Startup Việt vươn ra thế giới: Làm thế nào để tồn tại giữa vùng nước lạ?

12:48, 25/01/2025

VinCSS vươn ra thị trường quốc tế không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, làm tốt hơn và thu về nhiều ý tưởng mới để có thể quay về giải quyết những bài toán trong nước và đóng góp cho Việt Nam.

Cơ hội từ thị trường an ninh mạng: Việt Nam và thế giới

Thị trường an ninh mạng, cả ở Việt Nam và trên toàn cầu, đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp (DN) công nghệ. Tại Việt Nam, thị trường dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11,73% (CAGR 2024 - 2029), dẫn đến giá trị thị trường là 511 triệu USD vào năm 2029. Trong khi đó theo dự báo từ Fortune Business Insights, thị trường an ninh mạng toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 193,73 tỷ USD vào năm 2024 lên 562,72 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,3%.

Một trong những nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng ấn tượng này đến từ nhu cầu bảo mật ngày càng lớn. Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 659.999 vụ tấn công mạng vào các tổ chức, DN năm 2024. Trong khi chỉ tính riêng Quý 3 năm 2024, song song với sự phát triển chóng mặt của các công nghệ mới như lượng tử, điện toán đám mây, AI, IoT… tổng số các cuộc tấn công mạng trên thế giới cũng tăng đến 75% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dấy lên nhu cầu về các giải pháp an ninh mạng không chỉ dừng lại ở các DN lớn mà lan rộng ra mọi khu vực ngành nghề, quy mô.

Đây được coi như thời điểm vàng để những startup như VinCSS với tư duy đổi mới và tốc độ triển khai nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của thị trường và mở rộng tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.

Vươn ra nước ngoài là bước đi chiến lược

Năm 2024 đánh dấu một năm đầy nỗ lực vươn ra thế giới của VinCSS - một startup an ninh mạng. Chỉ trong 1 năm, VinCSS liên tiếp bắt tay với các DN uy tín trong khu vực như Autocrypt đến từ Hàn Quốc, GoGoByte đến từ Trung Quốc, FPT Software từ Việt Nam trong mảng an ninh bảo mật cho phương tiện thông minh; HiTRUST, Webcomm, Smart Displayer của Đài Loan trong mảng quản lý định danh và truy cập; công ty hàng đầu thế giới về thiết bị IoT và máy tính phục vụ công nghiệp ASRock Industrial trong mảng an ninh bảo mật cho thiết bị IoT.

Đặc biệt, gần đây nhất, VinCSS đã có một hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực với ST Engineering - tập đoàn công nghệ, quốc phòng và kỹ thuật lớn nhất Singapore.

Vươn ra nước ngoài là bước đi chiến lược của startup này trong tiến trình Series B với trọng điểm là mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, tăng trưởng doanh thu và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Là một startup, VinCSS mong muốn tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

Thành lập từ năm 2018, xuất phát điểm với dịch vụ an ninh bảo mật công nghệ thông tin truyền thống, VinCSS nhanh chóng nhận diện được những cơ hội mới và mở rộng các lĩnh vực kinh doanh của mình. Ở Việt Nam, đây là đơn vị duy nhất cung cấp các giải pháp an ninh bảo mật cho phương tiện thông minh suốt 5 năm qua.

VinCSS cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp quản lý định danh và truy cập không mật khẩu. Đối với mảng an ninh bảo mật cho thiết bị IoT, VinCSS thậm chí đã được công nhận là tiên phong toàn cầu khi là một trong số ít công ty trên thế giới đang thương mại hóa thành công các giải pháp bảo mật IoT của mình cũng như nhận được những chứng chỉ quốc tế đầu tiên trên thế giới.

Có thể nói, công ty này đã gặt hái được một số thành công nhất định tại thị trường nội địa khi có những khách hàng lớn, quan trọng, làm tiền đề vững chắc cho việc hướng đến các thị trường quốc tế rộng lớn hơn.

“Chúng tôi mong muốn mở mang ra thị trường quốc tế không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, làm tốt hơn và thu về nhiều ý tưởng mới để có thể quay về giải quyết những bài toán trong nước và đóng góp cho Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO của VinCSS chia sẻ.

 Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO của VinCSS

Dù vậy, bước chân vào thị trường nước ngoài rộng lớn và đầy cơ hội, startup Việt này cũng phải đối mặt với không ít những thử thách lớn.

“Thách thức đầu tiên đến từ nội tại, khi VinCSS cần đảm bảo nội lực của mình sẵn sàng làm việc trong các môi trường quốc tế rất khác biệt và có nhiều yêu cầu khắt khe. Điều này buộc chúng tôi phải thích nghi, kiên trì và nỗ lực từ chính bên trong”, ông Trác cho biết.

Ngoài ra, Việt Nam vốn chưa phải là quốc gia được định vị cao trong lĩnh vực công nghệ. Trước giờ Việt Nam thường được thế giới biết đến như một quốc gia gia công nhiều hơn là kiến tạo các giải pháp, sản phẩm mới. Thương hiệu quốc gia được định vị như vậy trên trường quốc tế cũng mang đến khó khăn cho DN công nghệ Việt Nam khi muốn vươn ra các thị trường mới đầy cạnh tranh.

Hơn nữa, hiển nhiên thị trường mới là vùng nước lạ với vô vàn tham số biến động. Khi không còn các thế mạnh đến từ chỗ dựa sân nhà, DN Việt Nam rất dễ mắc sai lầm.

