Zing Mp3 lại bị cáo buộc vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc

18:15, 05/08/2014

Dù không hề có bất kỳ sự đồng ý nào từ phía Việt Giải Trí (Công ty được biết đến do ca sỹ Đăng Khôi là Giám đốc), gần 8.000 bài hát Hàn Quốc trong kho nhạc mà Việt Giải Trí được chuyển quyền sử dụng khai thác lại thường xuyên xuất hiện “chiễm chệ” trên nghe nhạc online “đình đám” Zing Mp3 của Công ty CP VNG với số lượt nghe “khủng”.

Bức xúc, ngay từ tháng 9/2013, Việt Giải Trí đã nhiều lần gửi văn bản sang VNG đề nghị dừng khai thác và chi trả số tiền tác quyền từ thời điểm tháng 3/2013 đến ngày gửi văn bản với mức 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không chỉ không trả tiền tác quyền, VNG vẫn tiếp tục sử dụng các bài hát này một cách ngang nhiên đầy thách thức. “Tức nước vỡ bờ”  ngày 28/7/2014, Công ty Việt Giải Trí do ca sĩ Đăng Khôi làm giám đốc đã chính thức khởi kiện đơn vị chủ quản của website Zing Mp3 là Công ty CP VNG lên Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Để rộng đường dư luận, XHTT đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quang Vy (LS LQV), Tổng giám đốc công ty Luật TNHH Việt Long Thăng (VLT Lawyers), đơn vị được Việt Giải Trí ủy quyền đại diện

Là người đại diện pháp luật Cho Việt Giải Trí, ông có thể đánh giá mức nghiêm trọng của sự việc này?

Ls LQV: Như chúng ta được biết, cuối năm 2012 hãng thông tấn AP đã đưa tin Công ty CocaCola và Công ty Samsung rút quảng cáo của mình khỏi Mp3.zing.vn vì trang này bị cáo buộc vi phạm bản quyền. Đại diện hai nhãn hàng này tại khu vực Đông Nam Á sau đó cũng đã xác nhận sự việc này. Động thái này của hai thương hiệu “khủng” trên đã được Liên minh Sở hữu trí tuệ IIPA hoan nghênh. Qua sự việc này cho thấy trang Mp3.vn đã từng có hành vi xâm phạm bản quyền rất nghiêm trọng buộc lòng các doanh nghiệp “đại gia” phải có biện pháp ngưng hợp tác. Trở lại câu chuyện của Công ty Việt Giải Trí, kể từ tháng 8/2013, khi được chuyển quyền sử dụng khai thác các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam (Nội dung K-Pop), Việt Giải trí đã liên tục nhiều lần gửi văn bản đến Công ty CP VNG để yêu cầu hợp tác khai thác sử dụng nội dung K-Pop trên trang Mp3.zing.vn theo đúng quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng mọi nỗ lực của Việt Giải Trí đều được hồi đáp bằng một thái độ dửng dưng từ phía VNG. Nghiêm trọng hơn vào ngày 3/3/2014, Công ty KT Music của Hàn Quốc đã có văn thư do chính Tổng Giám đốc Lee Seung Ju ký gửi trực tiếp đến Công ty CP VNG về việc yêu cầu xóa bỏ nguồn cung cấp bất hợp pháp các sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam. Theo đó, phía Hàn Quốc đã yêu cầu VNG xóa bỏ tình trạng sử dụng bản quyền bất hợp pháp tại Việt Nam, cũng như yêu cầu các trang mạng khác chưa nêu đích danh trong văn thư này (mà có sử dụng nội dung K-Pop) phải chịu mọi trách nhiệm dân sự và hình sự. Cuối thư, phía Hàn Quốc cũng đã bày tỏ hy vọng rằng khi vụ việc này được xử lý sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường âm nhạc tại Việt Nam. Với những lời cảnh báo như vậy nhưng VNG vẫn cố tình chây ỳ không hợp tác, như vậy bạn đã có thể hình dung được tính nghiêm trọng như thế nào rồi? Và đương nhiên buộc lòng Việt Giải Trí  phải sử dụng đến biện pháp khởi kiện trước Tòa án để bảo vệ quyền lợi mà Việt Giải Trí đang bị “đánh cắp”.

