5 nền tảng blog tốt nhất

13:25, 30/06/2010

Nếu bạn đang băn khoăn với việc chọn cho mình một nền tảng blog phù hợp, hãy tham khảo 5 giải pháp nổi bật sau đây.

1. Blogger (Trên nền Web- miễn phí)

Có mặt trên mạng đã gần 10 năm tuổi và đặc biệt nổi tiếng sau khi về tay Google, Blogger (tên miền blogspot.com) là dịch vụ được đông đảo người dùng sử dụng, nhờ chất lượng khá tốt và hoàn toàn miễn phí. Việc cài đặt, thiết lập blog trên nền tảng này rất đơn giản và nhanh gọn, có thể chỉ mất của bạn 15 phút. Blogger hỗ trợ chế độ chỉnh sửa giao diện bằng cách kéo thả, tải tập tin ảnh bằng các kĩ thuật hiện đại, đánh dấu thẻ theo vùng địa lý đăng ký, dễ dàng xuất bản và biên tập nhờ vào các dịch vụ Google Docs hay MS World, Windows Live Writer. Blogger hỗ trợ tới 100 người dùng cho một tài khoản đăng kí, do đó bạn có thể hợp tác với mọi người để tổ chức các hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
 

Hiện có tới cả triệu blog đang dùng Blogger. Một kinh nghiệm được nhiều người truyền tai nhau là bạn nên bắt đầu thực tập khả năng viết blog của mình với Blogger là tốt nhất.

2. Tumblr (Trên nền Web-Based, miễn phí)

Blogger nổi tiếng với khả năng hỗ trợ đa dạng, dễ thao tác thì Tumblr lại được nhiều người ưa thích nhờ vào khả năng uyển chuyển trong việc hỗ trợ blog. Bạn có thể chọn Tumblr làm nơi đưa ra những thông báo, đăng tải tin tức ngắn gọn là phù hợp hơn cả vì nền tảng này được coi là một dịch vụ dạng “tiểu blog” , nhưng thêm nhiều tính năng hơn so với Twitter, nhất là ở số kí tự cho phép.

Bạn có thể kết hợp cả Twitter và Tumblr và Blogger để có thể tân dụng được sức mạnh của từng dịch vụ. Tumblr rất mạnh ở khả năng hỗ trợ chia sẻ ảnh, video, thay vì chỉ có văn bản như Twitter.

Phong cách trình bày của Tumlr khá đơn giản, do đó nhiều người vẫn coi dịch vụ này là một bước “quá độ” giữa Twitter và Blogger cũng như các nền tảng phức tạp hơn.

3. WordPress (Trên nền Web, miễn phí)

WordPress hiện là nền tảng blog số một trên thế giới. Bạn có thể sử dụng mã nguồn của nhà cung cấp dịch vụ này để thiết lập blog cá nhân, với chi phí hosting và tên miền cộng thêm. Nếu là người dùng cá nhân và mới bước chân vào “nghiệp” blog, hãy thử nghiệm trước hết với Wordpress.com

Bạn sẽ không phải trả tiền máy chủ, tên miền mà vẫn có được một nền tảng blog mạnh mẽ để phát triển các dịch vụ cá nhân. Wordpress hỗ trợ tuỳ biến rất cao, cùng với hàng loạt phụ kiện, giao diện có thể giúp bạn dễ dàng xây dựng cho mình một “vương quốc” riêng trên mạng.

Quá trình cài đặt blog trên Wordpress.com khá đơn giản. Tuy nhiên, không như sử dụng mã nguồn Wordpress để xây dựng blog riêng, bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn do hạn chế tuỳ biến, cấu hình hay cài thêm plug-in, trừ khi sử dụng dịch vụ cao cấp giá khá đắt của Wordpress.com

Nhìn chung WordPress là giải pháp mạnh mẽ để xây dựng blog từ đơn giản phục vụ mục tiêu cá nhân hoặc doanh nghiệp, trước khi chuyển sang bước chuyên nghiệp hơn sử dụng nền tảng cơ sở (như tên miền, hosting) riêng.

4. SquareSpace (Trên nền Web, giá 8 USD/tháng)

SquareSpace là nền tảng blog thương mại có giá dao động từ 8 đến 50 USD/tháng. Ngoài khá nhiều tính năng chủ yếu tập trung vào khả năng quản lý, duy trì tuỳ biến blog cho một trang nhiều người truy cập, SquareSpace hỗ trợ rất tốt cho cả người dùng kinh nghiệm tới những ai mới bước vào thế giới blog.

Điểm mạnh nhất của dịch vụ này chính là khả năng thiết kế giao diện blog dễ dàng, việc coding cũng tương đối thân thiện ngay cả với “newbies”. SquareSpace được xây dựng với hệ thống tích hợp các modun, giúp bạn nhanh chóng xây dựng thương hiệu trên mạng.

Đánh giá: Nếu chọn SquareSpace, bạn sẽ phải trả một khoản phí sử dụng khá lớn và điều này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp.

5. Posterous (Trên nền Web, miễn phí)

Posterous hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tảng blog đơn giản nhất có thể. Bạn không cần phải đăng kí, không cần biết viết mã vv... Bạn chỉ cần gửi email tới địa chỉ post@posterous.com từ tài khoản thư điện tử của mình để tạo blog.

Sau khi đã có blog cá nhân dạng tênbạn.posterous.com, bạn có thể viết bài, gửi ảnh và các tập tin đa phương tiện lên mạng, sau đó gửi thư điện tử tới một email “bí mật” mà nhà cung cấp dịch vụ chỉ định cho bạn. Bạn cũng có thể chọn giải pháp đăng bài viết từ trang chủ bằng cách đăng nhập vào Posterous, sau đó sử dụng trang biên tập cao cấp để tạo, chỉnh sửa bài.

Nhìn chung, đây là dịch vụ tiết kiệm thời gian và công sức của người chơi blog, nhưng lại không bằng các dịch vụ khác ở khả năng tuỳ biến cá nhân.

Kết luận: Tuỳ vào sở thích, bạn có thể chọn bất kì nền tảng blog nào để bắt đầu ngôi nhà số của mình. Nền tảng blog có thể đóng vai trò quan trọng tới thành công của bạn trên mạng, nhưng yếu tố then chốt vẫn chính là nội dung của các bài viết mà bạn chia sẻ với mọi người.

 

Ngoài ra, đây đều là các dịch vụ còn khá yếu ở khả năng hỗ trợ tuỳ biến, nếu so với phương án sử dụng gói mã nguồn Wordpress hay Joomlar để xây dựng blog cá nhân. Là người mới bước vào thế giới blog, có lẽ Blogger và Wordpress.com là phù hợp hơn cả. Lưu ý, bạn có thể sử dụng tên miền riêng với giá 200 ngàn/năm để phát triển thương hiệu cùng với các nền tảng trên, thay vì sử dụng tên miền “xấu xí” dạng thứ cấp của nhà cung cấp dịch vụ.

 

GIÁNG CHÂU (Theo LIFEHACKER)