Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận chip của Nvidia bằng cách nào?

12:20, 08/05/2025

Bất chấp các lệnh cấm, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể sở hữu chip để đào tạo AI, đẩy vị thế thống trị công nghệ của Mỹ vào nguy hiểm…

Vào tháng 4 vừa qua, ông Jensen Huang – ông chủ của Nvidia – đã đặt chân đến Bắc Kinh với một thông điệp rõ ràng: nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới này có kế hoạch “kiên định phục vụ thị trường Trung Quốc”. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn điều ngược lại khi chỉ vài ngày trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ban hành thêm các quy định kiểm soát mới, với mục tiêu hướng đến là cấm Nvidia bán dòng vi xử lý H20 cho Trung Quốc.

Trong vài năm trở lại đây, Mỹ đã tìm cách kìm hãm đối thủ chính của mình – Trung Quốc – trong cuộc đua AI bằng cách kiểm soát quyền tiếp cận các dòng chip bán dẫn tiên tiến, tờ The Economist đưa thông tin.

Hiệu năng của một bộ xử lý AI phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: năng lực tính toán (tốc độ xử lý dữ liệu của chip) và băng thông bộ nhớ (tốc độ truyền dữ liệu giữa bộ xử lý và bộ nhớ).

Tháng 10/2022, chính quyền của ông Biden đã cấm các doanh nghiệp bán cho Trung Quốc các loại chip vượt qua một số tiêu chuẩn liên quan đến hai yếu tố trên. Nvidia sau đó liền đáp trả bằng mẫu H800 – một phiên bản thiết kế riêng cho Trung Quốc, được điều chỉnh để vừa đủ nằm dưới ngưỡng hạn chế. Một năm sau, Mỹ tiếp tục siết chặt quy định, cấm mọi dòng chip có năng lực tính toán quá mạnh, bất kể tốc độ băng thông bộ nhớ. Nvidia lại phản ứng bằng dòng H20.

Vấn đề với Mỹ hiện nay là các dòng chip của Nvidia nằm trong danh sách bị hạn chế vẫn đang tìm đường vào tay các nhà phát triển AI Trung Quốc. Một mạng lưới cung ứng ngầm đã hình thành để lách các lệnh cấm. Một số khách hàng thuê quyền truy cập vào các trung tâm dữ liệu nước ngoài, số khác lại mua chip thông qua các trung gian mờ ám.

Một đợt siết chặt tiếp theo dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/5 tới đây nhằm thắt chặt thêm vòng kiểm soát. Lần này, các quy định mới không chỉ nhắm đến phần cứng mà còn cả các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Nhưng nhiều khả năng, nỗ lực này rồi cũng sẽ thất bại, The Economist nhận định.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đẩy Nvidia vào thế khó. Ảnh: The Economist

Vì sao Mỹ khó hạn chế chip tới tay Trung Quốc? 

Để hiểu vì sao việc hạn chế quyền tiếp cận chip AI lại khó khăn đến vậy, hãy nhìn vào Johor – một vùng ở miền Nam Malaysia, vốn trước đây nổi tiếng với các đồn điền cọ dầu. Nằm ngay sát biên giới Singapore, khu vực này đã trở thành trung tâm của các trung tâm dữ liệu nhờ giá đất và điện rẻ, thủ tục cấp phép cũng dễ hơn hẳn Singapore.

Tất cả nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn của Mỹ - Amazon, Google, Microsoft và Oracle – đều đã có mặt. Theo hãng tư vấn Knight Frank, tổng công suất trung tâm dữ liệu của Johor (bao gồm đang vận hành, xây dựng và lên kế hoạch) đã tăng từ 10 megawatt hồi đầu 2021 lên hơn 1.500 megawatt vào năm 2024.

Johor cũng đang trở thành cánh cửa sau để tiếp cận Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đã thuê dung lượng máy chủ tại đây. Việc thuê trung tâm dữ liệu ở Malaysia giúp các công ty này tiếp cận được các dòng chip mà không thể nhập khẩu vào Trung Quốc.

