Những sự cố công nghệ nghiêm trọng nhất trong năm 2024
Năm 2024 sắp kết thúc, hãy cùng điểm lại những sự cố công nghệ nghiêm trọng nhất xảy ra trong năm qua, ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn cầu.
Sự phát triển của công nghệ, Internet và các dịch vụ trực tuyến trên toàn cầu đã giúp cuộc sống của con người trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính vì phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, nếu một sự cố xảy ra với các dịch vụ trực tuyến có lượng người dùng lớn sẽ gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng hàng tỷ người trên toàn cầu.
Năm 2024 cũng đã chứng kiến nhiều sự cố công nghệ nghiêm trọng với quy mô trên toàn cầu.
Downdetector trang web chuyên giám sát theo thời gian thực về trạng thái hoạt động của các nhà cung cấp Internet, trang web, dịch vụ trực tuyến… lớn trên toàn cầu đã công bố danh sách 10 sự cố công nghệ nghiêm trọng nhất được trang web này ghi nhận trên toàn cầu trong năm 2024.
Quy mô và mức độ nghiêm trọng của các sự cố công nghệ này được Downdetector sắp xếp dựa vào số lượt báo cáo được người dùng gửi đến trong cùng một thời điểm khi sự cố xảy ra.
Báo cáo của Downdetector dựa trên số liệu thống kê từ quý I đến quý III/2024. Tuy nhiên, do trong quý IV năm nay không có sự cố công nghệ nào thực sự lớn, do vậy bảng xếp hạng do Downdetector mới công bố có thể xem là những sự cố công nghệ lớn và nghiêm trọng nhất trong năm 2024.
1. Sự cố mạng xã hội Facebook "sập" trên toàn cầu
Sự cố công nghệ nghiêm trọng nhất xảy ra trong năm 2024 đó là tất cả các dịch vụ của Meta, bao gồm Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp và Thread đồng loạt "sập" trên toàn cầu vào ngày 5/3.
Vào thời điểm sự cố xảy ra, người dùng đồng loạt bị "đá" ra khỏi tài khoản của Facebook trên ứng dụng cũng như trên nền tảng web. Nhiều người cố gắng đăng nhập lại nhưng bất thành.
Sự cố kéo dài trong hơn 2 giờ đồng hồ trước khi được khắc phục và các dịch vụ của Meta dần trở lại hoạt động bình thường. Meta cho biết nguyên do dẫn đến sự cố vì lỗi kỹ thuật và phủ nhận các dịch vụ của công ty này bị tin tặc tấn công.
Downdetector cho biết vào thời điểm sự cố xảy ra, công ty này đã nhận được báo cáo từ 11,1 triệu người dùng trên toàn cầu vì không truy cập được vào Facebook. Tuy nhiên, ước tính số người bị ảnh hưởng bởi sự cố này có thể lên đến hàng tỷ, khi Facebook là mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất trên toàn cầu.
2. Sự cố "màn hình xanh chết chóc" do lỗi phần mềm CrowdStrike gây ra
Chiều 19/7, hàng triệu máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trên toàn cầu bất ngờ gặp lỗi. Các hệ thống máy tính bị ảnh hưởng đồng loạt xuất hiện "màn hình xanh chết chóc" (BSOD - Blue screen of death) và lâm vào tình trạng khởi động lại liên tục mà không thể hoạt động bình thường.
Nguyên nhân được xác định là từ một bản cập nhật phần mềm của hãng bảo mật CrowdStrike. CrowdStrike chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, hiện có khoảng 29.000 khách hàng toàn cầu, chủ yếu là các công ty, tập đoàn lớn. Trong số này, hơn 500 doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 1000.
