Truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng trục lợi, khai gian tiền hỗ trợ Covid-19

15:05, 19/05/2020

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian để nhận tiền hỗ trợ.

Sáng nay 19/5, tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp, để nói về sự cần thiết trong tiếp cận, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, việc sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tính đến 18/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 35 triệu lượt truy cập; trên 140.000 tài khoản đăng ký; trên 7,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Từ ngày 12/5, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia còn tăng tính minh bạch, giúp giám sát quá trình thực hiện công vụ của cán bộ công chức.

Người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Còn Văn phòng Chính phủ sẽ giúp Thủ tướng đôn đốc, chấn chỉnh khi quá trình thực thi giải quyết thủ tục không đúng”, ông Dũng cho biết.

"Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vừa qua Cổng đã phát hiện ra việc này”, ông Dũng dẫn chứng.

Đến nay có 96 hồ sơ DN đề nghị hỗ trợ, vì các địa phương mới chủ yếu chi trả cho người có công, người nghèo, còn với người lao động của các DN mới đang thực hiện thủ tục. Với số lượng DN tham gia như vậy là còn rất thấp và chậm. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh ở bất cứ đâu, doanh nghiệp cũng có thể truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, truy cập và phản ánh kiến nghị tới Thủ tướng, tới các bộ, ngành, địa phương. Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan chủ trì điều phối để đôn đốc xử lý.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong 7 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động trong các DN (bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương, bị chấm dứt hợp đồng), lao động tự do.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH mọi bước khi thực hiện giải ngân gói hỗ trợ đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Đồng thời, cũng có những chế tài xử lý nghiêm vi phạm đối với những người trục lợi.

Theo Điều 20 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19, cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người nào kê khai gian dối để được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP tùy vào tính chất, mức độ vi phạm phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo điểm c khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu số tiền trục lợi dưới 2 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng về lỗi "dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác".

Trường hợp số tiền trục lợi từ 2 triệu đồng trở lên, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi. Cụ thể, nếu bị phát hiện có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải hoàn trả lại số tiền đã trục lợi và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đại diện VNPT Vinaphone cho biết, VNPT là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và cũng là đơn vị trực tiếp hưởng lợi ở dịch vụ này. Để tại thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên CDVCQG,  kể từ ngày 15/5,  VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối.

Về những lợi ích, đại diện VNPT Vinaphone, từ khi sử dụng dịch vụ khai báo khuyến mại trên CDVCQG giúp đơn vị hạn chế đi lại rất nhiều. Đơn vị chỉ cần khai báo điện tử và chữ ký số, nộp hồ sơ duy nhất một lần với 63 Sở Công thương nên tiết kiệm được việc in ấn, chuẩn bị hồ sơ. Đặc biệt đơn vị không phải chờ đợi trong thời gian hành chính nữa mà có thể làm thủ tục mọi lúc mọi nơi.

Thiên Thanh