Xu hướng rẻ - Việc giảm cước sẽ thấp đến mức nào?

03:20, 17/12/2008

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường giá cước viễn thông đã giảm nhiều và trong tương lai gần, theo nhiều chuyên gia, sẽ còn giảm. Tuy nhiên điều đáng nói là, cách thức giảm và kéo theo nhiều vấn đề khác như chất lượng dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hành được nâng cao như thế nào mới là quan trọng

Câu hỏi việc giảm cước sẽ thấp đến mức nào khó có thể đưa ra một câu trả lời nào cụ thể được với bất cứ nhà cung cấp nào.

Xem ảnh lớn


Trước hết, xu thế giảm giá cước Viễn thông hiện nay phải được hiểu theo nhiều góc độ, tất cả các phương án đều phải nhằm hài hòa 3 lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng. Viễn thông là ngành dịch vụ đặc biệt, trong đó giá cước do Nhà nước quản lý chứ không phải tùy tiện.

 

 Từ đó sẽ phân tích được nguyên nhân và xu hướng giảm giá cước Viễn thông. Cũng cần nói thêm rằng cước Viễn thông nói chung không phải là sẽ giảm giá mà sẽ giảm với cước gọi Quốc tế, đường dài trong nước, di động và sẽ tăng với cước gọi nội hạt.

Lý do để các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông giảm cước là do giá thành hệ thống thiết bị ngày càng giảm, lưu lượng sử dụng dịch vụ tăng, doanh thu và lợi nhuận cũng vì thế mà tăng theo. Bên cạnh việc tăng doanh thu và tăng lợi nhuận thì lại xuất hiện sự cạnh tranh.

 

Nếu như trước đây chỉ có duy nhất Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là nhà cung cấp dịch vụ, thì hiện nay đã có gần 10 nhà cung cấp dịch vụ, chưa kể các doanh nghiệp nhỏ khác cũng tham gia “gặm chiếc bánh” thị phần béo bở này. Chính vì vậy, để đảm bảo lợi nhuận và giành thị phần, các nhà cung cấp sẽ buộc phải giảm giá dịch vụ. Cơ chế thị trường tự điều tiết đã xuất hiện, phát huy tác dụng và người tiêu dùng đã được hưởng lợi.

Tuy nhiên, giảm giá đến đâu, đến mức nào? Câu hỏi sẽ được trả lời một cách đơn giản và mang tính lý thuyết rằng “giá sẽ giảm nhưng không thể giảm dưới giá thành được”. Vậy giá thành thực là bao nhiêu?

Các kiểu giảm giá cước hiện nay

Từ ngày 1/8/08, Viettel đã chính thức giảm cước gọi quốc tế chiều đi từ 8.000đ xuống còn 3.600đ/ phút. Đây là đợt giảm cước đặc biệt, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam không phân biệt vùng hay quốc gia gọi đến. Trong tháng 10/2008, Tập đoàn VNPT cũng không kém cạnh khi cắt giảm giá cước gọi chiều đi quốc tế chỉ còn……(searching)…….??? Sao lại như vậy, sao lại giảm giá từ 0,42USD/phút tương đương với gần 7.000đ/phút xuống còn 3.600đ/phút, đó thực sự là mức giảm đáng ngạc nhiên. Và chắc chắn rằng, với giá này doanh nghiệp vẫn có lãi!

Lý do cũng thật đơn giản vì cuộc gọi giá thành thấp chủ yếu do được chuyển tải qua mạng IP với giá thành vô cùng rẻ. Chất lượng cuộc gọi không cao nhưng với giá như vậy người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Cũng tương tự, cước gọi di động được giảm một cách khủng khiếp bằng các chiêu lách luật “khuyến mại tặng tài khoản”, thực chất là giảm giá cước gọi. Tuy nhiên, nếu tính toán chi tiết thì việc khuyến mại lượng tài khoản gấp 3 lần tiền mua thì nhà cung cấp dịch vụ vẫn có lãi chưa kể họ còn nhận được tiền từ chiều gọi đến, hoặc giá cuộc gọi nội mạng sẽ tăng và họ sẽ hầu như không mất chi phí.

