Quản trị và phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số - 4 vấn đề “sống còn”

15:01, 28/12/2021

Quản trị và phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số không chỉ là thách thức đối với đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn mà nó còn là bài toán “nhức nhối” ở các doanh nghiệp nhỏ. Để biết và sử dụng linh hoạt các công cụ vào việc quản lý và phát triển nhân lực trong kỷ nguyên 4.0, doanh nghiệp cần lưu ý 4 vấn đề dưới đây.

Những khác biệt trong mô hình quản trị nhân lực 4.0

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Đồng - Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác, Đầu tư và Hỗ trợ DNNVV VN, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, việc quản trị và phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số có nhiều biến đổi khác biệt khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi theo.

Mô hình quản trị nhân sự 4.0 được chỉ ra bao gồm: Tuyển dụng bằng công cụ truyền thông và mạng xã hội, phỏng vấn bằng trí tuệ nhân tạo, thu hút ứng viên bằng môi trường làm việc phù hợp với năng lực, sở trường, đánh giá hiệu suất làm việc bằng AI, đào tạo phát triển nhân viên một cách đa di năng và trú tâm đến truyền thông nội bộ. Tất cả những điều này cách thức quản trị truyền thống không bao giờ có được.

Quản trị và phát triển nhân lực theo xu hướng nào?

Nhận diện được sự khác biệt trong mô hình quản trị nhân lực mới, doanh nghiệp cũng cần phải phân tích được xu hướng phát triển của lĩnh vực quản trị nhân lực trong tương lai gần. Đây là mấu chốt để doanh nghiệp luôn có được nguồn nhân lực tuyệt vời để vận hành “con tàu” kinh doanh của mình.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Đồng cho rằng, trong kỷ nguyên 4.0 việc quản trị doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng toàn diện và tự động hoá. Trong doanh nghiệp, biên giới giữa lãnh đạo và nhân viên sẽ dần được xoá nhoà. Nhân sự sẽ là là những người đứng đầu trong tổ chức số hoá. Máy móc và các phần mềm quản lý hỗ trợ công việc sẽ được gia tăng. Ngoài ra, xu hướng quản trị nhân lực từ xa, mô hình văn phòng nhân sự online theo công nghệ số sẽ được sử dụng nhiều hơn. Doanh nghiệp sẽ buộc phải tự động hóa quy trình nhân sự để thích ứng với sự phát triển.

Đối diện với những thách thức

Tuy nhiên, trong xu hướng mới, việc đối diện với thách thức là không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp cần nhận ra những bất cập có thể xuất hiện gây khó khăn trong việc quản trị nhân lực gồm: Tình trạng nhảy việc của nhân sự giỏi; tình trạng khó quản lý khi có nhiều nhân sự cá tính; sự “đuối sức” của nhân sự khi chạy theo tốc độ phát triển của khoa học công nghệ…

“Nhìn ra những thách  thức này sẽ giúp cho doanh nghiệp có được những bước chuẩn bị để đối phó, không bị hụt hơi rơi vào tình trang lúc nào cũng thiếu lao động”, Thạc sỹ Đồng cho biết.

Chuẩn bị để “biến hình” 

Trước những thay đổi từ việc quản trị và phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số doanh nghiệp cần làm gì? Thạc sĩ Nguyễn Thành Đồng chỉ ra rằng: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp và tạo môi trường làm việc hấp dẫn là điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm để “giữ chân” nhân lực giỏi và “hút” nhân lực tài năng.

Tiếp đến là phải lên kế hoạch bồi dưỡng nhân sự kế cận phù hợp cho các vị trí chủ chốt. Đẩy mạnh truyền thông nội bộ để tạo sự gắn kết, biến doanh nghiệp thành “ngôi nhà ấm cúng” giúp nhân sự luôn muốn ở lại, ra sức sáng tạo và cống hiến. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu hướng bùng nổ của công nghệ 4.0, nhanh chóng chuyển đổi số để thích ứng và liên tục đào tạo để nhân sự của mình không bị tụt hậu với sự chuyển đổi mạnh mẽ này.

PV