10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: "Đổi SIM lấy bò", một “ký kết lạ” của Viettel
Vụ ký kết “đổi SIM láy bò” của Viettel với các tỉnh đang là “tâm điểm” chú ý của báo giới lẫn các doanh nghiệp viễn thông và đây cũng là sự vụ nổi bật nhất tuần qua.
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 43% vụ tấn công mạng là từ Trung Quốc
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Vụ Facebook thu phí chỉ là trò “cá tháng 4”
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: VNPT mang “hơi thở số" đến cho các đơn vị/địa phương
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 50.000 địa chỉ email ở VN bị hack
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Gần 1.000 website VN bị tin tặc TQ tấn công
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Người dùng phải chịu trách nhiệm về thông tin trên MXH
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: VNPT nâng dung lượng kênh Internet quốc tế
- 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về thư rác
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
1- "Đổi SIM lấy bò": Liệu chính quyền có ép dân mua SIM Viettel?
Theo kế hoạch triển khai chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” của nhà mạng Viettel với các tỉnh phía Viettel quy định “tặng bò cho các hộ nghèo vùng biên giới thông qua việc tự nguyện mua và sử dụng dịch vụ thông tin của Viettel để tạo nguồn kinh phí mua bò giống”. Còn người được tặng bò có thể lựa chọn các dịch vụ: Di động trả sau, Dcom trả sau, Internet băng thông rộng của mạng này.
UBND tỉnh Quảng Ninh và Chi nhánh Viettel Quảng Ninh tiến hành ký kết chương trình.
Kế hoạch liên tịch triển khai chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, nhà mạng Viettel hướng đến các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An - theo đó, Viettel sẽ có được 120.000 thuê bao (mỗi tỉnh 20.000 SIM); Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái: 75.000 thuê bao (mỗi tỉnh 15.000 SIM); Nam Định, Thái Bình và thành phố Hải Phòng: 15.000 thuê bao (mỗi tỉnh 5.000 SIM).
Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” hiện đang được UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai, phát động tới các cơ quan tổ chức, cán bộ công nhân viên chức và người dân. Sẽ không có gì đáng nói nếu một chương trình mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, đậm chất nhân văn như trên được triển khai từ các nguồn kinh phí ủng hộ tùy tâm, tùy sức của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Theo giới luật sư, căn cứ vào khoản 1, Điều 6 của Luật Cạnh tranh 2004 thì cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện hành vi: “Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật”. Với quy định trên, UBND các tỉnh sẽ vi phạm nếu “ép” người dân phải mua SIM điện thoại của Viettel. Tuy nhiên, nếu chính quyền các địa phương chỉ phát động, vận động mọi người tự nguyện mua (để được tặng bò cho các hộ gia đình nghèo), thì hành vi đó không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh phát triển 20.010 SIM điện thoại Viettel tới các cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức trong tỉnh. Với điều kiện, 20.010 SIM này phải ký hợp đồng sử dụng dài hạn trong 36 tháng. Đổi lại, Viettel sẽ ủng hộ 1.334 con bò giống cho chương trình. Tính trung bình, cứ 15 thuê bao được ký kết thì Viettel tặng chương trình 1 con bò giống.
Điều đáng nói, để đạt được con số 20.010 hợp đồng sử dụng SIM điện thoại, Viettel đã thông qua UBND tỉnh Quảng Ninh để giao chỉ tiêu tới các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Từ đây, sẽ triển khai xuống tới từng cán bộ, công nhân viên chức.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu hiện tỉnh vẫn đang vận động giao chỉ tiêu, chứ không bắt buộc.
Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là, một khi cấp trên đã giao chỉ tiêu thì bằng mọi giá, cấp dưới phải tìm cách để hoàn thành. Bởi ai cũng hiểu, nếu không hoàn thành, họ sẽ phải đối mặt với những đánh giá trong bình bầu thi đua, rồi xét lương, thưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Và câu hỏi: Liệu chính quyền có ép CBCC thuộc quyền và người dân phải mua SIM Viettel - vẫn đang treo lơ lửng.
2- VTC thuê thêm dung lượng vệ tinh VINASAT-1
Ngày 4/10, tại Hà Nội, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã ký kết hợp đồng mở rộng dung lượng băng thông trên hạ tầng truyền dẫn vệ tinh VINASAT-1 với Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I).
Tổng giám đốc VTC và Giám đốc Trung tâm Thông tin vệ tinh VINASAT tiến hành ký kết hợp đồng.
