Nguy cơ phát tán virus bằng Flappy Bird
Trên nguyên tắc là khi bạn thực hiện download các ứng dụng về từ cửa hàng ứng dụng thì mới có những thông báo từ ứng dụng. Nhưng nếu một ngày nào đó điện thoại của bạn bị “ dội bom” thông báo của những ứng dụng mà bạn chưa từng tải bao giờ, thì nguy cơ cao là bạn đã bị lây nhiễm malware. Dù về mặt kỹ thuật, hiện chưa tồn tại cái gọi là “virus” Android nhưng số lượng mã độc Android đang phát tán trên mạng thì không hề ít.
Những malware này thường giả danh các ứng dụng ăn khách như game để dẫn dụ người dùng. Các chuyên gia bảo mật đã phát hiện một game nhái Flappy Bird thực chất là công cụ phát tán mã độc, với dấu hiệu duy nhất để người dùng dè chừng là đánh giá chỉ có 1 sao trên quầy ứng dụng Android. Tương tự, những ứng dụng game Clash of Clans quảng cáo giảm giá 50% cũng nguy hiểm không kém.
Flappy Bird là phần mềm có khả năng phát tán virus cao vì độ hot của nó.
Một khi cài phải những mã độc này về máy, chúng sẽ dội bom thông báo, ngốn dữ liệu và thời lượng pin của bạn không thương tiếc. Máy smartphone sẽ chạy rất chậm dù bạn đã tắt tất cả các ứng dụng không dùng đến.
Con đường “dính mã độc” thường gặp nhất là người dùng lên quầy ứng dụng Android, tìm thấy một ứng dụng mà họ đặc biệt thích. Tuy nhiên, không hề có ý kiến đánh giá của người dùng nào về ứng dụng, còn phần mô tả thì được viết bằng thứ tiếng Anh đầy rẫy lỗi sai. Bạn cũng có thể sẽ phải tải nó về từ một website của Đài Loan hay Trung Quốc… nhưng quan trọng là nó miễn phí.
Thế nên nhiều người dùng tặc lưỡi và click vào nút “tải”. Ban đầu, mọi chuyện có vẻ ổn cả. Nhưng chỉ đến ngày hôm sau, cơn ác mộng sẽ bắt đầu. Bạn sẽ nhận được tới 6 thông báo rác mỗi ngày, như việc game Crash of Clan giảm giá 50% (Cần chú ý là Crash chứ không phải Clash of Clans như tựa game gốc đình đám).
Sau đó, thời lượng pin của điện thoại đột ngột chỉ còn bằng 1/3 so với bình thường. Lý do mà pin cạn một mạch từ 100% xuống 32% trong vòng 30 phút được giải thích là do mã độc đã kích hoạt hàng loạt ứng dụng chạy ngầm bên trong. Đó cũng là lý do vì sao máy lại chạy ì ạch như vậy. “Bạn sẽ có cảm tưởng như mình đang mở khoảng 16 ứng dụng vậy, dù thực tế là bạn không mở ứng dụng nào. Nói cách khác, ai đó đã chạy 16 ứng dụng này – thay cho bạn”, một chuyên gia bảo mật giải thích.
Việc cần làm ngay lúc này là xóa tất cả những ứng dụng mà bạn đã tải về trong một tháng qua. Hoặc đơn giản hơn, hãy cài phần mềm diệt virus di động cập nhật đang được bán khá nhiều trên thị trường để gỡ bỏ mã độc này.
Lời khuyên đưa ra là chỉ chọn những ứng dụng uy tín, có nhiều review để tải mà thôi. Hãy dành thời gian đọc hết những ý kiến đánh giá đó, vì rất có thể sẽ có những khuyến nghị và cảnh báo trong đó. Hơn nữa, chỉ nên tải ứng dụng từ những quầy uy tín như Apple App Store, Google Play hay Windows Store, do hầu hết mã độc đến từ các quầy ứng dụng của bên thứ ba. Cuối cùng, luôn cố gắng cập nhật Android lên phiên bản mới nhất có thể.
Nha Trang ( Tổng hợp)