Vấn nạn rao bán công khai số điện thoại di động đang hoạt động

10:28, 27/08/2010

Hiện nay trên một số trang như raovat.com, muaban.net, rongbay.com, timhang.com... đã xuất hiện những lời rao công khai, kèm địa chỉ người bán như: Cần bán danh sách số điện thoại khách hàng với tên, số điện thoại di động, địa chỉ email (chủ yếu tại TP. HCM).

Công khai rao bán hàng nghìn số điện thoại

Một người có địa chỉ email: minh_bao... rao trên mạng "đang cần bán danh sách số điện thoại khách hàng thuộc mạng Mobifone trên 100 ngàn số điện thoại thuê bao trả sau, có đầy đủ thông tin của khách hàng, địa chỉ nơi cư trú". Mức giá để đổi lấy những thông tin trên lên tới 60 triệu đồng. Một website công khai: bán Danh sách 9.700 giám đốc tại TP. Hồ Chí Minh đầy đủ điện thoại di động (ĐTDĐ);  Danh sách Các công ty mới thành lập tại TP.Hồ Chí Minh; Danh sách khách hàng sở hữu ô tô tại TP. Hồ Chí Minh; Danh sách các công ty trong các Khu công nghiệp trên toàn quốc; Danh sách 1700 giám đốc tại Hà Nội có đầy đủ số ĐTDĐ…

Một người tên Dung, số điện thoại 09726xxxxx thì rao bán "danh sách khách hàng tiềm năng Phú Mỹ Hưng bao gồm số cũ + số mới số sim điện thoại chính chủ trong Phú Mỹ Hưng" với giá 2 triệu đồng. Chủ thuê bao 0988.2xxxxx loan tin "đang có trong tay danh sách 1.700 khách hàng từ cấp... trưởng phòng trở lên. Có đầy đủ số điện thoại bàn, số di động, địa chỉ email".  Không những thế, đã có một số website "chuyên" cung cấp danh sách này với số lượng lớn tới 20 triệu địa chỉ email, 100 ngàn số thuê bao di động trả sau... Thậm chí, phương cách để gửi thư rác di động hàng loạt cũng được rao bán công khai, với mức giá là 1 triệu đồng cho mỗi 15.000 tin nhắn. Điều đáng lo ngại hơn là không chỉ có cá nhân đăng tin trên các website rao vặt mà nhiều website chuyên cung cấp danh bạ cũng đã ra đời như 10.000 giám đốc doanh nghiệp trong nước; Danh sách 20 triệu địa chỉ email; Danh sách 4.200 sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM có đầy đủ các loại số điện thoại; Danh sách giám đốc marketing, giám đốc thương hiệu các công ty lớn tại VN; Danh sách thành viên CLB bất động sản thành phố Hồ Chí Minh...

Hậu quả từ việc bùng nổ thông tin mật, thông tin cá nhân trên mạng như trên là không thể lường trước được. Đây là một trong những cơ sở dữ liệu để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng phát tán tin nhắn rác, thư rác. Hậu quả là người sử dụng ĐTDĐ vẫn phải nhận tin nhắn rác một cách bất đắc dĩ. Chưa kể rằng, rất nhiều trường hợp là những chủ nhân của số ĐTDĐ bị rao bán trên mạng đã bị can thiệp vào cuộc sống riêng, gây ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, rất nhiều chủ sử dụng có sim ĐTDĐ số đẹp bị rao bán trên mạng lại đang lâm vào tình trạng bị rao bán sim, tranh chấp sim trên mạng…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Giải thích về hiện tượng này, đại diện các nhà mạng cho rằng do các mạng di động đều có dịch vụ hỗ trợ lấy lại sim trong trường hợp đánh rơi, mất trộm, nhất là với các thuê bao di động trả trước. Với sim số thường thì chỉ cần khai báo 5-10 số thuê bao vừa gọi đi - đến, đối với những sim số đẹp thì cần nhiều hơn. Chính từ khe hở này các kẻ lừa đảo đã dùng một chiếc hộp kích hoạt sim để kích hoạt cả thẻ sim mới tinh vẫn nằm trên thẻ nhựa, sau đó thực hiện các cuộc gọi đi - đến rồi bán lại cho khách hàng. Sau đó, chúng chỉ cần ra đại lý các mạng di động khai báo mất sim, và công khai các số sim chúng vừa thực hiện gọi đi, gọi đến cho nhà mạng. Vậy là chiếc sim số khách vừa mua trở thành sim trắng, đồng nghĩa với vô giá trị sử dụng, còn kẻ lừa đảo đã lấy được sim số đẹp của khách. Vì vậy, cảnh báo từ nhà mạng cũng nêu rõ, khi đã được sở hữu sim ĐTDĐ rồi, khách hàng, hơn ai hết là những người cần tự bảo mật thông tin về sim của mình hoặc đăng ký trả sau cho những sim số đắt tiền.

Bản thân một người điều hành website cung cấp danh bạ này (có thu phí và hưởng hoa hồng từ người cung cấp danh sách) thừa nhận biết việc này là không hợp pháp nhưng vẫn làm. Bởi lẽ, nguyên nhân sâu xa là vì lợi nhuận thu từ dịch vụ cho ký gửi này rất cao, trong khi nhà quản lý và các cơ quan chức năng lại… chưa kiểm soát và xử lý hiện tượng này. Chắc chắn rằng, việc tiết lộ thông tin cá nhân cũng như công khai trên mạng thông tin của các thuê bao di động là vi phạm pháp luật. Luật Viễn thông quy định rõ, Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Đồng thời, luật cũng ghi rõ rằng, Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chủ thuê bao đồng ý cung cấp thông tin về tên, địa chỉ, số ĐTDĐ, email... thì việc thu thập và phát tán nói trên là hợp pháp. Tuy nhiên, khó có thể xác định nguồn gốc những thông tin trên có được sự đồng ý của chủ nhân hay không. Chỉ trừ khi nạn nhân trong số đó khiếu nại thì mọi việc mới ngã ngũ và cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Một đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin- Truyền thông cho biết: Đối tượng mua danh sách các số điện thoại thường sử dụng danh sách đó để gửi tin nhắn hoặc gọi điện quảng cáo các sản phẩm dịch vụ khi chưa được phép gây phiền hà, khó chịu cho chủ thuê bao di động. Thậm chí trong một số trường hợp xuất hiện hành vi lừa đảo. Vì vậy, việc chấn chỉnh, rà soát lại các website chuyên cung cấp số sim ĐTDĐ trên mạng thời gian tới sẽ được tiến hành; đồng thời các nhà mạng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.
 
Nguyên Nga