Theo đó, VTC thuê thêm dung lượng băng thông vệ tinh VINASAT-1 để đáp ứng nhu cầu thêm các kênh chương trình truyền hình độ nét cao HD. Theo kế hoạch, VTC sẽ cung cấp thêm 5 kênh chương trình độ nét cao HD và một số kênh độ nét tiêu chuẩn SD trên hạ tầng truyền dẫn vệ tinh VINASAT-1, nâng tổng số kênh độ nét cao của dịch vụ truyền hình số vệ tinh VTC lên trên 20 kênh HD và hơn 105 kênh truyền hình SD từ ngày 20/10/2014.
VTC là một trong những khách hàng đầu tiên thuê băng thông trên vệ tinh VINASAT-1 sau khi vệ tinh này được phóng thành công vào năm 2008.
3- Đã có quy chuẩn kỹ thuật về dịch vụ Intrenet
"Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất" (QCVN 34:2014/BTTTT) vừa được Bộ TT&TT ban hành; theo đó, doanh nghiệp phải hoàn tất việc khắc phục mất kết nối Internet băng rộng cố định mặt đất trong vòng 36h ở khu vực nội thành, thị xã và 72h với thị trấn, làng xã (chỉ tiêu là 90%).
Về thời gian thiếp lập dịch vụ, Quy chuẩn quy định với trường hợp có sẵn đường dây thuê bao, doanh nghiệp phải bảo đảm 90% số hợp đồng có thời gian thiết lập dịch vụ trong 5 ngày. Trong trường hợp chưa có đường dây, doanh nghiệp phải thiết lập dịch vụ trong vòng 12 ngày với nội thành, thị xã và 20 ngày thị trấn, làng xã.
Trường hợp doanh nghiệp không thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thì phải có văn bản thông báo cho khách hàng về việc từ chối ký kết hợp đồng và nêu rõ lý do từ chối trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ.
Cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có văn bản hồi âm cho 100% khách hàng khiếu nại trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận khiếu nại; thời gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng bằng nhân công qua điện thoại là 24/24 giờ, tỷ lệ khách hàng kết nối thành công đến điện thoại viên trong vòng 60 giây ít nhất là 80%...
QCVN 34:2014/BTTTT có hiệu lực từ 1/4/2015, sẽ thay thế “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet ADSL,” ban hành năm 2011.
Phạm vi điều chỉnh của QCVN 34:2014/BTTTT là các dịch vụ truy nhập Internet cáp quang, Internet xDSL và truy nhập Internet cáp truyền hình.
4- VinaPhone đăng cai Hội nghị liên minh Conexus 2014
Trong các ngày từ 6-8/10/2014, Hội nghị Conexus đã diễn ra tại TP. Đà Nẵng và đây là lần thứ 2 VinaPhone đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị này tại Việt Nam, sau lần thứ nhất tổ chức thành công tại Hà Nội năm 2010.
Các thành viên trong liên minh Conexus tại Hội nghị.
Là một trong những liên minh di động hàng đầu Châu Á, Conexus được thành lập nhằm phát triển dịch vụ roaming quốc tế và các dịch vụ cho các doanh nghiệp, nhằm đem đến sự tiện lợi cho khách hàng. Các thành viên trong liên minh hiện có tới 280 triệu thuê bao tại nhiều quốc gia khác nhau; và con số thuê bao còn lên tới 690 triệu nếu tính cả của đối tác chiến lược Vodafone của Conexus. Liên minh cam kết phát triển dịch vụ thoại, video và data, roaming trên hạ tầng mạng GSM, W-CDMA và LTE. Bên cạnh đó liên minh cũng có mục tiêu xây dựng môi trường ảo cho thuê bao roaming nhằm giúp khách hàng trải nghiệm các dịch vụ di động tiện lợi như khi đang ở nhà.
Hội nghị này có sự tham gia của các mạng di động lớn trong liên minh, bao gồm 9 mạng di động thành viên thuộc 9 nước và vùng lãnh thổ tham dự: KT (Hàn Quốc), Hutchison (Hong kong), Real Future (Thái Lan), Starhub (Singapore), Far Eastone (Đài Loan), Smart (Philippines), NTT Docomo (Nhật Bản), Indosat (Indonesia), VinaPhone (Việt Nam) cùng đối tác chiến lược của liên minh là Tập đoàn Vodafone.
