Truyền thông về biến đổi khí hậu từ góc nhìn khoa học, văn hóa và xã hội

15:51, 05/01/2025

Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của con người trên thế giới hiện nay, thể hiện qua thiên tai khốc liệt (siêu bão, lũ lớn, sạt lở đất nghiêm trọng…) và các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng gay gắt, mưa đặc biệt lớn…).

Tóm tắt:
+ Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên và tác động tiêu cực đến kinh tế, đời sống.
+ Truyền thông về BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi lối sống; là lĩnh vực truyền thông khoa học, cần kết hợp các yếu tố văn hóa, xã hội.
+ Các mô hình truyền thông phổ biến: PUS (công chúng hiểu về khoa học), PEST (công chúng tham gia), UE (tham gia từ đầu).
+ Báo chí cần chuyên nghiệp hóa việc truyền thông về BĐKH, không chỉ đưa tin sự kiện mà còn hướng đến thay đổi nhận thức và lối sống.
+ Cần áp dụng nhiều hình thức truyền thông đa dạng: mạng xã hội, truyền thông nhóm, cá nhân và cộng đồng.
+ Nội dung truyền thông nên bao gồm: thông tin khoa học, giải pháp ứng phó, chính sách nhà nước, kinh tế, sức khỏe và các ý kiến của chuyên gia, người dân.
+ Đề xuất yêu cầu đặt ra cho truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH): Thông tin rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch; Kết nối người dân với cơ quan chức năng; Nội dung bổ ích, thực tế; Đa dạng hình thức truyền thông; Phổ biến kiến thức khoa học và lối sống thích ứng...

BĐKH gây hậu quả lớn, thiệt hại về cả con người lẫn kinh tế và làm cuộc sống khó khăn hơn. Theo Liên Hiệp Quốc1, dù các nỗ lực quốc tế đã được triển khai, việc giải quyết vấn đề BĐKH vẫn không phải dễ dàng được hoàn thành trong một sớm một chiều mà cần thời gian lâu dài. Trong thời gian đó, BĐKH vẫn tiếp tục tác động lên cuộc sống của con người. Để hạn chế những tác động tiêu cực của BĐKH, bên cạnh những nỗ lực hành động thực tế từ các cấp chính quyền và từ cộng đồng quốc tế, thì công tác truyền thông về BĐKH cũng đóng vai trò quan trọng. Bài viết này bàn về phương pháp vận dụng truyền thông để hỗ trợ công cuộc thích ứng và ứng phó BĐKH hiện nay.

Biến đổi khí hậu trên thế giới

Theo Liên Hiệp Quốc, biến đổi khí hậu (BĐKH) được định nghĩa là “biến đổi của khí hậu được quy cho trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kì có thể so sánh được” (Lưu Hồng Minh, Đỗ Đức Long & Phó Thanh Hương, 2015, trang 31)

Liên Hiệp Quốc chỉ rõ biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nhiệt độ và thời tiết, gây ra sự nóng lên toàn cầu (nóng bầu khí quyển, đất liền và các đại dương), gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nguyên nhân chính của trình trạng này được Liên Hiệp Quốc nêu lên là việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu... từ hơn 2 thế kỉ qua khiến cho nhiệt độ trái đất tăng lên2.

Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân dẫn đến nhiều thảm họa thiên nhiên như siêu bão, sạt lở đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn, mất đất ở, hiện tượng băng tan, các đợt hạn hán, sóng nhiệt... BĐKH đe dọa làm tổn hại đến nền kinh tế của các quốc gia và địa bàn sinh sống của người dân, đặc biệt là những nước nhỏ, những quốc đảo nhỏ3, những nơi thường phải gánh chịu thiên tai như những quốc gia, vùng đất nằm sát biển. Khi thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế bị tổn hại thì sinh kế của nhiều người dân cũng chịu tác động.

a1(1).png

Trong bối cảnh BĐKH gia tăng và đã gây ra những hậu quả thảm khốc4, cần quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả truyền thông về BĐKH và thay đổi phương thức truyền thông về BĐKH.

