Nếu không muốn mất sạch tiền từ thẻ ATM, bạn nên biết "mẹo hay" này

16:06, 10/12/2023

Theo các chuyên gia ngân hàng, có nhiều bí quyết giúp khách hàng sử dụng thẻ an toàn trên máy ATM.

Những năm trở lại đây rất nhiều người có thói quen giữ tiền của bản thân hoặc gia đình trong thẻ ATM thay vì trong két sắt hoặc ví bởi tâm lý tin tưởng vào sự bảo mật cũng như an toàn của ngân hàng. Tuy nhiên, vì suy nghĩ này mà nhiều trường hợp bất cẩn lại xảy đến khiến kẻ gian được cơ hội lợi dụng.

Đặc biệt, trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày một diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, người dùng cần nắm rõ những dấu hiệu bất thường của thẻ ngân hàng. Đồng thời, khách hàng cũng cần bổ sung kiến thức cơ bản về cách nhận biết nguy cơ thông tin thẻ bị đánh cắp, cách sử dụng thẻ an toàn.

Nếu bạn để mật khẩu quá đơn giản, dễ nhớ thì đây sẽ là điều kiện tuyệt vời để kẻ gian hack mất toàn bộ số tiền trong tài khoản của bạn. Sự chủ quan không đáng có này của chủ tài khoản sẽ khiến họ bị đánh cắp mất thông tin và tiền nhanh chóng.

Để bảo vệ tài khoản cũng như ví tiền của chính mình, bạn nên thiết lập mật khẩu chặt chẽ, nhiều kí tự đặc biệt đan xen. Nếu có thể, hãy thay đổi chúng theo tháng để đảm bảo an toàn nhất.

Theo đó, để sử dụng thẻ ngân hàng an toàn trên máy ATM, người dùng phải chú ý các vấn đề sau:

- Nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Không giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường.

- Khách hàng nên sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS và thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường.

- Bạn không nên đặt mật khẩu quá dễ như ngày sinh, số CMND bởi khi đó kẻ gian sẽ dễ dàng tra ra mật khẩu nếu bạn bị mất ví. Tránh tuyệt đối để thông tin ghi mật khẩu và thẻ trong cùng một ví đựng, vì như thế khi mất ví đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất sạch tiền trong tài khoản.

- Khi rút tiền tại cây ATM, bạn phải quan sát kỹ xem có camera được kẻ xấu gắn tinh vi nhằm ghi lại mật khẩu cũng như thông tin thẻ của bạn hay không.

- Nên che bàn phím khi nhập mã PIN và tuyệt đối không nhờ người lạ rút hộ, bởi có thể trong lúc rút, họ sẽ lén chuyển tiền của bạn vào tài khoản khác, hoặc nắm được mật mã của bạn.

- Kiểm đếm tiền tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền. Dù rút nhiều hay ít, vẫn nên chọn in biên lai hay in hóa đơn vì đây là tờ đơn đảm bảo cho việc giao dịch. Nếu có lỗi xảy ra hoặc sai sót, bạn chỉ việc cầm tờ đơn đến ngân hàng phát hành thẻ, để họ tiến hành tra cứu.

- Luôn nhận thẻ trước rồi cất vào ví cho chắc chắn. Để phòng trường hợp bị máy nuốt mất thẻ, bạn nên lấy thẻ trước khi lấy tiền. Hiện nay đa số các cây ATM đều nhả thẻ trước, sau đó đến mới nhả tiền.

- Khi đi rút tiền, nếu chờ lâu mà máy ATM chưa nhả tiền, nhả thẻ. Bạn nên kiên nhẫn chờ thông báo kết quả trên màn hình ATM và chỉ rời khỏi máy ATM khi biết tình trạng giao dịch và màn hình ATM trở lại trạng thái bình thường.

- Nếu không may bị mất thẻ, hoặc phát hiện tài khoản bị kẻ gian rút trộm. Bạn phải gọi ngay lên tổng đài của ngân hàng để khóa thẻ. Nếu phát hiện bị rút trộm tiền ngoài việc báo ngân hàng, bạn cần báo ngay cho cơ quan công an điều tra để làm rõ.

Tự ý rút tiền từ thẻ ATM nhặt được, bị xử lý như thế nào?

Luật sư Trần Viết Hà phân tích, hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự. Dù thẻ tín dụng tự rơi ra và có người nhặt được, người nhặt không lén lút trộm thẻ nhưng người nhặt được đã tiêu tiền trong thẻ sẽ bị khởi tố vì tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Hà, thẻ tín dụng tự rơi nhưng bên trong đó ẩn chứa tài sản. Khi nhặt được thẻ, người nhặt được đã có hành vi ngang nhiên sử dụng thẻ. Chủ sở hữu thực sự của thẻ tín dụng đã bị người khác lén lút lấy đi số tiền trong thẻ. Đó là cấu thành của tội trộm cắp tài sản.

"Trong trường hợp này, việc chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 - 50.000.000 đồng thì khung hình phạt là cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Hà khẳng định.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành động trực tiếp cho chủ tài sản thấy được hành vi đang chiếm đoạt tài sản mà chủ tài sản không làm gì được. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự.

Không chỉ với thẻ tín dụng, đối với các trường hợp chuyển nhầm tiền vào số tài khoản, người nhận được số tiền đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo luật sư Hà, điểm D, khoản 2 điều 15 Nghị định 144/2021 về việc chiếm giữ tài sản trái pháp luật, người nhận tiêu dưới 10 triệu đồng đã có thể bị phạt 3-5 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu số tiền trên 10 triệu đồng thì theo vị luật sư này, người nhận có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản theo điều 176 Nghị định 144/2021. Theo đó, người nào cố tình không trả lại tiền cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 - 200.000.000 đồng sau thì bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng. Ngoài ra, người nhận có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thậm chí, phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tù 1 - 5 năm.

Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu

(https://doanhnghiepthuonghieu.vn/neu-khong-muon-mat-sach-tien-tu-the-atm-ban-nen-biet-meo-hay-nay-1763498042-p51001.html)