VinaPhone và Vodafone đã ký kết thỏa thuận hợp tác từ tháng 11/2013. VinaPhone trở thành 1 trong 52 đối tác của Vodafone trên thế giới và VinaPhone cũng là đối tác duy nhất của Vodafone tại Việt Nam. Nhờ có sự hợp tác với các Tập đoàn lớn, VinaPhone đã thực hiện nhiều đợt giảm cước roaming, đơn giản hóa các vùng cước (hiện chỉ còn 5 vùng cước trên thế giới) góp phần mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí tối đa cho khách hàng VinaPhone khi đi ra nước ngoài
5- Chỉ giảm giá cước ngoại mạng nếu tính chính xác được giá thành
Trong cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 9/2014 của Bộ TT&TT, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel một lần nữa nêu ra kiến nghị về việc cho phép nhà mạng này áp dụng chính sách một giá cước (nội mạng bằng ngoại mạng) cho tất cả các thuê bao của mình. Trước kiến nghị của Viettel về việc giảm giá cước di động ngoại mạng bằng nội mạng, Cục Viễn thông cho rằng, nếu việc này không phá giá thị trường thì doanh nghiệp được phép tự quyết định gói cước. Tuy nhiên, cách tính toán giá thành hiện nay của nhà mạng này vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý và chưa phù hợp với thực tế.
Trước đó, ngày 7/7, lần đầu Viettel từng công khai kiến nghị này (đề xuất về việc giảm giá cước ngoại mạng) trong cuộc họp sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT, nhưng không được chấp nhận.
Cục Viễn thông khẳng định, về nguyên tắc, nếu không phá giá thì Viettel được phép ban hành gói cước theo như kế hoạch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiện chưa thống nhất được cách tính giá thành. Theo Cục Viễn thông, hầu hết nhà mạng hiện nay đều tính giá thành theo phân bổ doanh thu nên giá thành đó chưa phản ánh được chính xác, có mức độ sai lệch lớn cũng như không phù hợp với thông lệ quốc tế. Cục đang làm việc với doanh nghiệp để nghiên cứu, tìm ra cách tính chính xác, thực tế nhất. Chỉ khi nào tính được giá thành tương đối chính xác thì cơ quan quản lý mới để cho doanh nghiệp tự quyết định giá cước và gói cước. Điều này là để đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh về lâu dài.
Phân tích rõ hơn về sự thiếu hợp lý của cách tính giá thành theo phân bổ doanh thu, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nêu ra trường hợp của dịch vụ dữ liệu 3G. Hiện doanh thu từ dữ liệu chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của nhà mạng, nhưng đầu tư cho mạng lưới 3G lại chiếm tới 70-80% tổng vốn đầu tư. Nếu như nhà mạng chỉ tính giá cước theo doanh thu mà không hề khấu trừ chi phí mạng lưới thì sẽ dẫn đến tình trạng giá thành dịch vụ dữ liệu rất thấp còn dịch vụ thoại truyền thống lại cao.
6- Khai trương Trang thông tin điện tử Đại hội đồng IPU-132
Sáng 6/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về IPU-132 đã chính thức bấm nút khai trương Trang thông tin điện tử Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Cùng dự và chứng kiến lễ khai trương có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn nút khai trương trang thông tin điện tử của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU-132).
Với hơn 1.300 đại biểu đến từ 160 quốc gia trên thế giới, Ðại hội đồng IPU-132 tổ chức vào tháng 3/2015 tại Hà Nội chứa đựng những thông điệp quan trọng về hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện đến bạn bè quốc tế.
Bằng 3 thứ tiếng Anh-Pháp-Việt, Trang thông tin điện tử IPU -132 được Tiểu ban Thông tin tuyên truyền IPU-132 xây dựng tại địa chỉ www.ipu132vietnam.vn nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132 và tạo môi trường giao tiếp qua mạng internet giữa Ban Tổ chức IPU-132 và Hiệp hội Tổng Thư ký nghị viện (ASGF) với các nước thành viên tham gia IPU-132.
7- Hanoitimes - Kênh thông tin đối ngoại chủ lực của Hà Nội
Chiều 7/10, tại Hà Nội, được sự đồng ý của UBND TP. Hà Nội, Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Thành phố đã công bố Trang thông tin điện tử tiếng Anh Hanoitimes của báo Kinh tế và Đô thị, có địa chỉ http://hanoitimes.com.vn và chính thức trở thành Kênh thông tin đối ngoại chủ lực của Thành phố Hà Nội. Lễ ra mắt Kênh thông tin đối ngoại Hanoitimes là một trong các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014).