Truyền thông về BĐKH

Truyền thông về BĐKH có thể được xem là một phần của truyền thông khoa học (science communication). Thực vậy, biến đổi khí hậu là nội dung hàm chứa nhiều kiến thức, thông tin về khoa học và xã hội, trong đó bao gồm nhiều nội dung khoa học về môi trường, địa lý, kinh tế.

h1.pngHình 1. Sơ đồ thể hiện vị trí của truyền thông về biến đổi khí hậu trong mối quan hệ với truyền thông khoa học và báo chí về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ngày nay, khi nói đến BĐKH, người ta thường đề cập nhiều đến vấn đề thích ứng (adaptation) của con người trước những sự thay đổi của khí hậu và môi trường, điều kiện sống. Việc thích ứng đòi hỏi sự thay đổi hành vi, chuyển đổi lối sống để phù hợp với những thay đổi của khí hậu. Sự thay đổi này có thể coi là sự thay đổi về văn hóa và lối sống.

Chính vì vậy, truyền thông về BĐKH nên được nhìn nhận là truyền thông khoa học với sự nhấn mạnh đến phương diện văn hóa - xã hội.

Trên thế giới, truyền thông khoa học được thực hiện theo các hướng tiếp cận: công chúng hiểu về khoa học (PUS/public understanding of science, với mô hình thiếu hụt thông tin/the information deficit model), công chúng tham gia vào khoa học kỹ thuật (PEST/Public Engagement of science and technology), và công chúng tham gia từ đầu nguồn khoa học kỹ thuật (UE/upstream engagement)

Tiếp cận PUS là truyền thông 1 chiều, cung cấp thông tin từ nhà khoa học đến công chúng phổ thông (những người không thuộc giới chuyên môn khoa học). Tiếp cận PEST và UE khuyến khích sự tham gia và thảo luận một cách chủ động của công chúng về các vấn đề khoa học.

h2.pngHình 2. Sơ đồ thể hiện sự phát triển những cách tiếp cận của truyền thông khoa học

Vậy, truyền thông BĐKH nên theo cách tiếp cận hoặc mô hình nào là phù hợp nhất?

Trên thực tế, tuy PUS bị coi là lỗi thời do tính chất 1 chiều, đặt nhà khoa ở vị trí cao hơn công chúng trong việc truyền tải thông tin khoa học, chú trọng bù đắp sự thiếu hụt tri thức khoa học ở công chúng phổ thông, nhưng với trường hợp cụ thể là truyền thông về BĐKH, thì PUS vẫn có thể được vận dụng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Lí do là vì những kiến thức về BĐKH bao gồm nhiều kiến thức khoa học tương đối phức tạp, cần có sự hiểu biết và giải thích về khoa học mới giúp người dân bình thường hiểu rõ. Ví dụ như các khái niệm net zero (mức trung hòa khí thải các bô nic), heat wave (sóng nhiệt), glass house effect (hiệu ứng nhà kính), carbon footprint (đo lường lượng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển từ các tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hoạt động5). không dễ hiểu đối với tất cả mọi người trong xã hội.

Các mô hình UE và PEST nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng vào các cuộc thảo luận khoa học về các vấn đề mới của khoa học và các dự án khoa học. Điều này phù hợp với các nước phát triển, dân chủ, có trình độ dân trí cao và nền báo chí truyền thông hiện đại, tiên tiến. Với những cộng đồng mà trình độ phát triển và dân trí chưa cao, phương tiện truyền thông hiện đại còn hạn chế, thì PEST và UE trong một số trường hợp có thể trở thành xa xỉ.

Tuy nhiên, truyền thông về BĐKH có thể không hoàn toàn nằm trong những trường hợp này. Nói cách khác, không nên xem thường kiến thức cộng đồng địa phương trong truyền thông về biến đổi khí hậu. Chính những cộng đồng này lại tích lũy những kinh nghiệm, kiến thức về BĐKH và thích ứng, đối phó với BĐKH ngay tại địa phương6. Những kiến thức, kinh nghiệm này cần được chia sẻ rộng rãi đến các cộng đồng khác để người dân rút kinh nghiệm, tham khảo, học tập, giúp hạn chế những thiệt hại do BĐKH gây ra.

