Tương lai của Netbook

04:21, 17/12/2008

Trong số những sản phẩm notebook hiện nay, bạn có thể nhận thấy một điều rằng không có nhiều nổi bật. Chỉ có một số máy được bổ sung tính năng riêng nhưng hầu hết đều không tạo ra một cuộc cách mạng cho Netbook, kể cả Dell Inspiron Mini 9 vốn được mong chờ rất nhiều.


 

Xem ảnh lớn


Theo Gianranco Lanci – CEO và là chủ tịch của Acer, netbook sẽ trở nên thông dụng hơn rất nhiều trong vài năm tới. “10 năm trước, chiếc MTXT đóng vai trò một chiếc PC hỗ trợ thứ hai cho người dùng. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến những chiếc máy tính xách tay (MTXT) trở thành công cụ chính và netbook trở thành chiếc PC hỗ trợ thứ hai”.

 

Lý do chính để những thiết bị này trở nên thông dụng là vì người dùng muốn truy cập Internet cơ động hơn, năng động hơn. Càng ngày càng có nhiều người muốn có thiết bị duyệt Internet hoàn chỉnh trên đường đi công tác hơn là sử dụng những giải pháp di động hạn chế, và đây chính là hướng khiến cho netbook đã đang và sẽ đạt được nhiều thành công.

Vậy trong vài năm tới, netbook sẽ thay đổi ra sao?

Công nghệ phần cứng:

Hè năm 2008, chiếm lĩnh thị trường là CPU Atom và màn hình độ phân giải 1024x600 trên các máy netbook. Cùng đó là sự xuất hiện ồ ạt của hàng loạt tên tuổi lớn trong mảng sản phẩm Netbook như Asus, Acer, Dell, HP, MSI… với các mẫu máu 9-10”, màn hình 1024x600, bàn phím rộng lớn hơn cùng với CPU Intel Atom hoặc VIA C7-M. Giữa 2 loại chip này, Intel Atom sử dụng ít điện hơn và có tỉ lệ hiệu năng/giá tốt hơn.


Đáng chú ý hơn, Atom còn hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng HyperThreading cho phép một số ứng dụng chạy nhanh hơn. Mặc dù nó không nhanh hơn các chip lõi kép nhưng rõ ràng vượt trội hơn hẳn so với VIA C7-M (có trong HP2133 hay Everex Cloudbook) vốn phải thực hiện các lệnh x86 thông qua bộ “dịch” do không có bản quyền như Intel và AMD.

Hiện tại AMD chưa thực sự tiến công vào mảng sản phẩm CPU tiết kiệm điện, hiệu năng cao một số sản phẩm netbook phổ thông với CPU AMD có thể sẽ xuất hiện sớm. Hercules, tên tuổi lừng danh một thời đã bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm netbook với bộ xử lý Geode LX800 của AMD và đây cũng là những chiếc máy đầu tiên không sử dụng quạt làm mát, đánh dấu những chiếc netbook đầu tiên không có thành phần chuyển động nào bên trong.

Bên cạnh vi xử lý, ngày càng có nhiều công nghệ mới được chuyển từ máy tính xách tay (MTXT) sang netbook. Trước tiên là màn hình cảm ứng. Hiện tại chỉ có M912 của Gigabyte là chiếc netbook duy nhất được tích hợp tính năng này, nhưng hệ quả tất yếu là giá đội lên khá cao: M912 khởi đầu từ mức giá 700 USD.


Bên cạnh đó, khả năng thông tin liên lạc của netbook cũng được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. Một số dòng máy đã bắt đầu được tích hợp 3G (ví dụ như Eee PC 901). Trong tương lai chúng ta sẽ có cả Wi-Max và một số giao thức truyền dữ liệu khác, cho phép netbook thực sự có khả năng duy trì liên lạc mọi nơi mọi lúc, mọi điều kiện.

