Vì sao khó triển khai các dịch vụ qua mạng

09:24, 24/10/2008

Thiếu một hạ tầng mạng tin học đủ mạnh, cùng với thói quen tiêu dùng của người dân chưa thay đổi, khiến cho việc cung cấp một số dịch vụ mới qua mạng của VNPT gặp nhiều khó khăn.
Xem ảnh lớn
Nằm trong kế hoạch mở rộng các dịch vụ bưu chính qua mạng, từ đầu năm 2005, Ban Bưu chính – Phát hành báo chí (VNPT) đã có kế hoạch triển khai một loạt các dịch vụ mới như: thương mại điện tử, bảo hiểm nhân thọ bưu chính, direct mail, e-post... Trong số các dịch vụ này, bảo hiểm nhân thọ bưu chính đã chính thức đưa vào cung cấp từ ngày 29/3/2006, và đã mở tới 100 bưu cục thuộc 64 tỉnh, thành phố.
 
Dịch vụ direct mail đã bước đầu xây dựng phương án trên cơ sở hợp tác với Bưu chính Pháp. Còn dịch vụ thương mại điện tử đã triển khai bước 1 là dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) từ tháng 10/2004. Đây được xem là bước tập dượt để phát triển dịch vụ thương mại điện tử trên toàn mạng bưu chính. Song ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Ban Bưu chính – Phát hành báo chí của VNPT cho biết, mặc dù VNPT đã hoàn thiện xong phương án cung cấp dịch vụ bán hàng qua mạng nhưng xét thấy dịch vụ này khó khả thi nên trước mắt chưa thể cung cấp ra thị trường.

Theo phân tích của giới chuyên môn, VNPT là doanh nghiệp có tiềm năng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp Việt Nam về khả năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đi tiên phong phát triển thương mại điện tử  tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc chuyên chở hàng và thu tiền, do vậy sản phẩm của họ dường như chỉ cung cấp trong nội thị các thành phố lớn.
 
 VNPT, với một mạng lưới bưu cục rộng khắp 64 tỉnh, thành, mạng chuyên chở chuyên nghiệp cả bằng đường không, đường tàu hoả, đường bộ, cùng với đội ngũ bưu tá có thể đi thu gom và phát hàng tận địa chỉ, VNPT là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử một cách trọn gói, từ bán hàng, chuyên chở, phát hàng và thu tiền. Tuy nhiên, việc đưa dịch vụ COD - bước 1 của dịch vụ thương mại điện tử vào hoạt động của VNPT đã không mấy thành công.

Ông Sơn cho biết, sản lượng dịch vụ và số lượng khách hàng của COD trong gần 2 năm qua rất thấp, mà phần lớn nguyên nhân là do điều kiện khách quan. Khó khăn lớn nhất đó là người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen ngồi tại nhà để mua hàng.
 
Hàng hoá trên thị trường chưa thống nhất về giá cả, chất lượng chưa được tiêu chuẩn hoá cũng tạo tâm lý muốn mua hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, COD hay dịch vụ bán hàng qua mạng nói chung thích hợp để bán các loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu như: thực phẩm, mỹ phẩm, sách báo…
 
Những sản phẩm này đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn thống nhất về chất lượng cũng như giá cả mới có thể tạo sự yên tâm cho người mua. Còn tại Việt Nam, những hàng hoá này chưa thống nhất, hàng giả, hàng nhái tràn lan, do vậy khó có thể bán các loại hàng hoá này trên mạng, hay qua catologe đặt tại các bưu cục.
 
Những loại hàng hoá có bảo hành, có giá thống nhất trên toàn quốc như hàng điện tử, điện lạnh, máy giặt có thể bán qua mạng, song các hãng này đều có đại lý rộng khắp nên Bưu điện cũng khó tiếp cận để bán hàng. “Do nhiều yếu tố khách quan, dù  hoàn toàn có thể thiết lập và cung cấp dịch vụ nhưng VNPT chưa thể thực hiện được bước 2 của dịch vụ bán hàng qua mạng”, ông Sơn cho biết.

Còn đối với dịch vụ e-post và bảo hiểm nhân thọ bưu chính thì vấp phải trở ngại về hạ tầng mạng tin học. Theo kinh nghiệm của Bưu chính Ấn Độ, dịch vụ e-post là dịch vụ dễ triển khai, đem lại hiệu quả cao cả về chất lượng dịch vụ thư tín và doanh thu.
 
Dịch vụ e-post chỉ cần bưu cục có nối mạng Internet, hoặc Fax là có thể cung cấp được dịch vụ. Còn tại Pháp, bảo hiểm nhân thọ bưu chính là đối thủ đáng gờm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác do khả năng chiếm lĩnh thị trường vùng xa, và thích hợp với những người có mức thu nhập trung bình.
 
Nhưng tại Việt Nam, mặc dù là doanh nghiệp chủ đạo về BCVT, song cơ sở hạ tầng mạng tin học dành cho bưu chính của VNPT cũng chưa được hoàn thiện. Ông Sơn cho biết, mạng tin học tổng thể đã được phê duyệt song phải 2-3 năm nữa mới hoàn thiện, khi đó mới đủ điều kiện để cung cấp mạng e-post. Còn bảo hiểm nhân thọ bưu chính thì chưa thể triển khai mạnh tới vùng sâu cũng là hạn chế làm giảm năng lực cạnh tranh của dịch vụ.

Việc gia tăng các dịch vụ mới trên mạng bưu chính là vô cùng cần thiết cho việc kinh doanh độc lập, tự chủ của Bưu chính Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng được một hệ thống mạng tin học thống nhất, đủ đáp ứng yêu cầu cung cấp đa dịch vụ là điều cần phải được tính toán thấu đáo, và cần được triển khai một cách đồng bộ để Bưu chính Việt Nam có khả năng thúc đẩy tiềm năng kinh doanh trong thời kỳ mới.                                            

Theo VNPost
   
TIN LIÊN QUAN