ thu tín hiệu TV, GPS tích hợp và 3G. Màn hình loại 8.9” thông dụng thường thấy trên các dòng netbook. Vì vậy,/ bạn có thể dùng sản phẩm này như bộ thu GPS trên xe hơi hay một chiếc TV di động. Đáng chú ý, máy có bộ tiện ích Touch Gate cho phép đơn giản hóa các thao tác của người dùng. Tiện ích này chạy trên nền Windows XP và có tính chất như một công cụ hỗ trợ thông qua các Widget.

 

 Hầu hết các mẫu netbook với chức năng bảng đều sử dụng màn hình cảm ứng lực nhấn thay vì cảm ứng số. Do đó nhiều chức năng tương tự các mẫu máy bảng cao cấp sẽ vắng mặt. Bên cạnh đó, màn hình kích thước nhỏ (thường 8.9”) cũng sẽ khiến bạn thao tác khó khăn hơn và dễ nhập liệu nhầm hơn so với mức 11-14” của các dòng MTXT bảng thông thường.

 

Lenovo Ideapad S10-3t với màn hình xoay tiện dụng
 

Thế hệ S10-3t mới thực chất là phiên bản S10 với màn hình cảm ứng mới và cấu hình dựa trên nền Atom N450. Nó có giá khoảng 549 USD với bộ xử lý Atom N450 (1.66 GHz) hoặc thêm 100 USD cho bản với Atom N470 (1.86 GHz). Netbook mới này cũng được cài sẵn Windosw 7 Home Premium – mạnh mẽ hơn nhiều Windows 7 Starter hoặc Windows XP của một số đối thủ khác. Bên cạnh đó, với 100 USD nữa sẽ cho phép người dùng tiếp cận với khả năng cảm ứng đa chạm thay vì màn hình cảm ứng đơn điểm truyền thống. Một số thông số cơ bản của máy có thể kể đến bao gồm màn hình 10.1” với khả năng quay 180 độ, bộ nhớ RAM 2GB, đồ họa GMA 3150 và dĩ nhiên là cả Wi-Fi và Bluetooth.

 

Gigabyte T1028 với màn hình độ phân giải cao
 

T1028 là mẫu netbook bảng cao cấp nhất hiện nay của Gigabyte (trước khi Q1000C với Atom N450 ra mắt vào khoảng giữa năm tới đây). Nó gồm 3 biến thể chính, trong đó T1028X và T1028P có màn hình HD 10.1” độ phân giải 1366x768 – điều khá hiếm thấy trong các dòng netbook nói chung. Về mặt cấu hình, máy cũng vẫn dùng Atom N270 (1.6 GHz) với RAM 1GB và Windows XP Home. Ổ cứng được trang bị là loại 2.5” tiêu chuẩn của MTXT – rất tiện cho việc nâng cấp về sau. Theo một số thử nghiệm, T1028 là một trong số ít các mẫu netbook bảng có thể nâng cấp lên Windows 7 và hoạt động trơn tru mà không cần nhiều bước phức tạp. Theo nhà sản xuất, thời lượng pin của máy vào khoảng 4 tiếng với màn hình giảm độ sáng 50% và tắt các kết nối Wi-Fi.

 

Panasonic Toughbook H1 với mức giá khủng
 

Về mặt cấu hình, Toughbook H1 của Panasonic không khác nhiều các sản phẩm cùng loại khác. Nó khá giống T91 khi sử dụng BXL Atom dòng Z (Z540 1.86 GHz) nhưng mặc định chỉ có RAM 1GB. Màn hình của máy lại có kích thước “lạ” 10.4” độ phân giải XGA (thay vì màn hình rộng như thông thường).

Điểm đặc biệt của H1 là màn hình cảm ứng kép vừa hỗ trợ chức năng bút đa lực chạm như các máy tính bảng cao cấp đồng thời lại cho phép sử dụng tay chạm. Pin của máy là loại kép với chức năng tráo đổi nóng cực kì tiện dụng. Toàn bộ ổ cứng và các thành phần quan trọng đều được thiết kế chống va đập – đây cũng là điểm mạnh của dòng máy Toughbook từ Panasonic. Giá bán lẻ của H1 trên thị trường vào khoảng 2.500 USD (cài sẵn Windows Vista Business) – quá cao so với mặt bằng chung.

Kim Liên