15 bước để trở thành một CEO thành công

12:21, 19/05/2016

Joe Tucci - Tổng giám đốc (CEO) công ty dữ liệu EMC và là ví dụ điển hình về một CEO mẫu mực, bài viết chia sẻ 15 yếu tố giúp trở thành một CEO thành công.

Tại hội thảo EMC World vừa diễn ra, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Joe Tucci đã nói lời tạm biệt với công ty. Theo nhà báo Rob Enderle, Tucci là ví dụ điển hình về một Tổng giám đốc mẫu mực, và ông cũng chia sẻ 15 yếu tố giúp trở thành một Tổng giám đốc (CEO) thành công

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EMC, Joe Tuccie đang bàn  giao lại công việc tại công ty. Tucci đã nói lời tạm biệt với công ty tại hội thảo EMC World năm nay. Ông đã hoàn tất công việc một cách thành công, và công ty của ông sẽ tiếp tục tồn tại bền vững sau sự ra đi của ông. Tuy nhiên, xung quanh chúng ta có quá nhiều CEO rắc rối và tôi nghĩ sẽ là tốt hơn nếu chia sẻ các yếu tố cấu thành một CEO thành công như Joe.

1. CEO không phải những ông vua hay bà hoàng

Đây là một trong những điều hay bị hiểu sai nhất của nghề CEO, rằng họ là những người đầy quyền lực, có thể vung chiếc trượng của mình ra và giải quyết mọi việc như có phép màu. Thực tế không đúng như vậy. Đúng là họ nắm trong tay quyền lực nhưng, điều này đặc biệt đúng với các công ty đại chúng, bao quanh họ là những cơ chế quy định rõ họ được làm gì và không được làm gì, cùng với ban lãnh đạo công ty là những người nắm trong tay quyền lực tập thể lớn hơn CEO. Họ là những người được thuê làm CEO và nếu họ quên điều này, họ sẽ phải đối mặt với sự phán xét của các nhà đầu tư và khách hàng.

2. Lòng trung thành là công cụ mạnh nhất của họ

CEO không phải là những người đóng góp độc lập. Lòng trung thành không phải là từ một phía, nếu họ không trung thành với mọi người, mọi người sẽ không trung thành với họ. Những CEO tốt nhất thường được xác định qua việc mọi người sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho họ một cách tự nguyện. Các CEO tồi thì được xác định qua việc, nhân viên của họ sẽ thôi không ngợi ca, hay nói tốt về họ nữa khi họ rời đi. CEO tốt thì nhận thức được rằng một phần của lòng trung thành đối với nhân viên của mình là vẫn quan tâm đến họ ngay cả khi mình rời đi, điều đó nghĩa là đảm bảo cho công ty luôn được quản lý dưới một bàn tay tốt, mà không lo lắng người kế nhiệm sẽ có phần nổi bật hơn bạn. Và nếu sự ra đi của bạn đặt một ai đó vào thế rủi ro, hãy chắc chắn rủi ro đó phải được giảm nhẹ đến mức tối thiểu.

3. Lương và tài sản không xác định sự thành công

Rất nhiều CEO nghĩ rằng phần quan trọng trong thành công của nghề này là những chiếc xe hơi đắt tiền, bất động sản đắt tiền, máy bay riêng và được đối xử như một thành viên hoàng gia. Việc tập trung vào vật chất như thế này thường tạo ra nền tảng của thất bại bởi vì chúng tạo ra tâm lý “Tôi tốt hơn anh” và khiến cho nhân viên, nhà đầu tư và khách hàng xa lánh bạn. Các CEO tốt nhất thường sống khá khiêm tốn và họ được xác định giá trị qua những gì họ làm chứ không phải qua ngôi nhà, du thuyền, xe  hơi hay những hòn đảo xa hoa mà họ sở hữu.

4. Hiểu biết sâu sắc về sản phẩm

Một trong những điều khiến Steve Jobs trở nên xuất chúng là ông hiểu rõ về sản phẩm của công ty. Ông có quyền phủ quyết mọi thứ và với một độ hiểu biết sâu rộng mà khó có CEO nào khác đạt tới, ông được xem như CEO tốt nhất của thập kỷ trước. Hiểu biết về sản phẩm nghĩa là hiểu cơ chế hoạt động của nó, cách thức nó được tạo ra và tồn tại như thế nào.

5. Hiểu rõ thị trường mà công ty hoạt động

Điều này còn quan trọng hơn cả việc hiểu biết về sản phẩm bởi nó xác định khả năng linh hoạt và cạnh tranh của công ty, ai đang là những người đang chi phối thị trường và vì sao, và cái gì đang vận hành hiệu quả và cái gì không.

