NASA chụp được những vòng tròn ma quái dẫn thẳng tới “địa ngục vũ trụ”

08:42, 16/08/2021

Những vòng tròn hoàn hảo, ma quái, chưa từng thấy bao quanh một lỗ đen cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng đã được ghi lại bởi Đài quan sát tia X Chandra của NASA và Đài quan sát Neil Gehrels Swift.

Theo NASA, lỗ đen bí ẩn và hệ thống sao của nó, gọi chung là V404 Cygni, đã tạo ra những cấu trúc ánh sáng kỳ lạ, chỉ có thể nhìn thấy dưới tia X.

Lỗ đen này cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng, tồn tại trong một hệ sao nhị phân với một ngôi sao đồng hành và trọng lực của lỗ đen đã kéo vật chất khỏi ngôi sao này, tạo thành một vòng tròn quanh nó.

V404 Cygni đã tạo ra những cấu trúc ánh sáng kỳ lạ, chỉ có thể nhìn thấy dưới tia X. Đó là các vòng tròn hoàn hảo, được NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) mô tả như chiếc cổng đi tới các vì sao, nhưng trên thực tế nó dẫn thẳng tới "địa ngục vũ trụ" - một lỗ đen bí ẩn và hung dữ.

Những vòng tròn ma quái, kỳ lạ chưa từng thấy bao quanh một lỗ đen đã được Đài Quan sát Tia X Chandra của NASA và Đài quan sát Neil Gehrels Swift ghi lại.

Hiện tượng tạo nên các vòng tròn trên được gọi là "tiếng vọng ánh sáng", cùng cơ chế với các tiếng vọng âm thanh ở Trái Đất, khi âm thanh dội lại từ các bề mặt cứng. Chúng được tạo thành trong hệ sao này khi sự phun trào tia X từ hệ sao nhị phân phản chiếu qua các đám mây bụi trong không gian giữa hệ sao V404 Cygni và Trái Đất. Không gian vốn luôn chưa đầy bụi nhưng chúng giống như những lớp khói được tạo thành từ các hạt nhỏ li ti hơn.

Tuyên bố từ Đài quan sát tia X Chandra cho hay những vòng ánh sáng này không chỉ tiết lộ nhiều điều thú vị về hành vi của lỗ đen, mà còn giúp xác định những cấu trúc chưa nhìn thấy được giữa lỗ đen và Trái Đất, ví dụ như các đám mây bụi tối tăm, làm từ những hạt nhỏ và rắn, hoàn toàn khác biệt so với bụi Trái Đất.

Đường kính của các vòng sáng cũng giúp các nhà nghiên cứu xác định khoảng cách của các đám mây bụi tạo nên những vòng sáng này. Những vòng sáng càng lớn tức là các đám mây bụi càng gần Trái Đất.

Hình ảnh mới của NASA đã kết hợp các hình ảnh sử dụng tia X được quan sát từ Đài quan sát Chandra với những dữ liệu được thu thập từ kính thiên văn Pan-STARRS ở Hawaii. Lần đầu tiên Chandra bắt được tia X mạnh mẽ và kỳ lạ từ lỗ đen này là từ năm 2015, nhưng đến nay nó mới được xác nhận, giải thích và công bố.

Chân Hoàn (T/h)