7 bước chọn chỗ lưu ảnh trực tuyến

07:18, 19/09/2010

Thực tế, chẳng một ai muốn những bức hình đẹp mà mình chụp ra từ máy kĩ thuật số lại nằm bẹp trên ổ cứng máy tính cả. Việc chia sẻ sẽ khiến không chỉ người chụp được tự hào về các tác phẩm mà còn tạo ra nhiều cảm xúc tuyệt vời khác. Với nhu cầu Internet phát triển mạnh hiện tại, việc tìm ra một nơi lưu trữ hình ảnh trực tuyến hợp lý là hết sức cần thiết. Tuy nhiên điều này có thể khiến bạn phải đau đầu. Dưới đây là 7 bước giúp bạn tìm ra một dịch vụ có phù hợp với nhu cầu sử dụng cá nhân nhất.

 

Xem xét nhu cầu cá nhân
 

Trước tiên, bạn phải nắm được chính xác nhu cầu cá nhân của mình về việc sử dụng điểm lưu ảnh trực tuyến. Bạn đơn thuần chỉ cần một chỗ cất giấu đồ bí mật hay một phòng tranh trực tuyến để chia sẻ với mọi người ? Bạn lưu ảnh cá nhân hay cần dùng để đưa vào các bài viết hay thuyết trình trực tuyến ? Bạn có cần bảo lưu chất lượng hình hay không ? Khả năng lưu hình động ? Mức chi phí ?... với mỗi câu hỏi loại này, bạn nên ghi chú ra giấy và so sánh với các tính năng của từng dịch vụ mà mình xem xét. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng thu hẹp lựa chọn.

 

Ước chừng dung lượng và số lượng ảnh
 

Bạn nên có cái nhìn tổng quan về kho ảnh của mình với các thông số như tổng dung lượng, số ảnh, các nhóm ảnh, kích thước và chất lượng ảnh. Ngoài ra, định dạng ảnh cũng là điều cần lưu tâm. Một số trang web chỉ hỗ trợ JPG hay BMP trong khi nhiều định dạng quan trọng khác như GIF, PNG… cũng hết sức cần thiết. Hãy đảm bảo trang web bạn nhắm tới hỗ trợ đầy đủ những thứ bạn sẽ sử dụng.

 

Kiểm tra độ dễ dàng trong khi sử dụng và các tính năng
 

Sự dễ dàng trong việc sử dụng cũng hết sức quan trọng. Hẳn bạn sẽ không muốn phải trải qua khoảng chục bước trước khi tải được bức hình lên hoàn chỉnh, sau đó lại phải mò mẫm tiếp để có thể có được liên kết nhằm gửi cho bạn bè hay người thân chứ ? Bên cạnh đó, giao diện và cách trình bày album cũng hết sức quan trọng. Bạn nên chọn các dịch vụ có website với giao diện đơn giản, trực quan, rõ ràng. Tránh chọn các dịch vụ lòe loẹt hoặc menu phân cấp phức tạp, khó kiểm soát.

 

 Hiện tại, người dùng Việt Nam thường có xu hướng sử dụng ba hướng chia sẻ ảnh chính gồm Flickr (tích hợp tốt với Yahoo), Facebook hoặc Photobucket (ít hơn). Ngoài ra, nhiều diễn đàn ảnh như VNPhoto hay Xomnhiepanh cũng đều có hệ thống lưu ảnh riêng – rất tiện cho các nhiếp ảnh gia.

 

Tính toán giới hạn của dịch vụ
 

Nếu nhu cầu chia sẻ ảnh của bạn lớn và lượng ảnh cũng nhiều thì bạn nên kiểm tra kĩ định mức dung lượng của mỗi dịch vụ trực tuyến. Những dịch vụ thông dụng như Flickr chỉ cho phép gửi miễn phí lên 200 hình. Nếu muốn gửi hơn, bạn phải trả tiền (theo năm). Một số website cũng tự động thay đổi kích thước hoặc nén hình của bạn lại khiến cho chất lượng bị sụt giảm – một điều khó có thể chấp nhận được đối với các nhiếp ảnh gia hoặc nhà thiết kế chuyên nghiệp. Do đó, bạn hãy nắm vững các thông số này của mỗi dịch vụ lưu trữ ảnh và chọn ra dịch vụ phù hợp nhất.


Dịch vụ có cho phép chia sẻ liên kết hình trực tiếp không ?
 

Một số dịch vụ khá rộng rãi về các vấn đề băng thông hay tiện ích nhưng lại không cho phép bạn chia sẻ ảnh với liên kết trực tiếp (rất tiện khi cần đưa lên blog cá nhân, chia sẻ trên các website khác mà lại yêu cầu bạn phải truy cập vào album nội bộ mỗi khi muốn xem ảnh. Trong khi đó, những dịch vụ như Photobucket hay Flickr lại cho phép bạn sử dụng các liên kết trực tiếp một cách thoải mái.

 

Các phần mềm bạn thường sử dụng có hỗ trợ dịch vụ định chọn không ?
 

Nếu bạn quản lý ảnh của mình bằng các phần mềm thì nhiều khả năng chúng sẽ hỗ trợ trực tiếp một số dịch vụ lưu ảnh trực tuyến. Sự hỗ trợ này sẽ đem lại nhiều lợi ích như cho phép bạn tải ảnh lên nhanh chóng, đồng bộ giữa các album cũng như thực hiện nhiều chức năng mà nếu thao tác qua web sẽ mất nhiều thời gian hơn hẳn. Để biết phần mềm của mình hỗ trợ dịch vụ nào, tốt nhất bạn nên tham khảo thông tin từ phần trợ giúp hoặc website của nhà sản xuất tương ứng.


Các mức bảo mật cho phép
 

Đại đa số người dùng có thể không quan tâm lắm tới các chức năng bảo mật của dịch vụ lưu ảnh trực tuyến. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, hẳn bạn sẽ có những tấm hình “nhạy cảm” chỉ chia sẻ giới hạn hoặc những album cá nhân sử dụng cho công việc hay các mục đích hẹp không muốn tất cả mọi người đều có thể dòm ngó. Điều này sẽ đặt ra nhu cầu về các tính năng bảo mật phân cấp cũng như khóa mã cho kho ảnh. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu tâm về khả năng lưu trữ của dịch vụ. Một số nơi sẽ cam kết lưu ảnh gốc mà bạn tải lên mãi mãi trong khi nhiều dịch vụ khác (như Facebook) sẽ chỉ lưu hình ảnh sau khi đã được nén lại – vốn có chất lượng và kích thước thấp hơn khá nhiều.

 

Nguyễn Linh

TIN LIÊN QUAN