Cước đường dài, liệu có giảm được nữa không? Nếu để ý, sẽ thấy cước đường dài đã “tăng” với cự ly liên lạc ngắn, ví dụ cước gọi VoIP tới các tỉnh lân cận đã tăng từ 800đ/phút lên 840đ/phút. Còn cước đường dài VoIP tới các tỉnh xa đã được giảm từ 1.100đ/phút xuống 840đ/phút. Như vậy, cước đường dài đã thực sự được cân đối và đã gần với mức giá thành.

Cước nội hạt, với 120đ/phút gọi nội hạt như hiện nay nhà cung cấp dịch vụ đang phải gồng mình chịu trận, giá bán đang thấp hơn giá thành, họ đang phải lấy nguồn thu khác bù chéo chứ không phải hòa vốn hay có lãi. Vì thế, khi các đơn vị kinh doanh độc lập thì sẽ tiến tới giá cước nội hạt sẽ tăng.

Nhu cầu người dùng hiện nay, chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp…?

Nhu cầu người dùng hiện nay được chia làm 3 nhóm: Nhóm hộ gia đình, Nhóm cá nhân, Nhóm doanh nghiệp. Với mỗi nhóm người dùng sẽ có những nhu cầu riêng.

Với nhóm hộ gia đình nhu cầu cần phải có điện thoại cố định và nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập Internet ADSL tại nhà thông qua đôi dây cáp đồng. Cước phát sinh dịch vụ điện thoại và Internet không cao.

Với nhóm cá nhân, nhu cầu di động rất cao. Đặc thù công việc chủ yếu là không ngồi cố định và hầu như phải tự trang trải cước phí thông tin. Với nhóm này, họ sẽ tìm cách có được dịch vụ có giá rẻ nhất, đôi khi chất lượng có thể không được cao nhưng họ có thể sẵn sàng chấp nhận. Có một đặc điểm thị trường cần phải quan tâm là nhóm này có nhu cầu tiêu dùng dịch vụ Viễn thông lớn nhất.

Nhóm doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện thoại cố định và kết hợp với dịch vụ di động, tuy nhiên doanh số cước điện thoại cố định chiếm tỷ trọng cao. Với nhóm này, ngoài việc sử dụng dịch vụ Viễn thông, họ còn có nhu cầu cao sử dụng các dịch vụ mạng riêng của doanh nghiệp và ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các nhu cầu riêng và giảm chi phí.

Về chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã được chứng thực qua thực tế. Điều chắc chắn là các doanh nghiệp mới hình thành vài năm gần đây vẫn còn đang trong thời gian xây dựng và củng cổ hạ tầng mạng cơ sở nên chất lượng sẽ chưa ổn định bằng các doanh nghiệp lâu năm, có nền tảng vững chắc về công nghệ cũng như tiềm lực tài chính.  Theo nhận định của các chuyên gia, với qui mô mạng lưới Viễn thông hiện nay, thì VNPT là nhà cung cấp có qui mô lớn nhất, năng lực mạng lưới rộng nhất.

Việc giảm cước là mong ước của người sử dụng dịch vụ, tuy nhiên, khách hàng cũng cần phải hiểu rằng, giá thành dịch vụ bao gồm giá thành từ mạng lưới thiết bị và giá phục vụ. Nếu giá thành thấp quá sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo.

Ngoài việc cân nhắc giá cước hợp lý cho người sử dụng cuối, nhà cung cấp cần phải tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo chất lượng theo qui định của Bộ và giảm thiểu thời gian gián đoạn dịch vụ, hỗ trợ khách hàng kịp thời và quan tâm hơn đến khách hàng có doanh số cao, khách hàng có tính chất công việc đặc biệt.

Xu hướng cước viễn thông vẫn tiếp tục giảm do các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang tiếp tục tìm cách mở rộng thị trường và lôi kéo khách hàng. Giá cước còn tiếp tục giảm được vì giá thành thực sự vẫn còn thấp, nhất là khi sử dụng công nghệ mới trên nền tảng công nghệ IP. Giá thiết bị mạng hiện nay cũng giảm giá rất nhanh, ví dụ tiền đầu tư cho 1 tổng đài HOST hay MSC trước đây 3-4 năm thì hiện nay có thể mua được 2 thậm chí 3 tổng đài với nhiều tính năng hơn. Do vậy còn cạnh tranh, giá thiết bị còn giảm thì giá cước viễn thông vẫn tiếp tục giảm, ít nhất là trong 5 năm tới.

Trung Vân

TIN LIÊN QUAN