PV: Là một chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về bản quyền, cũng như tham gia xử lý nhiều vụ kiện về bản quyền, ông nghĩ sao về tình hình thực thi bản quyền tại Việt Nam mấy năm trở lại đây?

LsLQV:So với các quốc gia trên thế giới, vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả nói riêng tại Việt Nam quả thật là còn khá mới mẻ. Đến năm 2005 chúng ta mới có Luật sở hữu trí tuệ và luật này đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2009. Tuy vậy kể từ khi ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ rồi gia nhập WTO, tham gia công ước Bern… tôi đánh giá các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của chúng ta tương đối đầy đủ, từng bước đáp ứng được sân chơi chung của thế giới. Song đó chỉ là xét về khía cạnh văn bản pháp luật, còn thực thi pháp luật lại là chuyện khác. Trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình tôi cho rằng việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn quá khiêm tốn bởi suy cho cùng tất cả cũng do ý thức và nhận thức vấn đề của cả người dân, của doanh nghiệp và đặc biệt là ngay cả của không ít cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước còn rất mơ hồ và xem nhẹ vai trò của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong   đời sống phát triển xã hội. Nói cụ thể hơn xã hội sẽ không thể phát triển được nếu như không có sự sáng tạo của con người và sự sáng tạo của con người sẽ bị mai một nếu như luật pháp không có cơ chể để bảo hộ nó vậy.

Gần đây, dư luận xôn xao về việc một “Lãnh đạo” của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) phải đến tận địa điểm biểu diễn để "canh me" một chương trình ca nhạc vì chưa đóng tác quyền. Ông có thấy sự “tương đồng” giữa hai sự việc này?

LsLQV: Sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết các mối quan hệ xã hội có liên quan đến pháp luật đó là một cách hành xử vừa văn hóa và vừa văn minh. Tôi lấy ví dụ trong mối quan hệ giữa Việt Giải Trí và VNG một khi cơ chế đàm phán giữa hai bên không thành công thì việc khởi kiện ra tòa để nhờ cơ quan tài phán ra phán quyết thì đây là một cách hành xử không những có văn hóa và lại còn văn minh. Về việc Giám dốc VCPMC phải đến tận địa điểm biểu diễn để “canh me” một chương trình ca nhạc vì chưa đóng tác quyền, tôi cho rằng đây là câu chuyện hy hữu chỉ có ở Việt Nam. Thật ra để giải quyết vụ việc này một cách bài bản hơn thì VCPMC nên chọn cơ chế “Thừa phát lại để lập vi bằng”, theo đó khi phát hiện một chương trình ca nhạc chưa thực hiện nghĩa vụ tác quyền theo luật định thì chủ thể quyền có quyền đề nghị Thừa phát lại đến địa điểm biểu diễn để lập vi bằng cho hành vi vi phạm tác quyền của đơn vị tổ chức biểu diễn đó. Vi bằng do Thừa phát lại lập là chứng cứ có giá trị pháp luật. Trên cơ sở vi bằng do Thừa phát lại lập VCPMC sẽ thực hiện các quyền năng của mình mà pháp luật cho phép trong đó không loại trừ biện pháp khởi kiện trước tòa.

Một câu hỏi tế nhị, ông đánh gía khả năng thắng kiện của Việt Giải Trí trong sự vụ này? 

Ls LQV: Để chuẩn bị cho một vụ kiện, chúng tôi luôn phải chuẩn bị đầy đủ mọi chứng cứ và hồ sơ pháp lý để chứng mình quyền của mình. Phiên tòa còn ở phía trước, công lý là lẽ phải mà bao giờ cũng được xã hội thừa nhận. 

Huy Hoàng (thực hiện)