Ngành Thuế đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử
Cùng với những cải cách về chính sách thời gian qua, ngành Thuế đã xác định công nghệ thông tin là điều kiện quan trọng để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình quản lý thuế, nâng cao chất lượng quản lý thuế; đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong ngành Tài chính, hướng tới chuyển đổi số quốc gia.
Song song với việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử, để góp phần tích hợp cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý thuế cũng như quản lý nhà nước nói chung, ngành Thuế đã đẩy mạnh và triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử. Đây là một trong những thông tin quản lý quan trọng cần phải được hệ thống hóa chuẩn mực, cập nhật với thông lệ quốc tế để phục vụ tốt hơn cho việc khai thác và sử dụng thông tin.
Trước kia, khi sử dụng hóa đơn giấy, những người nộp thuế cố tình không tuân thủ đã có những hành vi vi phạm về hóa đơn, tuy nhiên phải qua thanh tra kiểm tra thuế thì hành vi vi phạm mới bị phát hiện và việc phát hiện vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, thủ công. Nhưng giờ đây, với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống hóa đơn điện tử có thể lưu vết toàn bộ dữ liệu của người mua, người bán, dữ liệu hóa đơn điện tử cũng đã tích hợp với hệ thống các dữ liệu của cơ quan quản lý thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước khác nói chung, nên trường hợp người mua, người bán có các hành vi vi phạm về hóa đơn để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp, tăng số thuế giá trị gia tăng được hoàn, hợp thức hóa cho hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp… sẽ bị phát hiện nhanh chóng và xử lý kịp thời theo quy định.
Ngay từ khi ngành Thuế triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đến nay, thông qua các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, cơ quan thuế có thể phân tích, đối chiếu, đánh giá đối với từng hóa đơn điện tử mà người nộp thuế gửi vào hệ thống dữ liệu hóa đơn điện tử, từ đó dễ dàng phát hiện việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn cũng như sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với cơ quan Công An để phòng ngừa tội phạm mua, bán trái phép hóa đơn điện tử, phát hiện trường hợp đã thực hiện hành vi mua doanh nghiệp để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại Ngân sách nhà nước.
Người nộp thuế (Người mua hàng) có sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp sau cũng được xác định là có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp:
- Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Do vậy, sau khi rà soát, phân tích, đánh giá tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế đã đưa ra danh sách cảnh báo các doanh nghiệp có rủi ro trong việc sử dụng hóa đơn để nhằm hỗ trợ người nộp thuế (người mua hàng) đã sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp rủi ro này có cơ hội để giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn này và thực hiện các biện pháp tự khắc phục trước khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.
Việc người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp rủi ro nhanh chóng giải trình, chủ động điều chỉnh việc sử dụng hóa đơn rủi ro, tự giác tuân thủ việc khai, nộp thuế theo đúng quy định như chủ động kê khai điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ, không hạch toán chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan hóa đơn đó,… chính là loại bỏ rủi ro vi phạm cho chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, từ đó an tâm sản xuất kinh doanh và không lo bị xử phạt liên quan hóa đơn đã sử dụng của doanh nghiệp rủi ro.
Trường hợp khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, nếu phát hiện việc sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ không hợp pháp nêu trên, cơ quan thuế sẽ thực hiện xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo đúng quy định./.
Theo Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế