Truyền thông chính sách là sứ mệnh đặc biệt của báo chí
Trong quá trình phát triển đất nước, truyền thông chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành sự đồng thuận xã hội, tạo nền tảng để các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Trước dòng chảy thông tin đa chiều trong thời đại số, báo chí đang tiếp tục khẳng định vị trí là kênh truyền thông chính sách hiệu quả và tin cậy nhất.
Báo chí - cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân
Truyền thông chính sách là một phần thiết yếu trong hoạt động quản trị quốc gia, nhằm đưa thông tin chính sách đến với người dân, từ đó thúc đẩy sự thay đổi nhận thức, hành vi phù hợp pháp luật và định hướng xã hội theo mục tiêu phát triển chung. Đồng thời, đây cũng là kênh để Nhà nước tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình hoạch định, điều chỉnh chính sách, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội bền vững.
Ảnh minh họa: Internet
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, báo chí Việt Nam luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, báo chí còn đóng vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện và tham gia xây dựng chính sách. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, khi nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày càng cao, đòi hỏi minh bạch, chính xác và kịp thời, vai trò này càng trở nên cấp thiết.
Với đặc thù nhanh nhạy và bám sát thực tiễn, báo chí đã tích cực tham gia vào truyền thông chính sách bằng nhiều hình thức phong phú: từ các phóng sự phản ánh đời sống dân sinh, các bài viết điều tra, đến những chuyên đề pháp luật hay phân tích chuyên sâu về tác động chính sách. Tất cả góp phần định hình một nền truyền thông chính sách gần dân, vì dân.
Ảnh minh họa: Internet
Lịch sử đã chứng minh vai trò đặc biệt của báo chí trong những giai đoạn khó khăn. Trong đại dịch Covid-19, báo chí đã thực sự trở thành "tuyến đầu trên mặt trận thông tin", truyền đi các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế, phản ánh chính sách hỗ trợ người dân, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ trước các thông tin giả, sai lệch. Sự chủ động, nhất quán và liên tục của báo chí đã giúp định hướng dư luận, ổn định tinh thần xã hội trong thời điểm cam go nhất.
Tương tự, trong các tình huống thiên tai như cơn bão số 3 năm 2024, khi nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị cô lập, báo chí đã ngay lập tức trở thành "đường dây nóng" kết nối thông tin, hỗ trợ chính quyền trong công tác ứng cứu. Vẫn là qua báo chí, từ cơ quan quản lý cho tới người dân hiểu được những nỗi khó khăn vất vả của lực lượng phòng chống lụt bão và cùng vào cuộc đồng hành.
Các lực lượng cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3
Bên cạnh đó, báo chí còn là lực lượng chủ lực trong các chương trình cải cách hành chính, đặc biệt là truyền thông về chuyển đổi số. Đơn cử như việc phổ biến định danh điện tử mức độ 2 - một nội dung quan trọng trong xây dựng chính phủ số - báo chí đã đồng hành cùng các địa phương mở chuyên mục hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản VNeID, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Với truyền thông chính sách được quan tâm mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, báo chí đang có những cơ hội mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm xã hội và sứ mệnh của mình cùng với Đảng và Nhà nước trong việc truyền thông chính sách.
Thách thức mới - Yêu cầu mới trong truyền thông chính sách
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, báo chí tiếp tục giữ vai trò thiết yếu để bảo đảm chính sách thực thi hiệu quả. Ở cả ba giai đoạn: xây dựng - ban hành - thực thi, vai trò đồng hành của báo chí là yếu tố then chốt để huy động trí tuệ xã hội, lan tỏa chính sách và tạo dựng sự đồng thuận từ cơ sở.
Tuy nhiên, thách thức cũng ngày càng gia tăng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội đặt ra yêu cầu mới về đổi mới tư duy truyền thông. Không ít chính sách gặp khó khăn trong triển khai vì thông tin chưa được truyền đạt hiệu quả, chưa sát với nhu cầu và tâm lý tiếp nhận của người dân. Một số thông điệp còn khô khan, hành chính hóa, thiếu tính thuyết phục.
Điển hình, trong triển khai định danh điện tử mức độ 2 (VNeID), dù được triển khai mạnh mẽ từ năm 2023, nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ người dân đăng ký vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu do chiến dịch truyền thông còn thiếu sức lan tỏa, nội dung hướng dẫn chưa linh hoạt, khó tiếp cận với người cao tuổi, người dân vùng sâu vùng xa hoặc người không sử dụng smartphone. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình số hóa dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ.
Tương tự, chính sách thu phí tự động không dừng (ETC) từng vấp phải sự phản ứng trong giai đoạn đầu, khi người dân chưa hiểu rõ quy trình, lợi ích và cách thức sử dụng. Việc truyền thông thiếu chiều sâu, triển khai rời rạc đã khiến nhiều người chần chừ tham gia, làm chậm tiến độ phủ sóng hệ thống thu phí điện tử. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc quyết liệt hơn với những tuyến bài phản ánh thực tiễn và hướng dẫn chi tiết, hiệu quả truyền thông mới được cải thiện rõ rệt.
Thực tế đó đòi hỏi báo chí cần tiếp tục khẳng định vai trò là người bạn đồng hành đáng tin cậy của Chính phủ và người dân. Không chỉ đơn thuần đưa thông tin, báo chí cần giúp công chúng hiểu rõ chính sách, từ đó hình thành sự tin tưởng, ủng hộ, và cùng tham gia giám sát, phản biện tích cực.
Báo chí - kênh truyền thông chính sách hiệu quả, đồng hành cùng người dân. Ảnh: Internet
Để thực hiện được vai trò này một cách hiệu quả, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông từ Trung ương đến địa phương, nhằm bảo đảm định hướng truyền thông chính sách được thực hiện một cách xuyên suốt, nhất quán trên toàn bộ hệ thống báo chí cả nước.
Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo chính sách và các cơ quan báo chí. Sự phối hợp phải mang tính chủ động, chuyên nghiệp.
Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, cần xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể cho từng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Kế hoạch này phải xác định rõ kênh thông tin, nội dung truyền thông, thời điểm thực hiện và nguồn kinh phí bảo đảm. Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin một cách trung thực, khách quan, chính xác và kịp thời, nhất là đối với những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Việc biên soạn tài liệu nguồn, tài liệu giải trình chính sách để cung cấp cho báo chí cũng cần được thực hiện một cách bài bản.
Về phía cơ quan báo chí, cần chủ động nắm bắt kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo từng năm hoặc giai đoạn, từ đó xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, tránh tình trạng thụ động. Đặc biệt, cần nhận thức rõ rằng truyền thông chính sách không chỉ là minh họa cho chính sách, mà còn đóng vai trò phản biện chính sách - góp phần hoàn thiện thể chế, tập trung vào những vấn đề "nóng", sát sườn với đời sống người dân.
Song song đó, đội ngũ nhà báo cần không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Việc đầu tư nguồn lực - cả về con người, cơ sở vật chất và tài chính - cho truyền thông chính sách cũng cần được quan tâm đúng mức để bảo đảm hiệu quả lâu dài và bền vững.
Trong bối cảnh mới, báo chí không chỉ là người đưa tin mà còn là lực lượng đồng kiến tạo chính sách, góp phần xây dựng một nền quản trị công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Truyền thông chính sách, muốn hiệu quả, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi vào tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và hướng đến mục tiêu tạo dựng sự đồng thuận xã hội.
Do đó, việc xây dựng một nền báo chí hiện đại, bản lĩnh, nhân văn không chỉ là yêu cầu của ngành truyền thông, mà còn là đòi hỏi cấp thiết của tiến trình phát triển đất nước - nơi mọi chính sách đều vì dân, được dân thấu hiểu, đồng hành và ủng hộ. Khi báo chí đồng hành cùng dân, vì dân, thì mỗi dòng tin, mỗi trang báo sẽ không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn góp phần kiến tạo tương lai.