“Bộ cánh” sẽ sang trọng và đẹp mắt hơn

Một số người nghĩ rằng các nhà sản xuất sẽ đưa ra các MTXT cỡ to hơn với màn hình có thể lên tới 12-13” nhưng điều này còn phụ thuộc vào từng nhà sản xuất. Trong buổi phỏng vấn mới đây của Laptop Magazine, Jerry Shen – CEO của ASUS đã hé lộ một vài số liệu và tính năng mà rất có thể sẽ xuất hiện trong các bản Eee PC tiếp theo. Theo đó, ASUS xuất xưởng 5 triệu chiếc Eee PC cho tới cuối 2008. Dự kiến sang năm mới sẽ có thêm vài mẫu Eee PC cải tiến được ra mắt, ví dụ như dòng cảm ứng hỗ trợ Windows 7 (giữa 2009).

Xem ảnh lớn


Bên cạnh đó, sau khi đã thành công với việc định hình netbook, các nhà sản xuất hiển nhiên sẽ bắt tay vào việc “tút” lại vẻ bề ngoài. Điều này đã được minh chứng với ASUS khi hãng bắt đầu giới thiệu các sản phẩm Eee PC thời trang ví dụ như S101. So với 1000H, S101 mỏng hơn (0.75”), nhẹ hơn, vỏ ngoài đẹp mắt hơn.

 

Ngoài ra, một số hãng như HP khi thiết kế Mini-Note 2133 đã lắp bộ cánh kim loại cực kì sang trọng và đẹp mắt. Sản phẩm tiếp theo là Mini 1000 cũng có vẻ ngoài đẹp mắt hơn hẳn so với những thế hệ netbook đầu tiên. Như vậy chúng ta có thể thấy rõ xu hướng chung là các dòng Netbook sẽ ngày càng nhỏ gọn, nhẹ nhàng, thời trang và quan trọng nhất là rẻ hơn so với trước đây.

Về phần mềm:

Theo nhiều thử nghiệm, Windows 7 bản đang phát triển thậm chí còn chạy nhanh hơn Windows Vista trên các cấu hình Netbook thông dụng hiện nay. Màn hình mở rộng sẽ là lợi thế tốt cho sự có mặt của Windows 7, tuy nhiên mức giá bản quyền sẽ là rào chắn hệ điều hành này. 

 Mặc dù Vista sẽ chạy trên các netbook đời mới (Atom) với tốc độ tạm chấp nhận được nhưng hiệu năng ứng dụng và sự nặng nề sẽ làm cho nó khó lòng chung sống với sự gọn nhẹ của các linh kiện trong Netbook (nhất là ổ cứng).

 

Chính vì vậy, không phải tự nhiên mà các dòng MTXT nhỏ gọn là tiên phong đưa Linux vào thị trường phổ thông một cách thực sự nghiêm túc. Các nhà sản xuất đang xuất xưởng số lượng đáng ngạc nhiên các sản phẩm loại này một phần vì Linux hoàn toàn miễn phí. Những biến thể mới của Linux dành riêng cho Netbook vẫn liên tục xuất hiện như: Mandriva Mini, Linpux Linux Lite, Ubuntu Netbook Remix…

 Một giải pháp khác là việc sử dụng các ứng dụng web ví dụ như Google Docs hay Gmail bởi chúng rất gọn nhẹ, tốn ít bộ nhớ nhưng có vẻ người dùng chưa thực sự sẵn sàng cho ứng dụng kiểu này và điều kiện “phủ sóng” Internet cũng chưa đủ rộng ở nhiều nơi.

 Một trong những hứa hẹn của các nhà sản xuất được người dùng quan tâm chính là tốc độ khởi động Với Netbook, con số này là 30-60s trên nền hệ điều hành Windows XP hay Linux Ubuntu. Mặc dù các hệ điều hành chính như Linux, Windows hay OS X đều cho phép chuyển máy vào trạng thái ngủ nhưng rõ ràng nếu bật máy chỉ mất vài giây thì thực sự hấp dẫn hơn.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

TIN LIÊN QUAN