Người Việt cầm iPhone, iPad... đọc bài cúng Tết

08:10, 07/02/2013

Cứ đến cuối năm, chuyện cúng bái tổ tiên trong những ngày Tết lại được các mẹ, các chị đưa ra bàn luận rôm rả. Không phải tìm mua sách, sớ khấn như mọi năm, giờ đây chỉ cần search google là có đủ các bài khấn cần dùng.

Chị T. Chi (Khu tập thể hồ Thành Công, Ba Đình) cho biết, trước đây ở với bố mẹ chồng, chị không biết nhiều đến chuyện lễ bái. Hai năm nay chuyển ra ở riêng chị phải tự chuẩn bị hết các thủ tục cúng bái dịp Tết. Khá nhiều thủ tục nhưng chị đều lo tươm tất cả vì có sự giúp sức của “gu gồ”.

Ảnh minh họa


“Trước kia mình chỉ biết vái chứ không biết khấn, toàn mẹ chồng làm hết. Giờ ở riêng rồi phải tự cúng bái. Năm ngoái học thuộc bài khấn Tết mẹ dạy, đến lúc đọc toàn vấp. Giờ không phải vất vả học thuộc nữa, gu gồ cái gì chẳng có, các bài khấn dùng cho dịp Tết nhan nhản. Cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng ngày mùng Một Tết, Lễ hóa vàng ngày mừng Ba Tết, cúng Rằm Tháng Giêng, sớt cái nào gu gồ cho ra cái đó. Lúc cúng thì sớt đúng bài rồi cứ thế cầm điện thoại mà đọc cho đỡ vấp”, chị Chi chia sẻ.

Chị Đỗ Hằng (Xã Đàn, Đống Đa) cũng cho biết, vì bài khấn dài không nhớ được, nhớ nhiều sợ nhầm nên chị thường phải sớt bài khấn trên mạng, rồi in ra cỡ chữ to cầm đọc lúc cúng.

“Trước cũng có mấy cuốn sách khấn các cụ cho nhưng cũ quá rồi, chữ mờ rất khó đọc. Giờ cúng cứ sớt gu gồ rồi cầm ipad đọc luôn, đỡ phải mất công in ra giấy”, chị Hằng nói.

Chị Hằng còn cho biết, để đỡ phải cầm điện thoại đọc trong lúc lễ bái, đồng nghiệp ở cơ quan chị còn tìm bài khấn trên mạng, đọc và dùng điện thoại ghi âm trước, đến lúc làm lễ thì chỉ bật đoạn ghi âm lên rồi chắp tay vái.

Hãy khấn bằng cái tâm!


TS Mỹ học Thế Hùng (Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, thờ cúng tổ tiên là một tục lệ tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Ngày cuối năm, con cháu nhớ đến tổ tiên, dòng tộc là truyền thống rất đạo đức, rất nhân văn.

Hành động sớt “gu gồ” và cầm điện thoại đọc bài khấn khi cúng bái là không cần thiết.


Tuy nhiên, không nên quá cầu kỳ trong việc cúng bái, cũng như không nên quá coi trọng các bài khấn.

“Thiền sư Trúc Lâm Yên Tử đã từng dậy vua Trần Thái Tông một câu rất hay rằng “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật”. Chúng ta thờ cúng tổ tiên là rất đang quý nhưng cần cái thành tâm là chính. Những câu nói sáo rỗng, bài văn khấn có chỉ để vui vẻ thôi, cái tâm mới là quan trọng”, TS Hùng phân tích.

TS Hùng cho rằng, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, các bài khấn trong dân gian được lan truyền trên mạng nên mọi người đều dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, hành động sớt “gu gồ” và cầm điện thoại đọc bài khấn khi cúng bái là không cần thiết.

“Bài khấn có cũng được nhưng không nên nặng nề như thế. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của mình, tâm như nào thì mình thờ cúng như thế là tốt nhất”, TS Hùng nói.

Theo vietnamnet.vn