Số hóa gần 10.000 cây sầu riêng hướng đến phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững

12:52, 19/03/2024

Triển khai số hoá gần 10 nghìn cây sầu riêng nhằm thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng và phát triển bền vững cây sầu riêng tại Đắk Lắk; tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cây sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước.

Ngày 17/3/2024, Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hiệp Hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk phối hợp đăng cai triển khai số hoá gần 10 nghìn cây sầu riêng lên bản đồ cây xanh tại xã Chư Kbô, huyện Krông Búk.

Chương trình nhằm thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng, phát triển bền vững cây sầu riêng tại Đắk Lắk; tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cây sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, giới thiệu mô hình mới trong sản xuất – tiêu dùng sầu riêng gắn với công nghệ, số hoá cây sầu riêng vật lý thành một tài sản số “Cây sầu riêng của tôi”, tạo một cộng đồng tiêu thụ sầu riêng lớn mạnh trong nước; giải quyết bài toán căn cơ đầu ra trước khi thu hoạch, tạo tiền để để triển khai nhiều mô hình phù hợp.

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển bền vững cây sầu riêng

Theo anh Vũ Văn Hùng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Búk, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Huyện Đoàn Krông Búk tổ chức ra quân Ngày cao điểm xây dựng nông thôn mới và Chủ nhật xanh năm 2024.

Tại buổi ra quân, đoàn viên, thanh niên tiến hành số hóa cây sầu riêng. Đây là dự án thí điểm của Trung ương Đoàn thực hiện tại Đắk Lắk. Các đoàn viên, thanh niên sẽ được tập huấn, trải nghiệm trước về việc số hoá cây tại vườn nhà.

Chương trình nhằm thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng và phát triển bền vững cây sầu riêng tại Đắk Lắk; tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cây sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước.

Đoàn viên quét mã QR trên cây sầu riêng. Ảnh Nguyễn Thảo.

Qua đó, giới thiệu mô hình mới trong sản xuất – tiêu dùng sầu riêng gắn với công nghệ, số hoá cây sầu riêng vật lý thành một tài sản số “Cây sầu riêng của tôi”, tạo một cộng đồng tiêu thụ lớn mạnh sầu riêng trong nước; giải quyết bài toán căn cơ đầu ra trước khi thu hoạch, tạo tiền để để triển khai nhiều mô hình phù hợp.

Chương trình được triển khai từ ngày 1/3/2024 đến tháng 6/2024 địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk với quy mô 125 ha. Trong ngày 17/3, số hoá 10.000 cây sầu riêng tại vườn sầu riêng trên địa bàn xã Chư Kbô, Huyện Krông Búk. Dự kiến đến tháng 4 chương trình thực hiện số hoá 50% diện tích, tháng 5 đạt 80%, đến tháng 6 hoàn thành số hoá theo mục tiêu chương trình.

Tham gia xây dựng mô hình nông nghiệp số không chỉ là một xu hướng tối ưu hóa lợi nhuận, mà là thay đổi cách thức các bên tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng cộng đồng Nông Nghiệp Số mạnh mẽ, giúp các bên tận dụng tối đa lợi thế nhằm mang lại lợi ích từ chuỗi cung ứng thông minh.

Nông nghiệp số sẽ giúp người tiêu dùng thay đổi từ tiêu dùng thụ động sang tiêu dùng chủ động. Đây là giải pháp toàn diện cho những thách thức từ đó mở ra một cơ hội mới giúp cộng đồng xây dựng nên một tương lai nông nghiệp thịnh vượng và bền vững. Mỗi hành động nhỏ đều góp phần vào sự thành công lớn và hình thành một cộng đồng mạnh mẽ và phồn thịnh.

Để sầu riêng giữ được “ngôi vương” xuất khẩu

Để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng, tránh tăng trưởng quá nóng và chỉ tập trung vào số lượng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khuyến cáo, các hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, ngoài câu chuyện đảm bảo chất lượng ngay từ trong nước (thông qua đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có mã vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm yêu cầu đóng gói…), sầu riêng Việt Nam cần ý thức được vấn đề phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các quốc gia khác. Do đó, không chỉ tập trung xuất khẩu sầu riêng tươi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh và chinh phục khách hàng.

