Quảng Bình: Phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, hướng đến chuyển đổi số

16:11, 22/09/2022

Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc.

Theo đó, hiện tại, thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn đã lập và phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cho các đô thị. Các địa phương còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Sở Xây dựng Quảng Bình nhận định, công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn trong thời gian qua còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc còn chậm.

Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch. Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Nguyên nhân xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao.

Cảnh quan đô thị thành phố Đồng Hới. 

Theo đó, thực hiện Luật kiến trúc năm 2019 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP, yêu cầu phải lập quy chế kiến trúc đô thị và các điểm dân cư hiện hữu nông thôn, Sở Xây dựng đã lập dự thảo phân công phân cấp về nội dung này, tỉnh đang xem xét thông qua, để ban hành Quyết định quy định phân cấp, ủy quyền lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, các đô thị trên địa bàn tỉnh hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc.

Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc, số hóa các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh. Các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, có giải pháp phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Tạp chí Người Làm Báo điện tử