Kiên trì, cần cù, nỗ lực là kim chỉ nam

Đứng trước những khó khăn đó, công ty lựa chọn kiên trì, nỗ lực, từng bước vượt qua thử thách và tiến lên. Lãnh đạo VinCSS cho biết công ty được truyền cảm hứng từ VinGroup, trong đó VinFast là hình mẫu, từ việc tiên phong trong ý tưởng, quyết liệt trong hành động, cởi mở trong hợp tác quốc tế, chọn hướng đi thách thức và tổ chức thực thi thành công trong thời gian rất ngắn.

CEO VinCSS chia sẻ về một câu chuyện thực tiễn trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài, gần đây, một tập đoàn công nghệ rất lớn ở nước ngoài có đưa ra cho công ty hai yêu cầu về giải pháp hoàn toàn mới, đặc thù, và chưa có giải pháp thương mại trên thị trường. VinCSS đã nhanh chóng tiếp cận, làm rõ yêu cầu, thậm chí mở rộng phạm vi vấn đề để tận dụng các cơ hội tiềm năng.

Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự cần cù, sáng tạo và quyết tâm, VinCSS đã phát triển và thực thi thành công các phương án của mình. Với tốc độ đi kèm chất lượng vượt ngoài mong đợi của đối tác, giải pháp do VinCSS để xuất sẽ sớm được đưa vào triển khai diện rộng, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài và trở thành dự án trọng điểm trong chiến lược mở rộng quốc tế của VinCSS.

Khi lựa chọn theo đuổi những lĩnh vực mới mẻ trên thị trường, việc thiếu nguồn lực tham khảo quả thực là một thách thức lớn dành cho startup này.

“Nhưng với tinh thần tiên phong thì VinCSS chúng tôi coi đây là cơ hội để sải cánh và là động lực để chúng tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho các doanh nghiệp và đặc biệt là các startup trẻ của Việt Nam sau này”, lãnh đạo VinCSS khẳng định.

Học hỏi là điều kiện tiên quyết để tạo dựng lợi thế cạnh tranh một cách bền vững. Trao đổi với phỏng vấn PV Tạp chí TT&TT về nhận định các công ty Việt đang gặp khó khăn khi thiếu một cộng đồng DN, chuyên gia đi trước để hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ, VinCSS nhấn mạnh rằng DN hoàn toàn có thể học hỏi và nhận sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư, đối tác, bạn bè thế giới. VinCSS cho biết được hưởng lợi nhiều từ việc là thành viên cao cấp của Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới FIDO Alliance và mạng lớn hàng chục đối tác của mình.

“Tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ sớm có các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể để DN Việt vươn ra ngoài khu vực như cách Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang làm. Từ quan sát của mình cùng với những gì đã làm ở các thị trường nước ngoài, tôi nhận thấy rõ lợi thế năng khiếu về công nghệ, sự cần cù và linh hoạt của người Việt. Nếu có sự chuẩn bị nghiêm túc và chuyên nghiệp cùng với sự hỗ trợ của nhà nước thì DN Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin từng bước gây dựng uy tín và chinh phục thị trường quốc tế”, ông Trác chia sẻ thêm.

Năm 2025 và hành trình “đem chuông đi đánh xứ người”

Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, theo CEO VinCSS, tiến trình Series B thường kéo dài khoảng 3 - 5 năm. Vì vậy, năm 2025, VinCSS vẫn sẽ từng bước gia tăng nhận diện và đẩy mạnh các hoạt động của VinCSS tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, công ty sẽ không chỉ đơn giản đẩy mạnh hợp tác quốc tế hay đem chuông đi đánh xứ người với các sản phẩm của mình, mà còn thực sự hòa nhập thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn, sự kiện, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm với bạn bè trong khu vực.

 Lãnh đạo VinCSS chia sẻ tại FIDO APAC SUMMIT 2024 vể xác thực mạnh tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong 1- 2 năm gần đây, VinCSS đã công khai kế hoạch gọi vốn và tìm kiếm những nhà đầu tư mới. Trả đổi với báo giới về tiến trình gọi vốn của mình, VinCSS chia sẻ: “Gọi vốn chỉ là một trong rất nhiều cách để gia tăng nguồn lực thực thi các kế hoạch phát triển, chúng tôi chuẩn bị gọi vốn để sẵn sàng cho tương lai. Việc gọi vốn không chỉ đơn giản như tên gọi là cần thêm vốn, mà còn để có thêm hỗ trợ về nhiều mặt khác giúp vượt qua các thách thức dễ dàng hơn, hay thậm chí tìm kiếm quan hệ đầu tư hợp tác win-win để có thể làm tăng tệp khách hàng, doanh thu qua đó tăng giá trị của DN”.

Hiện tại, nhiều phương án đang được startup này cân nhắc, trong đó bao gồm việc không cần gọi vốn thuần túy tài chính mà là hợp tác toàn diện với những công ty lớn trong khu vực về công nghệ để đạt mục tiêu tương tự.

Vì vậy, VinCSS vẫn đang tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác như vậy. VinCSS là đơn vị sở hữu một hệ sinh thái toàn diện và có khả năng phát triển từ phần cứng đến phần mềm/dịch vụ đám mây và các khả năng cung cấp các sản phẩm/dịch vụ đa dạng nên cơ hội hợp tác của VinCSS cũng đang rất rộng mở./.