Triển vọng thị trường ‘5G Private Mobile Network’ tại Việt Nam

15:08, 18/01/2024

Tháng 7/2023, Tập đoàn Pegatron đã ứng dụng thử nghiệm dịch vụ Viettel 5G Private Mobile Network vào vận hành nhà máy thông minh của mình tại Hải Phòng và bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vậy dịch vụ 5G Private Mobile Network (5G PMN) tại Việt Nam có triển vọng như thế nào? Và kế hoạch của các nhà mạng khác sẽ ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

Từ năm 2020, Việt Nam đã nằm trong số những nước tiên phong thí điểm và ứng dụng 5G. 5G được xem là nền tảng công nghệ then chốt để phát triển hạ tầng số trong tương lai, 5G cung cấp cơ sở hạ tầng kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đây chính là nền tảng cho quá trình tự động hóa cũng như chuyển đổi số giữa các ngành công nghiệp.

Theo Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), mạng 5G PMN đang nhận được sự quan tâm rất lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi các nhà khai thác mạng ra mắt các giải pháp 5G PMN, các doanh nghiệp, các startup xây dựng và vận hành các phần mềm trong hệ sinh thái 5G đón đầu thị trường mạng 5G PMN đang phát triển. GSMA cũng dự báo, phần lớn các địa điểm triển khai mạng 5G PMN dự kiến sẽ là các nhà máy, kho hàng, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước đang phát triển khác tại châu Á.

Ảnh: Minh họa

Theo báo cáo nghiên cứu mới của công ty phân tích IoT Berg Insight (Thụy Điển), có 2.900 mạng LTE/5G PMN được triển khai trên toàn thế giới vào cuối năm 2023, bao gồm các dự án triển khai thử nghiệm và thí điểm. Berg Insight nhận định, năm 2023 việc triển khai mạng 5G PMN đang chuyển từ thử nghiệm sang hoạt động thương mại và ước tính đạt 700 mạng, trong đó mạng 5G PMN thử nghiệm chiếm gần một nửa.

Berg Insight dự báo, số lượng triển khai mạng LTE/5G PMN dự kiến sẽ tăng trưởng đạt 11.900 mạng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 33% vào cuối năm 2028.

Các nhà mạng Việt Nam sẵn sàng cho dịch vụ 5G PMN?

Với sự phát triển của ngành công nghiệp 4.0, ứng dụng IoT và sự gia tăng của các thiết bị tự động trở thành nhu cầu tất yếu. Đồng thời, đón làn sóng dịch chuyển các nhà máy thông minh sang Việt Nam, các nhà mạng đang nỗ lực để tiến hành thử nghiệm và cung cấp các dịch vụ mạng 5G PMN ra thị trường.

Ngày 8/1/2024, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024, nhấn mạnh tinh thần “hạ tầng số phải đi trước”.

Dự báo số lượng triển khai mạng LTE/5G PMN đến năm 2028.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến công bố lộ trình đấu giá băng tần 5G tầm trung (mid band) vào tháng 01/2024, nhằm giúp các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị và tham gia.

Theo bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, đợt đấu giá này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024.

"Về quy hoạch, đã có các băng tần khác cho 5G như băng tần thấp 700MHz, băng tần cao 26GHz, đó là những băng tần trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét để cấp phép cho 5G", bà Hiền cho biết.

Bàn về việc 5G sẽ là hạ tầng số cho Việt Nam và được nhận định chủ yếu phục vụ cho các khu công nghiệp lớn, giao tiếp giữa máy với máy (M2M), ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Viêt Nam cho hay: "Một trong những mục tiêu khi nghiên cứu và triển khai công nghệ 5G là khả năng cung cấp dịch vụ internet vạn vật IOT với mật độ cao, độ trễ thấp. Vì vậy nó trông đợi được sử dụng một cách hiểu quả trong các nhà máy hiện đại, trong các khu công nghiệp lớn. Đến nay dường như mục tiêu này chưa được thành công như kỳ vọng”.

Ông Đoàn Quang Hoan dẫn lý do cho vấn đề này, đó là: “Sự đầu tư nghiên cứu cho IOT 5G chưa được chú trọng nhiều như băng rộng siêu tốc 5G. Vì vậy ứng dụng phổ biến hiện nay của 5G vẫn là truy cập băng rộng siêu tốc cho các khu vực có mật độ người sử dụng lớn".

Một góc nhà máy sản xuất thông minh.

Đến nay, Viettel là nhà mạng duy nhất chính thức công bố thử nghiệm thành công mạng 5G PMN tại Việt Nam, các nhà mạng khác hiện chưa công bố kế hoạch cụ thể.

Đại diện nhà mạng Viettel, Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel - đơn vị đầu tiên thử nghiệm thành công mạng 5G PMN cho hay: "Việc làm chủ hạ tầng mạng lưới cũng như công nghệ 5G PMN, Viettel đã sẵn sàng trở thành đơn vị SI (System Intergration) tích hợp các ứng dụng trên 5G PMN. Viettel sẽ phối hợp với các đối tác để đưa các ứng dụng lên nền tảng 5G PMN của Viettel. Cùng với thời gian, hệ sinh thái này sẽ ngày càng mở rộng và được cung cấp rộng rãi đến khách hàng. Dự kiến, đến giữa năm 2024 Viettel sẽ tích hợp với phần lớn các ứng dụng trên nền 5G PMN phục vụ cho nhà máy, cảng biển... thông minh".

Về triển vọng dịch vụ 5G PMN tại các nhà máy, khu công nghiệp, Ông Đoàn Quang Hoan cho rằng: "Có lẽ hiện tại, các khu công nghiệp, các nhà máy đông người cũng chỉ mới có thể chào đón 5G ở khía cạnh truy cập băng rộng siêu tốc cho các khu vực có mật độ người sử dụng lớn và ứng dụng mạng cắt lớp của 5G để thiết lập mạng dùng riêng tốc độ cao và chờ đón IOT 5G trong tương lai gần".

Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/trien-vong-thi-truong-5g-private-mobile-network-tai-viet-nam)