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị (KT&ĐT) Nguyễn Minh Đức cho biết, là cơ quan ngôn luận của UBND Thành phố Hà Nội, 16 năm qua, báo KT&ĐT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, lần lượt ra đời và xuất bản 6 ấn phẩm, bao gồm báo in và báo điện tử. Trong xu thế hội nhập quốc tế, cùng với việc xuất bản Trang tin điện tử KT&ĐT tiếng Việt, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng trang thông tin điện tử tiếng Anh Hanoitimes. Tháng 7/2007 phiên bản tiếng Anh của báo KT&ĐT điện tử có tên miền http://hanoitimes.com.vn đã được cấp phép và chính thức đi vào hoạt động. Đến tháng 12/2012, Bộ TT&TT cấp phép hoạt động báo chí điện tử cho trang thông tin điện tử KT&ĐT, trong đó có chuyên trang tiếng Anh Hanoitimes.
Với 15 chuyên mục, Hanoitimes đang được tập trung đổi mới về nội dung để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Hanoitimes cập nhật liên tục hoạt động đối ngoại của Trung ương và TP. Hà Nội, thông tin kinh tế - xã hội, đời sống đô thị trong nước; đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; giới thiệu quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch khu công nghiệp TP Hà Nội; quảng bá du lịch, hoạt động văn hóa - xã hội của Hà Nội, cả nước.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt truy cập trang. Thống kê cho thấy, bạn đọc từ nước ngoài truy cập chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: Hàn Quốc 34%; Mỹ 27%, châu Âu 21%... Điều quan trọng là, từ khi vận hành đến nay, Hanoitimes vận hành thông suốt, đảm bảo chế độ bảo mật, không xảy ra các sự cố kỹ thuật …
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho rằng, Lễ ra mắt Kênh thông tin đối ngoại của Thành phố Hà Nội-Hanoitimes là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các hoạt động chính trị, văn hóa nghệ thuật chào mừng sự kiện trọng đại kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Thứ trưởng Trần Đức Lai đề nghị trang thông tin Hanoitimes cần chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và Thủ đô ngàn năm văn hiến, về tiềm năng phát triển, hợp tác đầu tư của Thủ đô và đất nước với cộng đồng quốc tế. Đồng thời kênh thông tin đối ngoại cần giải thích, làm rõ, phản bác những thông tin sai lệch về Thủ đô và đất nước Việt Nam.
8- Sẽ cổ phần hóa MobiFone ngay năm 2015
tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 9/2014 sáng 6/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, ngay trong năm nay sẽ tiến hành tổ chức lại Công ty VMS và xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Nếu phương án được phê duyệt, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ được triển khai ngay trong năm 2015.
Mạng MobiFone sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2015.
Theo Bộ trưởng, triển khai các quyết định về tái cơ cấu doanh nghiệp đang là nhiệm vụ trọng điểm và "nước sôi lửa bỏng" của Bộ TT&TT, khi mà gần như cùng một lúc, cơ quan này phải hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án về Điều lệ hoạt động của Tập đoàn VNPT, 3 Đề án thành lập 3 Tổng công ty mới trực thuộc VNPT là VNPT-Media, VNPT-Net và VNPT-VinaPhone, phương án tổ chức lại MobiFone. Đó là chưa kể VTC và VNPost cũng đang rốt ráo tái cơ cấu.
"Triển khai quyết liệt các quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu Doanh nghiệp, sắp xếp lại nhân sự, tài sản, tài chính, cơ cấu lại bộ máy, tổ chức... là ưu tiên hàng đầu hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh. Trong đó, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ có tác động mạnh vì có thể thu về số vốn rất lớn so với 432 doanh nghiệp Việt Nam phải cổ phần hóa trong đợt này.
Trong những cuộc gặp gỡ với đại diện Lãnh đạo Bộ TT&TT gần đây, nhiều doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đã "đánh tiếng", muốn làm đối tác chiến lược của MobiFone như Ericsson của Thụy Điển, Telenor của Na Uy...
Bản thân Tập đoàn VNPT cũng có đề xuất sau khi MobiFone cổ phần hóa, Tập đoàn này sẽ được nắm giữ 20% cổ phần của MobiFone.