6. Hiểu rõ các quy định, luật lệ

Lĩnh vực nào cũng có những quy định bao quanh nó. Điều này có thể nói cho bạn biết rất nhiều về các rủi ro mà CEO đang đối mặt, nó không chỉ là việc hiểu các luật lệ, quy định ở địa phương mà còn là các quy định ở các thị trường mà công ty đang hiện diện.

7. Hiểu biết về các yếu tố cơ bản trong kinh doanh đủ để biết tự đặt ra câu hỏi

Các yếu tố này bao gồm hiểu biết về tài chính/kế toán, sản xuất, vận hành (CNTT và nhân sự), marketing và bán hàng. Việc thiếu kiến thức cơ bản này sẽ dẫn đến những quyết định nguy hiểm cho công ty, ví dụ như khi quyết định loại bỏ một tác vụ nào đó, hoặc khi cắt giảm chi tiêu.

8. Tách biệt khỏi những thông tin có hại

Một trong những lỗi lầm phổ biến nhất CEO hay mắc phải là sống giữa một môi trường toàn những người nói những điều mà họ (CEO) thích hơn là nói những gì họ cần phải biết. Đó là những thông tin có hại và tách biệt khỏi những thông tin này là điều cần thiết để CEO có những quyết định sáng suốt.

9. Hiểu được chi phí cơ hội

Đây là chi phí của việc không làm một điều gì đó có lợi. Nhiều khi bạn quyết định chọn không làm gì chứ không phải là chọn làm một điều gì đó. Chính sự chần chừ và chậm trễ đó đã khiến bạn mất đi cơ hội.

10. Hiểu các chi phí phụ

Đây không phải là chi phí thực hiện cái gì đó liên quan trực tiếp đến vấn đề. Ví dụ, Apple đã phải trả giá khi để một vị trí quan trọng của Google có chân trong ban điều hành Apple suốt 3 năm trời.

11. Hiểu rằng cắt giảm nhân sự là một chỉ báo của sự thất bại

Sa thải là kết quả của một sai lầm nào đó và nó có thể giết chết các mối quan hệ quan trọng cũng như đưa các nhân viên chủ chốt vào tay đối thủ, đồng thời chấm dứt luôn vai trò ủng hộ công ty với tư cách là một khách mua hàng.

12. Đừng nói dối về khả năng của bạn

Có nhiều CEO đã trở thành cựu CEO vì họ đã nói dối về trường đại học và bằng cấp mà họ có. Trong thế giới ngày nay, giữ bí mật về những thứ khiêm tốn như vậy là không thể và đừng cố làm điều đó. Một CEO đã bị sa thải bởi để cho một lãnh đạo khác tiếp xúc với bạn bè mình, và một người bạn đã buột miệng nói: “Cậu có thể tưởng tượng mọi người đã ngu ngốc đến mức nào khi tin Bill tốt nghiệp Havard, thực tế anh ta chẳng học ở đó một ngày nào.”

13. Đừng tâm niệm nghề này sẽ làm bạn nổi tiếng

Tôi đã thấy nhiều CEO tự đưa mình lên các TV shows hay làm những điều gì đó khác người. Bạn là bộ mặt của công ty, vì vậy bạn luôn là một người bị theo dõi, và bạn sẽ bị đánh giá ở mọi lúc, mọi nơi với tư cách là một CEO. Bạn nên tránh xa việc trở thành mục tiêu của các phương tiện truyền thông xã hội.

14. Bạn không thể tự mình làm nên tất cả

Cần phải hiểu rõ điểm yếu của mình và tìm người để cân bằng chúng. Nhưng đừng trao nhiệm vụ đó cho những người quá nổi bật, những người là ngôi sao bởi họ sẽ giao tiếp không tốt với mọi người. Bạn cần những cộng sự là người xem bạn như người lãnh đạo, và biết làm những gì bạn không thể để bổ trợ cho bạn. Bạn cần xây dựng một đội ngũ giúp việc trung thành với bạn và công ty. Đó mới là điều quan trọng.

15. Tìm một cố vấn giỏi là quan trọng với một CEO thành công

Đặc biệt là với một CEO mới, tìm ai đó đủ điều kiện để đưa ra những lời khuyên và không ngại chia sẻ những kiến thức, lời khuyên quý báu là điều quan trọng nhất trong quy trình này.

Cần phải hiểu rằng bạn không thể thực hiện 15 bước nói trên một mình, nhưng đây là những yếu tố mà bạn cần biết để làm nên sự khác biệt của một CEO thành công và một CEO tầm thường.

Cẩm Thịnh - theo cio.com