Còn theo TS.Đoàn Hữu Tiến, duy trì sự tăng trưởng về thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng cho ngành hàng sầu riêng là vấn đề đặt ra cho nhà quản lý cũng như giới thương mại. Khi thị trường biến động, xuất khẩu gặp trục trặc sẽ tác động tiêu cực đến nhiều đối tượng, nhất là nông dân trồng sầu riêng.

Chính vì vậy, cần phải quan tâm đến tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sầu riêng, trong đó khâu sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường về quy cách sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trước và sau thu hoạch; thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, mã nhà đóng gói… là giải pháp căn cơ để tạo lòng tin lâu dài và góp phần vào việc duy trì thị trường xuất khẩu sầu riêng lâu bền.

Nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng còn có xu hướng tăng, song sắp tới đây việc cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào… với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong Nghị định thư.

Nhà vườn và doanh nghiệp cần sát cánh bên nhau, liên kết chặt chẽ và cùng nhau thực hiện các hoạt động, các khâu công việc theo quy trình sản xuất sầu riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Nếu trái sầu riêng của Việt Nam không chú trọng cải thiện về chất lượng, mẫu mã và đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc thì sẽ tự làm khó cho mình, sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này.

Để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng.

Ngoài thị trường Trung Quốc, các nước khác cũng có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng, tùy thuộc vào từng thị trường có khác nhau về số lượng và hàng rào kỹ thuật. Một số thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… sẽ là thách thức lớn cho sầu riêng khi nhập khẩu vào các thị trường này.

Nhà vườn trồng sầu riêng cần tuân thủ vùng trồng được khuyến cáo, không nên mở rộng diện tích tại các vùng không đáp ứng điều kiện đất đai, tưới tiêu nước, thời tiết khí hậu…. Vùng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt nếu không có biện pháp khắc phục thì không nên trồng sầu riêng vì sẽ đạt hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển cây sầu riêng theo hướng hình thành vùng tập trung, có đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến và thương mại sầu riêng. Đồng thời, tăng cường sản xuất sầu riêng trái vụ là giải pháp quan trọng để chiếm lĩnh thị trường trong các tháng từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm; bởi lẽ đây là thời gian khá khan hiếm sản lượng sầu riêng thu hoạch và cung ứng cho thị trường của nhiều nước trên thế giới.

Ngay tại Việt Nam, cũng chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long là có lợi thế hơn cả so với các vùng trồng còn lại trong sản xuất sầu riêng trái vụ. Hoàn thiện quy trình sản xuất sầu riêng trái vụ cho các tiểu vùng trồng, vẫn đảm bảo năng suất, duy trì tuổi thọ cho cây sầu riêng và an toàn thực phẩm là vấn đề cốt lõi trong sản xuất sầu riêng trái vụ.

Về lâu dài, sầu riêng Việt Nam cần đa dạng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu đi nhiều thị trường sẽ làm giảm áp lực cho thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường không ổn định cho nhiều loại trái cây trong những năm qua. Đa dạng sản phẩm sầu riêng bao gồm sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy, bột sầu riêng… là hướng đi cần quan tâm để các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam có thể tiếp cận và xâm nhập nhiều thị trường trên thế giới.

Cùng với đó là tăng cường chế biến sầu riêng nhằm giảm áp lực cho sầu riêng tươi khi rộ mùa, nhất là vào các tháng chính vụ. Cho dù xuất khẩu sầu riêng tươi hay chế biến thì điều kiện cần là phải quản lý được chất lượng trái sầu riêng, đây là bài học của các nhà cung cấp trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng trong việc giữ được uy tín trong xuất khẩu.

Việc tăng cường khâu liên kết giữa nông dân trồng sầu riêng thành các tổ chức nông dân như hợp tác xã…; đồng thời, xây dựng kết nối bền chặt giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, để từ đó hình thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, có uy tín trong xuất khẩu.

Điều này đang đặt ra cho ngành hàng sầu riêng cần phải quản lý chặt chẽ tất cả các khâu của chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, việc làm không hề đơn giãn và không thể chủ quan cho các đối tượng tham gia chuỗi giá trị sầu riêng.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

(https://doanhnghiepthuonghieu.vn/so-hoa-gan-10-000-cay-sau-rieng-huong-den-phat-trien-nganh-hang-sau-rieng-ben-vung-p53167.html)