Chính vì CrowdStrike có quá nhiều khách hàng doanh nghiệp nên khi sản phẩm gặp lỗi đã gây ảnh hưởng rộng, ngưng trệ hoạt động của nhiều tập đoàn lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của các dịch vụ thiết yếu như giao thông, ngân hàng, đài truyền hình hoặc thậm chí hệ thống cấp cứu, chăm sóc sức khỏe…
Hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đã buộc phải hoãn hoặc hủy các chuyến bay do hệ thống máy tính gặp sự cố, khiến quá trình check-in vé không thể thực hiện được hoặc phải thực hiện hoàn toàn thủ công.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, Downdetector đã ghi nhận được hơn 5 triệu lượt báo cáo của người dùng về các dịch vụ bị ngưng trệ liên quan đến CrowdStrike. Các chuyên gia ước tính lỗi này đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn cầu và gây ra thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ USD.
3. Sự cố của nhà mạng AT&T ảnh hưởng hàng triệu thuê bao tại Mỹ
Vào ngày 22/2, AT&T - một trong những nhà mạng lớn nhất tại Mỹ - gặp sự cố mất mạng trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng. Sự cố ảnh hưởng lớn nhất tại các bang Texas, Florida, Bắc Carolina…
Sự cố này kéo dài ít nhất 12 giờ và gây ra gián đoạn toàn diện cho các dịch vụ gọi điện và kết nối mạng di động 4G/5G. Nguyên do của sự cố được xác định do thực hiện sai một quy trình thiết lập cấu hình trong quá trình nâng cấp mạng, làm ảnh hưởng đến mạng di động và thậm chí cả mạng dành riêng cho các lực lượng phản ứng khẩn cấp tại Mỹ.
Theo báo cáo từ Ủy ban Truyền thông Liên bang, sự cố đã làm ảnh hưởng đến 92 triệu cuộc gọi của thuê bao và 25.000 cuộc gọi khẩn cấp đến số điện thoại 911.
Downdetector cho biết vào thời điểm sự cố xảy ra, trang web này đã ghi nhận hơn 3,4 triệu lượt báo cáo của người dùng.
4. Sự cố "sập" mạng xã hội Instagram
Như trên đã đề cập, vào thời điểm toàn bộ các dịch vụ của Meta bị "sập" trên toàn cầu ngày 5/3, Downdetector đã ghi nhận 3,3 triệu lượt báo cáo của người dùng vì họ không thể truy cập và sử dụng mạng xã hội Instagram.
Instagram hiện có khoảng 2 tỷ người dùng thường xuyên và 500 triệu người dùng hàng ngày. Do vậy không quá khó hiểu khi Downdetector nhận được số lượng báo cáo tăng vọt vào thời điểm mạng xã hội này không thể truy cập được vào ngày 5/3.
5. Nhà mạng Verizon gặp lỗi lạ, ảnh hưởng hàng triệu người dùng di động Mỹ
Ngày 30/9, Verizon - một trong những nhà mạng lớn nhất nước Mỹ - gặp sự cố lớn về dịch vụ, ảnh hưởng hàng triệu thuê bao, chủ yếu các thành phố lớn như Chicago, Atlanta, Denver, Los Angeles, New York, Phoenix…
Nhiều người dùng Verizon cho biết điện thoại của họ không bắt được sóng di động và bị kẹt ở chế độ "SOS", nghĩa là chỉ thực hiện được cuộc gọi khẩn cấp đến lực lượng cứu hộ, không thể kết nối mạng di động để gọi điện hoặc nhắn tin.
Sự cố kéo dài trong khoảng 10 giờ trước khi được khắc phục và dịch vụ của Verizon trở lại hoạt động bình thường.
Downdetector cho biết trang web của mình đã ghi nhận được 2,4 triệu lượt báo cáo vào thời điểm dịch vụ Verizon gặp sự cố.
6. WhatsApp gặp sự cố trên toàn cầu, không thể gửi tin nhắn
Vào ngày 3/4, ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã gặp sự cố ngừng hoạt động trên toàn cầu. Người dùng liên tục nhận được thông báo ứng dụng "đang kết nối", nhưng không thể thực hiện các chức năng cơ bản như gửi tin nhắn văn bản, hình ảnh, video hoặc thực hiện cuộc gọi qua ứng dụng.
