Những scandal công nghệ lớn nhất thập kỷ

00:00, 03/02/2011

Kể từ "bong bóng" dot.com hồi cuối những năm 90, ngành công nghệ đang tiếp tục chứng kiến rất nhiều những scandal đình đám khác.

Dân Mỹ bị chính phủ do thám

Năm 2006, một cựu nhân viên của hãng viễn thông Mỹ AT&T tiết lộ rằng chính phủ Mỹ đã từng do thám họ trong thời gian rất dài. Tại thời điểm đó, chính quyền Bush bị quy kết là đã sử dụng Web để do thám toàn bộ người dân nước Mỹ. Trước đó, AT&T đã cho thiết lập một căn phòng bí mật tại trụ sở của hãng này ở San Francisco để dành riêng cho chính quyền. Người ta cho rằng chính quyền Mỹ đã cho thu thập và theo dõi thông tin lướt web của người dân Mỹ tại chính căn phòng đó.

Năm 2008, Tổ chức Mặt trận Điện tử (EFF) đã khởi kiện AT&T và cá nhân Tổng thống Mỹ George Bush thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép những công ty như AT&T tránh bị khởi tố trong những vụ việc kiểu này. EFF nói rằng tổ chức này sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi nào ngăn chặn được chương trình do thám giao tiếp trái phép của NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ) thì thôi.

Ông chủ HP "dính" scandal sex

Sự nghiệp 5 năm làm CEO HP của Mark Hurd kết thúc tháng 8/2010 sau khi ông này bị Jodie Fisher, một nhân viên hợp đồng cũ của HP, tố cáo rằng cô ta bị ông chủ quấy rối tình dục. Ban giám đốc HP đã vào cuộc điều tra và kết luận rằng không có bằng chứng nào xác nhận điều này. Tuy nhiên, "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", sau đó Hurd vẫn bị buộc thôi chức do làm thất vọng giới đầu tư về tình hình kinh doanh không mấy khả quan của HP. Tuy nhiên, theo tiết lộ của tờ The Wall Street Journal, Hurd đã dàn xếp với Fisher, vốn là một diễn viên đóng sex, trước khi ban giám đốc HP vào cuộc điều tra. Một số quan chức HP tin rằng động thái trên của Hurd nhằm che giấu sự thật bị lôi ra ánh sáng.

Sau khi bị "dính trấu" ở HP, Hurd đã tìm tới Oracle, và ban giám đốc HP lại bị chỉ trích nặng nề vì "trót" sa thải một CEO có nhiều đóng góp như Hurd. Theo một số nguồn tin mới được tiết lộ, thì nguyên nhân sa thải Hurd còn liên quan tới việc ông này từng tiết lộ kế hoạch mua EDS của HP trước khi thương vụ này hoàn tất.

Phần mềm nghe lén Sony

Rất nhiều chỉ trích lẫn kiện tụng liên quan tới vụ "rootkit" Sony. Hãng giải trí Sony BMG bất ngờ phát hiện ra rằng phần mềm chống copy của công ty này được tải sẵn vào khoảng 100 đĩa CD lại dính “rootkit”, một dạng phần mềm theo dõi và nghe lén dữ liệu tinh vi. Khi những chiếc đĩa CD này được tải vào máy tính, phần mềm đi kèm sẽ kích hoạt và tạo ra những lỗ hổng sẵn có để virus và sâu máy tính khai thác. Chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi sự cố rootkit này bị phát hiện, đã có nhiều Trojan và sâu máy tính được tạo ra để lợi dụng sơ suất này. Sau đó, Sony BMG đã cho thu hồi đĩa CD có vấn đề và buộc phải dàn xếp vụ kiện tụng của cả 3 bang Texas, New York, và California.

Bê bối tài chính WorldCom

Năm 2000, WorldCom là công ty điện thoại đường dài lớn thứ 2 tại Mỹ nhưng đồng thời tên tuổi của nó cũng gắn với vụ scandal về kiểm toán lớn nhất của nước này. Với khoản tiền thất thoát lên tới 11 tỉ USD, cộng với giá cổ phiếu giảm không phanh của hãng này, thiệt hại đối với các nhà đầu tư là không hề nhỏ. Cũng liên quan tới bê bối tài chính, "siêu lừa" Bernie (Madoff) cũng được coi là kinh nghiệm cay đắng đối với giới tài chính phố Wall. Năm 2005, “tác giả” của vụ bê bối tài chính WorldCom là Ebbers bị kết án gian lận chứng khoán, và phải ngồi tù tới tận năm 2028 khi “siêu lừa" này 85 tuổi.

``

Hung thủ Hans Reiser

Hans Reiser chính là người phát triển Namesys, hệ thống tệp tin điện toán tiên phong trong ngành công nghiệp máy tính hiện nay. Ông này bị buộc tội đã giết vợ mình là Nina Reiser, vốn bị mất tích từ tháng 9/2006, sau đó cảnh sát bắt đầu tìm kiếm và Hans Reiser được coi là nghi phạm số 1. Trong thời gian diễn ra xét xử, luật sư của Hans Reiser đã cố biện minh rằng thân chủ của ông có những hành vi không bình thường. Trước đó, hàng xóm của Hans Reiser nhìn thấy ông này từng tháo tung các bộ phận của xe hơi ra, thậm chí là bỏ cả ghế phụ đằng trước. Mới đầu Hans Reiser bị kết án giết người cấp độ 1, tuy nhiên sau đó được giảm xuống cấp độ 2 sau khi đồng ý tiết lộ vị trí để các mảnh thi thể của vợ. Hans Reiser phải ngồi tù trong suốt 15 năm.

Nghe lén điện tín

Có vẻ như cái tên HP hay gắn liền với scandal trong các năm qua. Với lịch sử 60 năm, HP luôn tự hào là thước đo đạo đức cho cả vùng Thung lũng Silicon rộng lớn, và luôn cố duy trì bộ nguyên tắc "The HP Way" được coi là chuẩn mực. Năm 2006, rắc rối bắt đầu phát sinh và hình ảnh của HP bắt đầu bị làm cho hoen ố. Chủ tịch HP khi đó là Patricia Dunn, với sự đồng thuận của CEO khi đó là Mark Hurd, đã cử thám tử tư theo dõi các thành viên của Ban Giám đốc HP, cũng như một số phóng viên báo đài điển hình như The Wall Street Journal và CNET. Các cuộc đàm thoại những nạn nhân này bị theo dõi ngày đêm, và sự cố khi bị phơi ra ánh sáng đã khiến cho Dunn phải từ chức.

Chu Tấn

TIN LIÊN QUAN