TP.HCM dạy kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu họ

09:30, 12/06/2024

TP.HCM là một trong những tỉnh, thành bắt đầu thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học từ năm học tới, sau một năm thí điểm.

Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số sẽ được đưa vào dạy học ở bậc tiểu học từ năm học 2024 - 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo thời đại mới, theo chương trình phổ thông 2018.

Nội dung này được Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra tại buổi tập huấn "Hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học", ngày 10-6 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tại buổi tập huấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài cho biết việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt. Nội dung học này sẽ giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ một cách an toàn, đúng cách, tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến.

Học sinh tiểu học tại quận 8, TP.HCM trong hoạt động "Em là công dân số" tháng 5-2024 - Ảnh: MỸ DUNG

Đồng thời giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Vì thế, sau một năm triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành, nội dung này được thực hiện đồng bộ ở một số tỉnh, thành đã thí điểm thành công, trong đó có TP.HCM.

Theo chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc dạy nội dung kỹ năng công dân số trong trường tiểu học phải được thiết kế theo chương trình.

"Nội dung kỹ năng công dân số phải là định hướng xây dựng kỹ năng cho học sinh, không dạy trước, không trùng lắp chương trình 2018.

Bên cạnh đó, nội dung học này là cơ sở để học sinh hỗ trợ học môn tin học, củng cố khắc sâu môn tin học", chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học lưu ý các trường trong công tác đưa nội dung này vào giảng dạy.

Công dân kỹ thuật số (công dân số) là một thuật ngữ được quan tâm và phát triển trong cộng đồng học thuật cũng như trong các chương trình giáo dục. NetSafe định nghĩa công dân kỹ thuật số: là người sử dụng CNTT-TT tự tin và có khả năng sử dụng công nghệ để tham gia vào các hoạt động giáo dục, văn hóa và kinh tế, sử dụng và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện trong không gian mạng, hiểu về ngôn ngữ, ký hiệu và văn bản của công nghệ kỹ thuật số, nhận thức được những thách thức về CNTT-TT và có thể quản lý chúng một cách hiệu quả, sử dụng CNTT để liên hệ với những người khác theo những cách tích cực, có ý nghĩa, thể hiện sự trung thực và chính trực và hành vi đạo đức trong việc sử dụng CNTT của họ, tôn trọng các khái niệm về quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận trong thế giới kỹ thuật số, đóng góp và tích cực thúc đẩy các giá trị của công dân số.

Theo Hội đồng châu Âu “Kỹ năng công dân số (KNCDS) xác định cách chúng ta hành động và tương tác trực tuyến; bao gồm các giá trị, thái độ, kỹ năng, kiến thức và hiểu biết quan trọng cần thiết để điều hướng một cách có trách nhiệm trong thế giới kỹ thuật số không ngừng phát triển và định hình công nghệ để đáp ứng nhu cầu của chính chúng ta thay vì bị nó định hình”. Giáo dục kỹ năng công dân số là một chủ đề được nhiều nước quan tâm trong những năm gần đây. Chương trình Giáo dục Công dân Kỹ thuật số (DCE) của Hội đồng Châu Âu được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho các công dân trẻ cơ hội sáng tạo để phát triển các giá trị, thái độ, kỹ năng và kiến thức cần thiết để mọi công dân tham gia đầy đủ và đảm nhận trách nhiệm của họ trong xã hội”.

Sổ tay giáo dục công dân kỹ thuật số của Hội đồng Châu Âu cung cấp thông tin, công cụ và thực tiễn tốt để hỗ trợ phát triển các năng lực này phù hợp với sứ mệnh nhằm trao quyền và bảo vệ trẻ em, giúp chúng có thể chung sống bình đẳng trong các xã hội dân chủ đa dạng về văn hóa ngày nay, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng

https://dientuungdung.vn/tphcm-day-ky-nang-cong-dan-so-cho-hoc-sinh-tieu-hoc