Các nhà nghiên cứu như Dijck (2003) and Bulkeley (2000) đã chỉ ra tầm quan trọng và vai trò của các yếu tố văn hóa, xã hội trong việc thực hiện các hoạt động truyền thông khoa học và truyền thông về biến đổi khí hậu. Thực vậy, truyền thông về BĐKH không nên chỉ dừng lại hoặc sử dụng duy nhất ở tiếp cận PUS và mô hình thiếu hụt thông tin, tức là không nên chỉ nhấn mạnh duy nhất vào việc cung cấp 1 chiều thông tin cho người dân, đặc biệt là chỉ nhấn mạnh ở thông tin khoa học, hoặc các thông tin về sự kiện, chính sách. Mặc dù những thông tin này rất cần thiết, chúng vẫn là chưa đủ.

Một điều rất quan trọng để giải quyết vấn đề BĐKH chính là ý thức của con người. Con người cần ý thức rõ BĐKH là hậu quả do con người gây ra là chủ yếu, những hoạt động quá mức đã dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái, gây nên những hiện tượng thời tiết, thiên nhiên cực đoan quay trở lại tàn phá, làm tổn hại, gây khó khăn tổn thất cho con người. Để phá vỡ vòng tròn tai hại này, con người cần nhận thức rõ về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, hình thành và củng cố thái độ tôn trọng tự nhiên và những quy luật của tự nhiên, ngừng hoặc điều chỉnh những hoạt động quá mức gây tổn hại cho hệ sinh thái, làm nóng lên toàn cầu.

Điều này đòi hỏi những sự thay đổi lâu dài trong lối sống, trong văn hóa. Ví dụ: sống “xanh” hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, hạn chế những hành động gây ô nhiễm môi trường, ngừng phá rừng, trồng nhiều cây xanh. Hơn nữa, cần hình thành lối sống thích ứng với BĐKH.

Ví dụ: người dân vùng thấp trũng có nguy cơ lụt lội cần xây dựng nơi tránh lụt hoặc dự trữ thuyền và xuồng, học cách sử dụng thuyền hoặc xuồng khi xảy ra lụt, học kĩ năng thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn khi lũ sắp tới để tránh tài sản bị hư hỏng. Trong cộng đồng nên hình thành lối sống chủ động theo dõi thiên tai, chủ động hỗ trợ nhau khi thiên tai, bão lũ sắp đến, hoặc địa phương nên xem xét thành lập và quảng bá các dịch vụ hỗ trợ người dân phòng bão lũ (dịch vụ chằng chống nhà cửa, dịch vụ cứu hộ, dịch vụ giao thông mùa lũ, dịch vụ cung cấp hàng hóa mùa lũ, dịch vụ dọn dẹp, cất dọn đồ đạc trong mùa lũ. có thể gọi chung là dịch vụ phòng và ứng phó thiên tai).

Như vậy, truyền thông về BĐKH cần tập trung vào việc hỗ trợ, định hướng, khuyến khích người dân hình thành và tăng cường ý thức xây dựng văn hóa, lối sống thích ứng với BĐKH. Thay vì chỉ tập trung đưa tin về hội nghị, hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu, báo chí truyền thông nên quan tâm giới thiệu các mô hình nhà tránh lũ, các loại thuyền, xuồng có thể dùng đi lại trong điều kiện lũ lụt, cách bảo vệ an toàn cá nhân và xe cộ trong điều kiện mưa lũ, các loại thực phẩm có thể dự trữ trong mùa lũ, hoặc cách bảo vệ sức khỏe cá nhân cho người già và trẻ em trong các đợt nắng nóng. Báo chí nên là diễn đàn để người dân chia sẻ các kinh nghiệm về thích ứng BĐKH với cộng đồng, nêu gương những người hỗ trợ cộng đồng trong thiên tai...

Tóm lại, truyền thông về BĐKH nên bao gồm nhiều hoạt động truyền thông hai chiều, để cho người dân tham gia vào quá trình truyền thông, cùng với các chuyên gia chia sẻ tri thức và thông tin, giới thiệu và giúp hình thành, củng cố những lối sống, những tập tục văn hóa phù hợp với bối cảnh BĐKH, những kiến thức bổ ích, có lợi cho việc thích ứng và đối phó biến đổi khí hậu.

