Phê duyệt quyết định thành lập 3 tổng công ty thuộc VNPT
Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập các tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) gồm: Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) và Truyền thông (VNPT-Media) và sắp xếp Công ty Viễn thông quốc tế như đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cơ cấu của VNPT sau khi tái cơ cấu có Công ty hạ tầng mạng (VNPT Net) hạch toán phụ thuộc và 2 công ty con hạch toán độc lập là Công ty TNHH Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) và Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT Media).
Thực hiện Quyết định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức 3 Công ty trên theo mô hình Tổng công ty. Đó là các Tổng Công ty VNPT - Net; VNPT - VinaPhone và VNPT - Media.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net) là hoạt động viễn thông có dây, không dây, vệ tinh và hoạt động viễn thông khác; sản xuất, bán buôn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin trong nước và quốc tế cho VNPT-Vinaphone, VNPT-Media và các nhà khai thác khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông; kinh doanh các ngành nghề khác theo sự phân công của Tập đoàn VNPT và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone (VNPT-Vinaphone) có vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-CNTT, truyền thông, truyền hình; dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác.
Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT-Vinaphone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.
Vốn điều lệ của Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) là 2.300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của VNPT-Media là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình; quản lý và thực hiện hoạt động truyền hình, cung cấp chương trình thuê bao; thực hiện các hoạt động xuất bản sách, ấn phẩm định kỳ; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chưong trình truyền hình...
Xét đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 2690/TTg-ĐMDN, đồng ý thành lập các Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net); Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone) và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, đồng thời giao Tập đoàn VNPT quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tổng công ty trên theo các quy định hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trong việc các đơn vị trực thuộc của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn có con dấu, tài khoản.
Trước đó, ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014-2015.
Quyết định có nêu rõ công tác tổ chức, sắp xếp VNPT và các đơn vị thành viên. Trong đó, c ác công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay của VNPT sẽ được tổ chức lại (như nêu ở trên). Ngoài ra, điều chuyển nguyên trạng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Di động VMS (Mobifone), Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định điều chuyển các đơn vị này.
Ngay sau khi có Quyết định số 888 của Thủ tướng, n gày 17/6/2014, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chủ trì Hội nghị phổ biến, quán triệt Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã phổ biến, quán triệt các nội dung Quyết định số 888/QĐ-TTg tới toàn thể cán bộ tham dự, đồng thời nhấn mạnh Đề án là sản phẩm trí tuệ chung của tập thể lãnh đạo, cán bộ VNPT và của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, cân nhắc kỹ lưỡng của Lãnh đạo Chính phủ. Đề án được ban hành phù hợp với nguyện vọng của VNPT, với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu bảo đảm sự phát triển bền vững của VNPT nói riêng, thị trường viễn thông Việt Nam nói chung. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ và VNPT cần tập trung cao độ, nghiêm túc triển khai, hoàn thành đúng kế hoạch các nội dung, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 888/QĐ-TTg.
Nha Trang ( Theo Bộ TT & TT)