Nhức nhối vấn nạn gian lận thương mại trên môi trường mạng

09:26, 08/01/2024

Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Môi trường kinh doanh truyền thống đã khó nhưng trong thời gian qua thị trường chứng kiến sự bùng nổ của phương thức kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử vô cùng nhức nhối.

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 72.000 vụ qua đó phát hiện, xử lý hơn 52.300 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022); thu nộp ngân sách gần 500 tỉ đồng đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự.

Nhức nhối vấn nạn gian lận thương mại trên môi trường mạngẢnh minh họa.

Mới đây nhất là ngày 25/12/2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục thương mại điện tử và kinh tế số bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hoá vi phạm và chủ kho chuyên bán hàng qua livestream, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên nhiều nền tảng như Tiktok, Instagram, Facebook cũng như website Mailystyle.com.

Trước đó, hồi đầu tháng 12/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã theo dõi website phoxedien.com có chủ sở hữu là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát có địa chỉ tại Quận 12, TP Hồ Chí Minh giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều hãng xe: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Thẩm tra xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Đồng thời, Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cục QLTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

 

Đây mới chỉ là 2 vụ việc điển hình gần nhất được lực lượng chức năng phát hiện trong số hàng trăm vụ hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong năm 2023. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường - ông Trần Hữu Linh, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở chuyển dịch mạnh mẽ hình thức kinh doanh truyền thống sang online. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử ước đạt 20,5 USD. Hiện, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất trong Đông Nam Á với gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online khoảng 49,3 triệu người (tương đương 41% dân số).

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng trong 3 - 5 năm tới.

Bên cạnh sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, để công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao, lực lượng Quản lý thị trường cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử./.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/nhuc-nhoi-van-nan-gian-lan-thuong-mai-tren-moi-truong-mang-114387.html