TP.HCM ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua tổng đài 1022
Nhằm tích hợp các dịch vụ đường dây nóng của các đơn vị quản lý hành chính, UBND TP.HCM vừa ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp (DN) - Tổng đài 1022.
Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua Tổng đài 1022 giúp xử lý nhanh, minh bạch các phản ánh của người dân chung quanh các sự cố hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời là cơ sở đánh giá công tác thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị, quận, huyện.
Theo Tổ quản lý tổng đài 1022 - Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian đầu hoạt động (năm 2015) tổng đài 1022 chủ yếu tiếp nhận các thông tin về sự cố hạ tầng kỹ thuật như: Gãy/đỗ cây xanh, lún/sụt mặt đường, lún/sụt cống thoát nước, bể ống cấp nước, hư hỏng hệ thống chiếu sáng công cộng, đứt cáp điện/viễn thông, ngã/đổ cột điện, chất lượng xe buýt,…
Thế nhưng, từ giữa năm 2019 đến nay, tổng đài đã mở rộng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị. Trong đó, đáng lưu ý khi Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổng đài chủ động tiếp nhận thông tin phản ánh về các vụ việc xây dựng không phép, trái phép; qua đó kịp thời cung cấp thông tin cho các quận, huyện, phường, xã có liên quan.
Thống kê, trung bình mỗi tháng Tổng đài 1022 tiếp nhận khoảng bốn nghìn tin phản ánh (trung bình mỗi ngày tiếp nhận 300 tin) từ người dân và tổ chức, thông qua sáu phương thức: Ðiện thoại, tin nhắn, web, phần mềm điện thoại, thư điện tử và mạng xã hội.
Các tổng đài viên tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân
Tổng đài 1022 hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, với mỗi ca trực có sáu tổng đài viên tiếp nhận thông tin. Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Trong các thông tin phản ánh đến tổng đài, sự cố hạ tầng kỹ thuật chiếm hầu hết và được tổng đài viên phân loại xử lý, chuyển kịp thời đến các đơn vị, quận, huyện liên quan. Tổng đài 1022 cũng đã kết nối đến 84 đơn vị của thành phố có tham gia giải quyết xử lý các sự cố do người dân phản ánh và mở rộng với mười lĩnh vực gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, điện lực, viễn thông, vận tải hành khách công cộng, tài nguyên - môi trường, trật tự đô thị”.
Bên cạnh đó, việc thành phố ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên Tổng đài 1022 là cơ sở để tăng cường cơ chế tự chịu trách nhiệm của các đơn vị chức năng đối với việc giải quyết phản ánh, bức xúc của người dân và DN.
Trong đó, thành phố quy định cụ thể hơn về thời gian giải quyết, trách nhiệm phản hồi và công khai minh bạch kết quả giải quyết đến người dân trên cổng thông tin. Trong trường hợp đơn vị liên quan không giải quyết kịp thời phản ánh hay cố tình kéo dài sự việc thì Quy chế cho phép cơ quan quản lý nhà nước rút giấy phép đơn vị thi công công trình, thậm chí xử phạt nặng. Ðây cũng là cơ sở để thành phố đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị, nâng cao vai trò trách nhiệm phục vụ người dân của người đứng đầu.
Quy chế này giúp thành phố xây dựng và hình thành nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông, kết nối và cung cấp thông tin, dữ liệu, dịch vụ liên ngành cho người dân và DN; qua đó giúp người dân, DN tìm kiếm dịch vụ và thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước một cách thuận tiện nhất theo định hướng một cửa điện tử trên môi trường mạng.
Thùy Dung