Theo hãng tư vấn SemiAnalysis, gần một nửa tổng công suất trung tâm dữ liệu của Johor dự kiến đến năm 2027 sẽ sử dụng các bộ xử lý AI như của Nvidia. Các nhà vận hành trung tâm dữ liệu Malaysia khẳng định họ tuân thủ các quy định xuất khẩu của Mỹ và không cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ cấm vận.

Tuy nhiên, cách lách luật lại khá đơn giản. Một luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp tại khu vực này cho biết, các công ty Trung Quốc hoàn toàn có thể tiếp cận chip AI bị hạn chế bằng cách lập các công ty con tại địa phương.

Số liệu thương mại cũng phần nào đã chứng thực điều này. Các dòng chip cao cấp của Nvidia được sản xuất tại các nhà máy của TSMC – hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, đặt tại Đài Loan. Trong quý I năm nay, Đài Loan đã xuất khẩu lượng GPU (bộ xử lý đồ họa – loại chip dùng để huấn luyện AI) trị giá 3,6 tỷ USD sang Malaysia, gần bằng tổng kim ngạch của cả năm 2024. Riêng trong tháng 3, giá trị xuất khẩu đã tăng gấp hơn ba lần so với tháng trước, đạt gần 2 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc hoàn toàn có thể tiếp cận chip AI bị hạn chế bằng cách lập các công ty con tại những khu vực không bị hạn chế. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, theo The Economist, còn có các đường dây buôn lậu trực tiếp đưa chip vào Trung Quốc. Thông thường, chip sẽ được vận chuyển vòng qua các nước thứ ba không thuộc diện hạn chế của Mỹ. Một nguồn tin am hiểu về vấn đề này tiết lộ, hàng hóa thường được luân chuyển qua nhiều quốc gia và công ty bình phong để che giấu nguồn gốc. Giấy tờ xuất khẩu bị chỉnh sửa, sản phẩm bị dán nhãn sai để qua mặt hải quan.

Chuyên gia Erich Grunewald thuộc Viện Chính sách và chiến lược AI – một tổ chức nghiên cứu ở San Francisco – ước tính, năm ngoái, các dòng chip Mỹ bị buôn lậu đã chiếm từ 10% đến 50% năng lực huấn luyện AI của Trung Quốc.

Trước khi Washington áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu vào năm 2022, Bắc Kinh chiếm khoảng 22% doanh thu của Nvidia và kể từ đó, tỷ trọng này giảm xuống còn 13%. Cùng lúc, doanh thu từ Singapore – một thị trường có rất ít người dùng cuối – lại tăng hơn gấp đôi, hiện chiếm gần 18% tổng doanh thu, trở thành thị trường lớn thứ hai của Nvidia, chỉ sau Mỹ.

Nvidia giải thích rằng đây là điều bình thường: nhiều khách hàng thực hiện giao dịch qua Singapore nhưng hàng thực tế lại chuyển đến các địa điểm được phép giao dịch. Chỉ dưới 2% lượng chip bán ra tại Singapore được tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, cảnh sát Singapore đã bắt giữ ba người liên quan đến vụ mua bán các máy chủ trị giá 390 triệu USD chứa chip Nvidia. Các công tố viên cáo buộc những thiết bị này trước tiên được chuyển cho các công ty Singapore rồi tái xuất sang Malaysia nhưng liệu Malaysia có phải là điểm đến cuối cùng hay không thì chưa rõ.

Nhưng điều này cho thấy động cơ phía sau rõ ràng: nhu cầu cao đã biến thị trường chợ đen thành mỏ vàng. Một lãnh đạo ngành công nghiệp tiết lộ, các dòng chip Nvidia bị cấm hiện đang được bán qua trung gian với giá cao hơn 30 – 50%.

Thế khó của Nvidia

Trung Quốc cũng không phải đích đến duy nhất. Tháng 10/2024, Mỹ đã đưa một số công ty Ấn Độ vào diện cấm vận vì tái xuất chip bị hạn chế sang Nga. Trong số này có Shreya Life Sciences – một công ty dược phẩm đặt trụ sở tại Mumbai. Theo số liệu của The Trade Vision, doanh nghiệp này đã xuất khẩu lượng hàng công nghệ trị giá 322 triệu USD sang Nga trong năm 2024, phần lớn là các máy chủ Dell có gắn chip Nvidia.

