'AI không thay thế bạn, nhưng người biết dùng AI sẽ thay thế bạn'

09:51, 21/04/2025

Ngày 18/4, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức hội thảo chia sẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) trong giải quyết công việc.

Tham dự hội thảo có Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia Hà Minh Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ tại hội thảo, Quyền Chủ tịch Ủy ban Hà Minh Hiệp cho biết, AI làm được nhiều hơn những gì mà chúng ta đang suy nghĩ hiện nay, AI có thể biết chúng ta cần gì, nghĩ gì. Việc sử dụng AI để hỗ trợ cho công việc là rất cần thiết và mang lại hiệu quả một cách nhanh chóng, kịp thời.

Quyền Chủ tịch Ủy ban cũng nhấn mạnh, cấu trúc prompt – câu lệnh đầu vào trong việc định hướng kết quả đầu ra của GenAI sẽ bao gồm nhiệm vụ, nhân vật, bối cảnh, định dạng trả lời. Và để có một prompt hiệu quả cần đảm bảo tính rõ ràng về bối cảnh, mục tiêu cụ thể, định dạng mong muốn, ngữ điệu phù hợp và có thể kèm theo các ví dụ minh họa chi tiết.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp.

Có 10 trường hợp sử dụng GenAI trong công việc, đó là: Tóm tắt, cách tóm tắt file dài, làm slides; Tự học; Tính toán; Tả hình, biểu đồ; Tổng hợp, phân tích: theo chủ đề quan tâm có trong dữ liệu, thông tin đầu vào, xuất bảng, biểu đồ; Transform: văn bản từ ảnh (OCR), text sinh ảnh, audio, video và ngược lại; Tác phẩm: đề xuất ý tưởng, viết hoàn chỉnh theo các ý tưởng và dữ liệu đầu vào, sửa chính tả/ngữ pháp (rất hữu ích cho tiếng Anh: email, bài phát biểu, kế hoạch, đề xuất…); Tìm kiếm và nghiên cứu; Thẩm định: phản biện, kiểm chứng; Translate (Dịch thuật).

Liên quan một số lầm tưởng của người quản lý, Quyền Chủ tịch Ủy ban cho hay, lầm tưởng chỉ cần 1 trợ lý AI (VD: ChatGPT) là làm được hết mọi việc; Tin tưởng trợ lý AI hơn nhân viên của mình; Không tin: Thẩm định, kiểm chứng câu trả lời của trợ lý AI quá mất công, thà làm như cũ còn hơn; Chỉ cần đưa ra yêu cầu, tính năng nghiên cứu sâu (deep research) của trợ lý AI cho ra kết quả đầy đủ, chi tiết và chính xác luôn cho công việc dẫn đến nhân viên nhàn quá; Cử đi học khóa kỹ năng sử dụng AI là coi như đủ năng lực rồi; Không quan tâm xây kho tri thức số nội bộ vì ChatGPT biết tuốt; Người trẻ sử dụng trợ lý AI hiệu quả hơn người lớn tuổi; Dân công nghệ sử dụng trợ lý AI hiệu quả hơn dân phi công nghệ; Phải tuyển bằng được chuyên gia công nghệ AI “xịn”; Không cần ban hành quy định về quản lý sử dụng trợ lý AI.

“Công chức thời đại số không chỉ giỏi luật, mà còn giỏi dùng AI. AI không thay thế bạn, nhưng người biết dùng AI sẽ thay thế bạn”, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG Nguyễn Thiện Nghĩa.

Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ hai nhóm GenAI bao gồm bách khoa toàn thư và trợ lý riêng. Trong đó, bách khoa toàn thư trả lời mọi câu hỏi, sáng tạo, gợi mở, xử lý nhanh. Trợ lý riêng phục vụ những tác vụ đặc thù của người dùng, tác vụ cố định, thường xuyên, tài liệu rõ ràng đầy đủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban cũng đưa ra một vài tình huống sử dụng hiệu quả AI trong công việc, đồng thời gợi mở tư duy mới trong quá trình chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức để GenAI thực sự tạo ra giá trị bền vững, cần có sự đồng bộ giữa ba yếu tố cốt lõi là công nghệ, dữ liệu và con người. 

Việc đầu tư vào đào tạo, điều chỉnh đội ngũ lãnh đạo, cập nhật phương thức quản lý và xây dựng một lộ trình chuyển đổi số phù hợp chính là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ AI, thúc đẩy đổi mới và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong kỷ nguyên số.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến