Thương mại điện tử xuyên biên giới có cơ hội phát triển rất lớn

16:38, 15/08/2024

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt là Việt Nam gần với thị trường rất lớn là thị trường Trung Quốc, gồm 1 tỷ dân, chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.

Tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử.

Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn, có một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.

Bà Lại Việt Anh cho rằng, để tối ưu hoá tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài. Nói đến định hướng của kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ. Theo đó, thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Yếu tố thứ hai là phát triển bền vững nên là định hướng lớn khi chúng ta xây dựng những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung.

Tiềm năng cho thương mại điện tử xuyên biên giới là rất lớn

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) (Ảnh: VGP)

Chúng ta biết xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế hàng hoá Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu, chúng ta cần cân nhắc rất nhiều đến yếu tố phát triển bền vững.

Từ góc độ này, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong thương mại điện tử cũng sẽ có vai trò nhất định. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hoá, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải… Chúng ta giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hoá của quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình của sản xuất… Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, chúng ta có thể hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, các nền tảng thương mại điện tử, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu thế

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt là Việt Nam gần với thị trường rất lớn là thị trường Trung Quốc, gồm 1 tỷ dân, chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.

Hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba, Timo,.. để các hàng hóa thương mại điện tử của Việt Nam khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.

Tiềm năng cho thương mại điện tử xuyên biên giới là rất lớn

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) (Ảnh: VGP)

PGS.TS Trần Minh Tuấn cho hay, việc sử dụng ứng dụng công nghệ số để truy xuất được sản phẩm tử vùng trồng, từ nơi sản xuất liên quan đến vấn đề môi trường, giảm phát thải, carbon,... Liên quan đến rất nhiều vấn đề bảo vệ thực vật, chất lượng và trực tiếp qua các hệ thống logistics, được số hóa toàn bộ và được liên thông trực tiếp với các cơ quan có liên quan cũng như Hải quan, Biên phòng của các nước sở tại.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu thế lớn trong thời gian vừa qua và chúng ta đã đánh giá sự phát triển của nó, ông hoàn toàn thống nhất đặc biệt với kế hoạch thương mại điện tử của Chính phủ sắp tới sẽ đặt vấn đề thương mại điện tử xuyên biên giới là một cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu hàng hóa chúng ta xuyên biên giới.

TS Võ Trí Thành cho rằng, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ Việt Nam nói chung và kể cả thương mại điện tử, Việt Nam vẫn cơ bản chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài.

Cũng giống như xuất nhập khẩu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam làm sao vươn lên được, xây dựng được thương hiệu Việt Nam, có được những cái nền tảng kết nối với Amazon, với những nền tảng lớn hơn, quốc tế hơn.

Thứ hai, TS Võ Trí Thành nói về câu chuyện OCOP, Việt Nam hiện nay có 5.000 – 6.000 mặt hàng OCOP, có thể xuất khẩu được 5 sao thì rất ít. Như vậy câu chuyện ở đây phải hoàn thiện rất nhiều về mặt đảm bảo chất lượng, truy xuất,...

Theo TS Võ Trí Thành có ba điểm chúng ta hết sức lưu ý đối với hàng hóa Việt. Thứ nhất là lợi thế nhờ quy mô, không những ông sản xuất ra hàng hóa chất lượng, thuần khiết, đều như nhau, không khác nhau mà còn có được quy mô, bởi vì nó gắn với dịch vụ logistics, chi phí lớn hay nhỏ, cung cấp đều hay không đều.

Thứ hai là việc đáp ứng xu thế tiêu dùng hiện nay: Xanh - An toàn – Nhân văn.

Thứ ba là những câu chuyện gắn với hàng hoá của Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam, cách làm Việt Nam.

Tiềm năng cho thương mại điện tử xuyên biên giới là rất lớn. Tại các hội thảo quốc tế người ta bàn nhiều hơn thương mại số. Khi nói đến thương mại điện tử cảm nhận những mặt hàng nhỏ lẻ, giá trị không quá lớn. Bây giờ thương mại điện tử còn có thể những câu chuyện mặt hàng lớn hơn rất nhiều, quy mô lớn hơn. Khi ấy sẽ có những vấn đề đặt ra còn phức tạp, lớn hơn nữa.

"Bên cạnh hoàn thiện cái đang làm, cố làm cho tốt hơn để bắt kịp xu thế thì chúng ta cũng phải chuẩn bị cho những cái xu thế mạnh mẽ hơn. Cuối cùng như tôi nói vẫn là một cuộc chơi cạnh tranh, đất nước Việt Nam là một đất nước rất mạnh nên trước sau gì chúng ta cũng phải lao vào những câu chuyện như vậy" TS Võ Trí Thành chia sẻ.