Dưới đây, chúng tôi xin mạo muội đề xuất để độc giả tham khảo một mô hình truyền thông về biến đổi khí hậu được xây dựng dựa trên xem xét điều kiện Việt Nam hiện nay. Mô hình này bao gồm các yếu tố: kiến thức khoa học (knowledge of science), văn hóa (culture) và xã hội (society), đồng thời thay vì chỉ tập trung vào việc truyền bá những kiến thức khoa học thuần túy hoặc đưa tin về các chính sách của các cấp, mô hình này thể hiện sự kết hợp của cả cách tiếp cận hình truyền thống PUS, tiếp cận PEST cùng với tiếp cận văn hóa.

h3.pngHình 3. Đề xuất một cách tiếp cận tổng hợp áp dụng cho truyền thông về BĐKH ở Việt Nam.

Trong đó:

PUS: Công chúng hiểu về BĐKH (được cung cấp và cập nhật những kiến thức khoa học về BĐKH).

PEST: Công chúng tham gia đóng góp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về thích ứng và ứng phó BĐKH.

Cultural approach: Công chúng xây dựng văn hóa, lối sống thích ứng BĐKH.

Báo chí về BĐKH

Nói đến truyền thông về BĐKH, báo chí truyền thông có thể xem là lực lượng đi đầu. Do BĐKH là vấn đề lâu dài, nên báo chí về BĐKH cũng cần được thực hiện theo chiến lược lâu dài, nên chú trọng không chỉ số lượng tin bài đăng tải mà còn cả chất lượng tin bài. Truyền thông về BĐKH nên được chuyên nghiệp hóa, nghĩa là báo chí nên có những chuyên mục lâu dài về BĐKH, với những nhà báo, phóng viên phụ trách là những nhân sự báo chí được đào tạo về truyền thông khoa học (science communication) hoặc báo chí khoa học (science journalism), được tập huấn bài bản về đưa tin BĐKH và thường xuyên được cập nhật kiến thức về BĐKH, có trình độ tiếng Anh (và các ngoại ngữ khác) để tiếp cận thông tin khoa học về BĐKH nhằm phục vụ công chúng những thông tin mới nhất về chủ đề quan trọng này.

Hiện nay, báo chí Việt Nam đã làm tốt việc thông tin sự kiện, đặc biệt là về các vụ thiên tai. Nên chăng báo chí không chỉ dừng lại ở việc tập trung đưa tin theo sự kiện về thiên tai mà còn nên tuyên truyền, định hướng cho dư luận có sự quan tâm thường xuyên đến BĐKH, hình thành và củng cố ý thức thích ứng và từng bước xây dựng lối sống, văn hóa thích ứng với BĐKH để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực từ BĐKH, đảm bảo cuộc sống an toàn, giữ gìn được sinh kế và nơi ở.

Các hình thức truyền thông khác về BĐKH

Truyền thông về BĐKH cần có báo chí là hạt nhân, bên cạnh đó cũng còn cần nhiều hình thức truyền thông đa dạng khác để bổ sung, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông. Hình thức truyền thông về BĐKH nên đa dạng, mở rộng chứ không tập trung trông chờ ở riêng báo chí. Cần vận dụng các hình thức truyền thông khác như sử dụng mạng xã hội, truyền thông nhóm (tổ chức các nhóm tuyên truyền, huấn luyện về kiến thức, kĩ năng ứng phó BĐKH, nhóm hỗ trợ phòng và ứng phó thiên tai...), truyền thông liên cá nhân (tuyên truyền viên sẽ đến nói chuyện, chia sẻ với cá nhân những người dân, vận động để họ thay đổi lối sống phù hợp với thực trạng BĐKH), truyền thông nội nhân (ví dụ cá nhân tự lập kế hoạch phòng và ứng phó thiên tai cho bản thân và gia đình).