9- Ngành game trước áp lực bị đánh thuế đặc biệt
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đã nhanh chóng có văn bản tiếp thu, giải trình gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế trò chơi điện tử trực tuyến (game online) 10%. Nhiều đơn vị sản xuất game online đang lo lắng trước những sản phẩm có nguy cơ phải “ngừng”.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết 8/2014, có 126 trò chơi được cấp phép phát hành tại Việt Nam, trong đó đã ngừng 60 trò chơi, còn lại là 66 trò chơi đang hoạt động.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, trong 90% lượng game online phát hành có giấy phép và đem lại doanh thu cho ngành là game được sản xuất tại nước ngoài rồi nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam, được Việt hóa. Phần lớn, các trò chơi được nhập khẩu hợp pháp, có bản quyền phát hành, đến từ các nước có nền công nghiệp trò chơi trực tuyến phát triển lâu đời là Hàn Quốc, Trung Quốc. Trái lại, nhiều sản phẩm game thuần Việt đã ngừng cung cấp dịch vụ vì không có người chơi dẫn đến không có doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, hiện hầu như không còn công ty sản xuất game online trong nước.
Nhưng trước tốc độ phát triển quá nhanh của thị trường Internet Việt Nam, có đến một nửa thị phần game online tại Việt Nam là thuộc các sản phẩm trò chơi do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (không có trụ sở tại Việt Nam, hoặc có trụ sở dưới hình thức một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, đứng đằng sau là nước ngoài), không nằm trong sự thống kê chính thức của Cơ quan quản lý – Tức game lậu. Các game này, hiện đang cuốn hút người chơi Việt Nam.
Do khó kiểm soát về game online, nhiều game lậu ngày càng phát triển và đi ngược với thuần phong mỹ tục, ý thức chính trị. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế trò chơi điện tử trực tuyến (game online) 10%. Theo nhiều nhà phát hành game, trước đây doanh nghiệp vừa phải đối phó với game lậu, trả các loại phí để phát hành game, nay thêm việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thực sự đã gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, có nguy cơ phải ngừng hoạt động.
Thực tế trong nhiều năm qua, doanh thu từ ngành game không tăng mà liên tục giảm. Cụ thể, năm 2011 là hơn 6.000 tỷ đồng; năm 2012 là hơn 5.000 tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 4.800 tỷ đồng; 6 tháng 2014 là khoảng 1.845 tỷ đồng. Nếu các nhiều game ngừng hoạt động, đồng nghĩa nhiều lao động cũng phải thất nghiệp. Theo điều tra thị trường từ các doanh nghiệp game thì từ 2013 đến tháng 6/2014, lao động trực tiếp làm việc trong ngành game là khoảng 8.000, lao động gián tiếp là khoảng 10.000 người.
Đại diện một doanh nghiệp ngành game tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, mục đích “định hướng tiêu dùng” sẽ không thực hiện được. Vì với đặc thù của sản phẩm này, Nhà nước sẽ không có công cụ để thu thuế đối với game của nước ngoài. Như vậy, việc áp dụng thuế đặc biệt vô tình là con dao 2 lưỡi vì vừa đội chi phí cho người tiêu dùng, đồng thời sẽ giảm nguồn thu thuế cho Ngân sách Nhà nước khi game chính thống ngày càng ít người chơi. Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang phải đóng 44% thuế các loại: thuế VAT (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (22%) và thuế nhà thầu (10%).
10- Nghị quyết 36, “thời cơ vàng” cho ngành CNTT
Ngày 9/10, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 46 điểm cầu tại 46 tỉnh trên cả nước. Riêng 17 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc tham dự trực tiếp tại trụ sở Bộ TT&TT.
CNTT được coi là một trong những nền tảng quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị là một văn bản rất quan trọng, là định hướng xuyên suốt cho chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông từ nay đến năm 2030 của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Theo Nghị quyết 36, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới là CNTT được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong các cơ quan, các doanh nghiệp. Xây dựng hạ tầng thông minh, tăng cường chất lượng an sinh - xã hội, đảm bảo 100% các lĩnh vực then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội đều ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh. Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đạt mức khá của khu vực, cung cấp hầu hết các dịch vụ hành chính công cơ bản trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất. Nghị quyết 36 cũng xác định mục tiêu phát triển hạ tầng CNTT bền vững theo hướng hiện đại, đa dạng công nghệ, phủ rộng trên cả nước; mở rộng kết nối với các nước; đưa Internet, mạng băng rộng đến 100% xã.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian cho việc trao đổi, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ, phương thức phối kết hợp, huy động nguồn lực, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia triển khai Nghị quyết. Chương trình hành động đã nhận được 12 ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Trong đó, đáng chú ý là những kiến nghị rất cụ thể từ các đại biểu Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TP.HCM.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Để thời cơ vàng thực sự là vàng trong đời sống, cần biến Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị thành hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới”.
Thanh Trà (tổng hợp)