TPHCM tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm về các hành vi như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Lực lượng QLTT TPHCM đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh. Ảnh: QLTT TPHCM
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, thời gian qua, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm. Cụ thể, các nguồn hàng hóa di chuyển vào địa bàn TPHCM sẽ được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại, đặc biệt trong đó nổi cộm là phục vụ cho các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử.
Trong tháng 7 năm 2024, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT TPHCM đã xử lý 344 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 1 tỷ đồng.
Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 32 quyết định với tổng số tiền là gần 800 triệu đồng. Đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 01 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu trị giá tang vật vi phạm khoảng 3,5 tỷ đồng.
Về công tác phối hợp liên ngành: Lực lượng QLTT TPHCM tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố và quận,huyện, Thành phố Thủ Đức đã kiểm tra 186 vụ, phát hiện 16 vụ vi phạm.
Đánh giá lĩnh vực thương mại điện tử đang là xu hướng kinh doanh mới mẻ, thể hiện sự tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả cho cả người bán và người tiêu dùng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Thời gian qua, Cục QLTT TPHCM đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm về các hành vi như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định,… và đã tạm giữ 498 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… với tổng trị giá hơn 129 triệu đồng.
Lãnh đạo Cục QLTT TPHCM cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,... tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm; Đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.