Nên chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, tập huấn, cầm tay chỉ việc để người dân giúp người dân nắm rõ và vận dụng thành thục các kĩ năng ứng phó BĐKH (ví dụ: cách chèo thuyền, cách chằng néo nhà an toàn, cách chống say nắng...). Địa phương nên tổ chức các buổi chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức về phương pháp thích ứng BĐKH do chính người dân trong cộng đồng chủ trì, thực hiện cùng với sự cộng tác của các chuyên gia, nhà khoa học. Về lâu dài, cần có cơ quan hoặc bộ phận chuyên phụ trách công tác truyền thông về BĐKH. Những cơ quan này nên hoạt động thường xuyên, có kế hoạch, hỗ trợ báo chí kịp thời để phổ biến thông tin cần thiết đến toàn xã hội.

Mỗi vùng, mỗi khu vực có những loại thiên tai khác nhau7. Vì vậy, cần có chính sách truyền thông về BĐKH cụ thể cho từng vùng. Vai trò của địa phương cần được nhấn mạnh.

Vai trò của nhà nước quốc gia trung ương là rất cần thiết.

Những nội dung thông tin nên được chú trọng trong truyền thông về BĐKH:

  • Thông tin khoa học giúp người dân hiểu được nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của BĐKH và các biểu hiện của BĐKH như tình trạng nóng lên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai.

  • Thông tin dự báo và giải pháp ứng phó BĐKH;

  • Thông tin, kiến thức về biện pháp ứng phó với BĐKH;

  • Kiến thức về lối sống phù hợp với điều kiện BĐKH;

  • Chính sách, chỉ đạo của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến BĐKH;

  • Các vấn đề kinh tế, sinh kế liên quan đến BĐKH;

  • Các vấn đề sức khỏe liên quan đến BĐKH;

  • Ý kiến của người dân;

  • Kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến BĐKH, các cơ quan chức năng, cán bộ trong lĩnh vực này;

  • Thông tin về các nỗ lực địa phương, quốc gia và quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH.

Đề xuất về những yêu cầu đặt ra cho truyền thông về BĐKH

  • Trình bày thông tin rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch, cập nhật, kịp thời, giúp nâng cao hiểu biết của người dân, của công chúng nói chung về BĐKH;

  • Kết nối người dân với cơ quan chức năng, nhà nước để cùng nhau vượt qua thiên tai thành công;

  • Bổ ích, đem lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm, nêu bài học;

  • Đa dạng hình thức;

  • Hướng vào phổ biến kiến thức khoa học đồng thời cũng chú ý tập trung hướng dẫn, khuyến khích công chúng hình thành và phát triển lối sống thích ứng BĐKH.

Kết luận

Truyền thông có vai trò quan trọng trong các nỗ lực để giúp thích ứng và ứng phó với BĐKH. Để công tác truyền thông về BĐKH đạt hiệu quả cao, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận truyền thông về BĐKH như là một phần của truyền thông khoa học và học cách vận dụng những cách tiếp cận, mô hình truyền thông khoa học để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông về BĐKH nhằm đưa thông tin khoa học về BĐKH đến với người dân, công chúng, đồng thời lôi cuốn các thành phần trong xã hội tích cực tham gia ứng phó biến đổi khí hậu cũng như giải quyết những vấn đề do tình trạng này tạo ra đối với loài người và môi trường trái đất mà chúng ta đang sống.

Người làm truyền thông về BĐKH cũng không thể bỏ qua vai trò của văn hóa và xã hội trong truyền thông về BĐKH, bởi chúng chính là những yếu tố không thể tách rời của truyền thông về BĐKH. Bên cạnh việc cung cấp cho công chúng những thông tin cập nhật, kịp thời về BĐKH, người làm truyền thông cần quan tâm đến việc định hướng dư luận xã hội, hướng sự quan tâm của công chúng đến vấn đề BĐKH và dần xây dựng lối sống, văn hóa thích ứng với BĐKH, khuyến khích người dân tham gia cùng các nhà khoa học trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về ứng phó BĐKH.