Sự cố này kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ cho đến khi được khắc phục. Meta, công ty mẹ của WhatsApp, không đưa ra bình luận nguyên nhân dẫn đến sự cố này.
Downdetector cho biết dịch vụ của mình đã ghi nhận hơn 2 triệu lượt báo cáo về sự cố của WhatsApp từ người dùng trên toàn cầu.
7. Dịch vụ chơi game Xbox Live của Microsoft gặp sự cố trên diện rộng
Xbox Live là dịch vụ trực tuyến của Microsoft dành cho các thiết bị Xbox, cho phép người dùng chơi game trực tuyến, truy cập các dịch vụ kỹ thuật số, tải xuống nội dung, kết nối người dùng trên toàn cầu…
Vào ngày 2/7/2024, Xbox Live đã gặp một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều khu vực có lượng người chơi lớn như Mỹ, Châu Âu.... Người dùng không thể đăng nhập vào tài khoản Xbox Live, chơi game trực tuyến hoặc truy cập các dịch vụ liên quan.
Sự cố kéo dài trong nhiều giờ trước khi được Microsoft khắc phục. Nguyên nhân cụ thể của sự cố không được Microsoft công bố.
Sự cố này ước tính đã ảnh hưởng hàng triệu game thủ trên toàn cầu. Downdetector cũng đã ghi nhận được 1,2 triệu lượt báo cáo từ người dùng vào thời điểm sự cố xảy ra.
8. Dịch vụ chơi game PlayStation Network gặp sự cố trên toàn cầu
PlayStation Network là dịch vụ trực tuyến của Sony dành cho các hệ máy chơi game PlayStation, cung cấp nhiều tính năng như chơi game trực tuyến, truy cập kho nội dung, phát video... Đây là dịch vụ quan trọng giúp kết nối hàng triệu game thủ trên toàn cầu.
Ngày 30/9, PlayStation Network gặp sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tất cả các dịch vụ, bao gồm chơi game trực tuyến, quản lý tài khoản, truy cập nội dung kỹ thuật số… Sự cố kéo dài trong khoảng 7 giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến người chơi hệ máy PlayStation trên toàn cầu.
Sony sau khi khắc phục được sự cố đã không đưa ra nguyên do dẫn đến tình trạng lỗi. Downdetector cho biết trang web này đã ghi nhận được 1,1 triệu lượt báo cáo từ người dùng về lỗi của PlayStation Network.
9. Sự cố Facebook Messenger bị "sập" trên toàn cầu
Như trên đã đề cập, toàn bộ dịch vụ của Meta đã bị "sập" trên toàn cầu vào ngày 5/3, trong đó có ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger.
Hiện Facebook Messenger ước tính có khoảng 1,01 tỷ người dùng trên toàn cầu, do vậy sự cố đã làm ảnh hưởng đến một lượng lớn người dùng. Tuy nhiên, Downdetector cho biết trang web này chỉ ghi nhận 760.000 lượt báo cáo từ người dùng vào thời điểm Facebook Messenger không thể sử dụng.
10. Dịch vụ Roblox gặp sự cố trên toàn cầu
Roblox là một nền tảng trò chơi trực tuyến và hệ sinh thái sáng tạo game cho phép người dùng thiết kế, chia sẻ các trò chơi do chính họ hoặc cộng đồng tạo ra.
Vào ngày 20/6, dịch vụ Roblox đã gặp một sự cố nghiêm trọng, làm gián đoạn khả năng kết nối với máy chủ. Người dùng trên toàn cầu cho biết họ không thể đăng nhập, chơi trò chơi, hoặc gặp lỗi khi tải ứng dụng.
Sự cố kéo dài trong nhiều giờ trước khi được khắc phục. Nguyên do gây ra sự cố được xác định bắt nguồn từ lỗi hạ tầng kỹ thuật của Roblox. Downdetector cho biết vào thời điểm xảy ra sự cố, trang web này đã ghi nhận được hơn 620.000 lượt báo cáo từ người dùng Roblox.