Tất cả những gì đang diễn ra đẩy Nvidia vào thế khó. Công ty này luôn khẳng định mình tuân thủ các quy định xuất khẩu của Mỹ. Thế nhưng, với quy mô hoạt động quá lớn, dự kiến bán hơn 6 triệu chip AI trong năm nay, và việc cách xa nhiều tầng so với người dùng cuối khiến quá trình kiểm soát rất mỏng manh.

Nvidia bán chip cho các ông lớn điện toán đám mây như Google, Microsoft, và cho các hãng lắp ráp thiết bị như Dell và Supermicro – những đơn vị lại tích hợp chip vào máy chủ. Từ đó, trách nhiệm kiểm tra chuyển sang cho các nhà cung cấp đám mây và phần cứng còn Nvidia chỉ thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ.

Tuy nhiên, việc giám sát vẫn còn lỏng lẻo và máy chủ thường xuyên được sang tay mà không qua quy trình kiểm tra lại. Một lãnh đạo của hãng sản xuất máy chủ cho biết, việc xác minh đầy đủ từng người dùng cuối là “gần như bất khả thi”.

Chính phủ Mỹ đã phản ứng bằng cách ban hành thêm nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Tháng 1 vừa rồi, chính quyền của ông Biden trước khi kết thúc nhiệm kỳ công bố “Khung Kiểm soát AI” (AI Diffusion Framework), phân chia thế giới thành ba nhóm: 18 quốc gia đáng tin cậy (gồm Anh và Nhật) được miễn trừ hoàn toàn; nhóm thứ hai gồm 120 quốc gia (trong đó có Singapore và Ấn Độ) bị áp hạn ngạch; và nhóm cuối cùng gồm Trung Quốc và Nga bị cấm hoàn toàn.

Các quy định cũng nghiêm cấm các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Mỹ cung cấp dịch vụ sử dụng các loại chip bị hạn chế cho khách hàng Trung Quốc. Chính quyền ông Trump được cho là đang cân nhắc điều chỉnh quy định trước khi có hiệu lực – có thể sẽ gắn quyền tiếp cận chip với các cuộc đàm phán thương mại rộng hơn – nhưng hiện vẫn chưa công bố thay đổi nào.

Những bài toán cũ chưa thể giải quyết 

Dù siết chặt đến đâu, các biện pháp mới cũng sẽ gặp lại những bài toán cũ. Cơ quan Công nghiệp và an ninh (BIS) – đơn vị phụ trách thực thi kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ — đang trong tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng. Chuyên gia Grunewald cho biết, BIS hiện chỉ có một nhân viên phụ trách kiểm soát xuất khẩu cho toàn khu vực Đông Nam Á và châu Úc – một khu vực then chốt trong mạng lưới buôn bán ngầm chip AI. Trong khi mạng lưới quy định ngày càng phức tạp, BIS còn bị áp lực giảm ngân sách 12% trong năm nay.

Một số chuyên gia đã đề xuất giải pháp kỹ thuật, chẳng hạn như vô hiệu hóa chip khi sử dụng ở những địa điểm bị cấm. Tuy nhiên, Nvidia lập luận rằng, việc kiểm soát ở cấp độ phần cứng sẽ tạo ra các lỗ hổng nguy hiểm và khó khả thi. Thay vào đó, hãng này đề xuất sử dụng các công cụ phần mềm có thể truyền dữ liệu giới hạn – bao gồm thông tin về vị trí và cấu hình hệ thống – về cho Nvidia để xác nhận chip đang hoạt động đúng nơi quy định.

Dù kiểm soát tốt đến đâu cũng có giới hạn. Nvidia không thể theo dấu mọi con chip. BIS không thể kiểm tra hết mọi máy chủ. Các đường dây buôn lậu vẫn sẽ tìm ra kẽ hở. Nếu Mỹ muốn giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI với Trung Quốc, nước này sẽ phải đổi mới nhanh hơn, thay vì chỉ siết chặt kiểm soát mạnh hơn.