Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong tháng 4 giảm 22%
Trái ngược với đà tăng mạnh của nhóm máy tính và điện tử, nhóm điện thoại các loại và linh kiện lại ghi nhận sự sụt giảm. Theo đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 4/2025 chỉ đạt 3,76 tỷ USD, giảm tới 22% so với tháng trước...
Trong tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,15 tỷ USD, góp phần đưa tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm lên 29,26 tỷ USD, tăng mạnh 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng thêm 7,78 tỷ USD).
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tháng 4/2025 ghi nhận có mức giảm sâu nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Máy vi tính, đồ điện tử và linh kiện tăng trưởng cả chiều xuất và nhập khẩu
Theo Cục Hải quan, tỷ trọng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 4 tháng qua chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này khẳng định vai trò trụ cột trong tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực khác sụt giảm.
Theo đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đến từ nhu cầu ổn định tại các thị trường lớn. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,71 tỷ USD (tăng 57,6%), Trung Quốc đạt 5,06 tỷ USD (tăng 27%), EU (27 nước) đạt 3,21 tỷ USD (tăng 32%), Hồng Kông đạt 2,73 tỷ USD (tăng 6,6%) và Hàn Quốc đạt 2,64 tỷ USD (tăng 42,3%) so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng tăng mạnh. 4 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 42,88 tỷ USD, tăng 35,4%, tương ứng tăng 11,21 tỷ USD so với cùng kỳ 2024. Mặc dù vậy, xét riêng trong tháng 4/2025, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 11,24 tỷ USD, giảm 2,2% tương ứng giảm 250 triệu USD so với tháng 3/2025.
Đáng chú ý, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng tới 86,8%, đạt 5,31 tỷ USD. Cùng với đó, nhập khẩu nhóm hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt 37,57 tỷ USD, tăng 31,1%.
Cục Hải quan thông tin có bốn thị trường cung cấp chính máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam, chiếm tới 34,56 tỷ USD tổng giá trị, khoảng 81% tổng nhập khẩu nhóm hàng này.
Thứ nhất là Trung Quốc với 14,38 tỷ USD, tăng mạnh 42,6%, tương ứng tăng 4,29 tỷ USD. Thứ hai là Hàn Quốc với 11,35 tỷ USD, tăng 23,1%, tương ứng tăng 2,13 tỷ USD. Thứ ba là Đài Loan với 6,27 tỷ USD, tăng 64,6%, tương ứng tăng 2,46 tỷ USD và Nhật Bản với 2,56 tỷ USD, giảm 2,5%, tương ứng giảm 67 triệu USD.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiệm giảm tới 22% so với tháng 3
Trái ngược với đà tăng mạnh của nhóm máy tính và điện tử, nhóm điện thoại các loại và linh kiện lại ghi nhận sự sụt giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,8 tỷ USD, giảm 1,9% (tương ứng giảm 337 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng trong tháng 4/2025, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 3,76 tỷ USD, giảm tới 22% so với tháng 3/2025, một trong những mức giảm sâu nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Trong tháng 4/2025, các mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc với 3,55 tỷ USD, tăng 2,2%; Hoa Kỳ với 3,44 tỷ USD, giảm 9,6%; EU (27 nước) với 2,61 tỷ USD, tăng 2,3%; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với 1,05 tỷ USD, giảm 8,5% và Hàn Quốc với 1,03 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, nhập khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 4/2025 chỉ đạt 3,42 tỷ USD, dù có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024, song danh mục này chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2025, và bằng ⅓ so với giá trị nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Trong tháng 4/2025, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 36,87 tỷ USD, gần như không thay đổi so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng trị giá nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD, tăng mạnh 18,6%, tương đương tăng thêm 21,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2025 đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 1,06 tỷ USD) so với tháng 3/2024. Tuy vậy, tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương tăng thêm 16,12 tỷ USD.