Trung Quốc thành lập quỹ 47,5 tỉ USD thúc đẩy công nghiệp bán dẫn
Trung Quốc thành lập quỹ đầu tư với vốn đăng ký 344 tỷ Nhân dân tệ. Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng tạo đột phá trong lĩnh vực công nghệ nhằm đối phó với các hạn chế từ phương Tây.
Theo nền tảng trực tuyến Tianyancha, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (còn được gọi là Big Fund III) đã huy động được 344 tỷ Nhân dân tệ ( tương đương khoảng 47,5 tỷ USD) từ chính quyền trung ương, các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Quỹ này đã được thành lập vào ngày 24/05.
Cổ đông lớn nhất của quỹ là Bộ Tài chính Trung Quốc. Các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng góp vốn vào quỹ.
Vài năm qua, Chính quyền Thâm Quyến còn tài trợ cho một số nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông để cung ứng cho Huawei Technologies. Trước đó công ty này chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Những lệnh trừng phạt này khiến Huawei mất khả năng tiếp cận nhiều linh kiện bán dẫn nhập khẩu quan trọng.
Hiện nay, Trung Quốc là một trong các nước chi tiêu hàng đầu vào ngành chip, sử dụng vốn nhà nước để tài trợ cho các nhà sản xuất chip trong nước như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC). Theo dữ liệu gần đây của Counterpoint Research, SMIC đã trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ ba trên thế giới về doanh thu.
Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) - Nhà sản xuất chip trong nước lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn riêng của mình diễn ra trong bối cảnh Mỹ thúc giục các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc.
Cổ phiếu của các công ty chip lớn của Trung Quốc đã tăng vọt vào thứ Hai. Cổ phiếu SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, tăng tới 5.4% tại Hồng Kông, còn Hua Hong Semiconductor Ltd tăng hơn 6%.
Theo Tạp chí Thương trường