Truyền thông cần giúp người dân ý thức sâu sắc về mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, trách nhiệm của con người trước thiên nhiên và chính cuộc sống của mình, từ đó biết điều chỉnh hành vi, lối sống để hạn chế những tổn hại do BĐKH gây ra cho con người, và để đến một ngày trong tương lai, vấn đề BĐKH sẽ không còn là mối đe dọa đối với loài người trên trái đất của chúng ta.

1. Theo thông tin từ website của Liên Hiệp Quốc (UN) và Chương trình phát triển của LHQ (UNDP), https://www.un.org/en/climatechange/what-is-climate-change và https:// climatepromise.undp.org/news-and-stories/climate-dictionary-everyday-guide-climate-change
2. Theo thông tin từ website của Liên Hiệp Quốc: United Nation, “What is climate change”, Climate Action, https://www.un.org/en/climatechange/what-is-climate-change.
3. Ví dụ, quần đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất trong vài thập kỉ tới do nước biển dâng (xem Thi Hoa Tran, 2004)
4. Ví dụ, siêu bão Yagi – một trong những biểu hiện của BĐKH - đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam vào tháng 9/2024 và gây sạt lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về kinh tế và nhân mạng cho nhiều tỉnh ở miền Bắc. Xem bài viết của Thùy Dương (2024)
5. Theo giải thích của Từ điển biến đổi khí hậu (Liên Hiệp Quốc, https://climatepromise.undp.org/news-and-stories/climate-dictionary-everyday-guide-climate-change )
6. Ví dụ, người dân chài ở vùng biển Đà Nẵng có kỹ năng về bơi và chèo thuyền thì có thể hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn những người dân ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu trong thành phố một số kĩ năng sinh tồn khi xảy ra nạn lụt.

7. Ví dụ: một số tỉnh ở miền núi phía Bắc có nguy cơ cao về xảy ra sạt lở đất, còn đồng bằng ven biển miền Trung thường bị bão lụt, nắng nóng

Tài liệu tham khảo:
1. Bulkeley H. 2000, “Common knowledge? Public understanding of climate change in Newcastle, Australia”, Public Understand. Scie. 9, trang 313-333.

2. Dick 2003, “After the “Two Cultures” Toward a “Multicultural” Practice of Science Communication”, Science Communication, Vol. 25 No. 2, pp.177-190.

3. Grant W.J. 2023, “The Knowledge deficit model and
science communication”, Communication, Oxford Research
Encyclopedia, https://oxfordre.com/communication/
display/10.1093/acrefore/9780190228613.001.0001/
acrefore-9780190228613-e-1396 truy cập 30/10/2024.

4. Loterre, , “upstream engagement”, SAGE Social Science
Thesaurus https://skosmos.loterre.fr/N9J/en/page/-
G9LHT5QR-9 Truy cập ngày 30/10/2024

5. Lưu Hồng Minh & Schirmbeck S. (đồng chủ biên) và các cộng
sự 2015, Bối cảnh truyền thông về biến đổi khí hậu đăng tải
trên phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam, NXB Thế
giới.

5. Thi Hoa Tran 2004, “UN warns of ocean chaos”, The
Independent Monthly, Journalism & Communication, The
University of Queensland, Australia.

6. Phadke R. 2023, “Upstream engagement in the era of climate
change”, Climate, Science and Society, Routledge,
https://www.taylorfrancis.com/chapters/oa edit/10.4324/9781003409748-19/upstream-engagement era-climate-change-roopali-phadke truy cập 30/10/2024.

7. Thùy Dương 2024, “Biến đổi khí hậu – nguồn gốc của siêu
bão Yagi”, Hànộimới. Truy cập 31/10/2024.

8. VH (tổng hợp) 2021, “Biến đổi khí hậu và tác động của biến
đổi khí hậu”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://
dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/
bien-doi-khi-hau-va-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-594203.
html, xem ngày 29/9/2024.

9. UNDP 2023, “The climate dictionary: an everyday guide to
climate change”, Climate Promise, https://climatepromise.
undp.org/news-and-stories/climate-dictionary-everyday
guide-climate-change Truy cập 29/10/2023

10.United Nations, “What is climate change?”, Climate Action,
https://www.un.org/en/climatechange/what-is-climate
change. Truy cập 29/10/2023

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)