Apple bị EU phạt hơn 1,95 tỷ USD chống độc quyền
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, hôm thứ Hai đã quyết định trừng phạt gã khổng lồ công nghệ Apple mức phạt lên đến 1,8 tỷ euro (tương đương 1,95 tỷ USD). Theo EC, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường để phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến.
- Apple tăng cường bảo mật iMessage để chống lại mối đe dọa điện toán lượng tử
- Apple chính thức ngừng bán Apple Watch Series 9 và Apple Watch Ultra 2 ở Mỹ
- Apple chia sẻ công nghệ 'chạm để thanh toán'
- Cảnh báo: Phát hiện lỗ hổng LeftoverLocals liên quan đến thiết bị của AMD, Apple và Qualcomm
- Apple nộp phạt 12,3 triệu USD do vi phạm chống độc quyền tại Nga
- Apple được TSMC ưu ái, cung cấp chip A17 Pro chuẩn 3nm để trang bị trên các mẫu Iphone mới
- Apple quyết tâm xây dựng lại dịch vụ bản đồ tại Việt Nam
- Ngốn hàng tỷ USD, dự án ô tô điện của Apple đã dừng lại
Theo EC, cơ quan này đã phát hiện ra rằng Apple đã áp dụng các hạn chế đối với các nhà phát triển ứng dụng, ngăn họ thông báo cho người dùng iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế và rẻ hơn có sẵn bên ngoài ứng dụng. Cũng theo EC, Apple còn cấm các nhà phát triển ứng dụng phát nhạc trực tuyến cung cấp bất kỳ hướng dẫn nào về cách người dùng có thể đăng ký các ưu đãi rẻ hơn này.
Trước các vấn đề nêu trên, hôm thứ Hai (4/3), EC đã xuống tay trừng phạt gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ với mức phạt chống độc quyền lên tới 1,8 tỷ euro (tương đương 1,95 tỷ USD). Đây là khoản phạt chống độc quyền đầu tiên của Apple từ Brussels và là một trong những khoản phạt lớn nhất mà EU áp dụng cho một công ty công nghệ.
Động thái này diễn ra sau khi Uỷ ban châu Âu mở cuộc điều tra về Apple sau khiếu nại của hãng Spotify vào năm 2019. Cuộc điều tra đã được thu hẹp để tập trung vào các hạn chế theo hợp đồng mà Apple áp đặt đối với các nhà phát triển ứng dụng nhằm ngăn họ thông báo cho người dùng iPhone và iPad về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế với mức giá thấp hơn bên ngoài App Store.
Theo Ủy ban châu Âu, hành vi của Apple đã kéo dài gần 10 năm và “có thể đã khiến nhiều người dùng iOS phải trả giá cao hơn đáng kể cho các đăng ký phát nhạc trực tuyến vì phí hoa hồng cao mà Apple áp đặt cho các nhà phát triển và chuyển sang người tiêu dùng dưới hình thức cao hơn giá đăng ký cho cùng một dịch vụ trên App Store”.
Phản ứng gay gắt với khoản tiền phạt trên, Apple cho biết Spotify sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tuyên bố của EU.
“Người ủng hộ chính cho quyết định này, và người hưởng lợi lớn nhất là Spotify, một công ty có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển. Spotify có ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và đã gặp Ủy ban châu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này”, đại diện Apple cho biết trong một tuyên bố được CNBC trích dẫn.
Theo đại diện Apple, “Spotify không trả gì cả. Thay vì bán các gói đăng ký trong ứng dụng iOS, Spotify lại bán chúng thông qua trang web riêng của mình. Và Apple không thu hoa hồng cho những giao dịch mua đó”.
Trong khi đó, đại diện Spotify gọi quyết định của Ủy ban châu Âu là “thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh vì một mạng internet cởi mở hơn cho người tiêu dùng”.
Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, bà Margrethe Vestager đánh giá mức phạt cơ bản đối với Apple là “khá nhỏ” và so với quy mô của công ty.
“Khi Apple áp đặt các điều khoản chống chỉ đạo này đối với nhà cung cấp âm nhạc, họ với tư cách là nhà phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận chúng hoặc từ bỏ App store. Apple với App Store hiện đang nắm giữ độc quyền”, Vestager nói.
Bà nói thêm rằng Ủy ban đã yêu cầu Apple loại bỏ cái gọi là quy định chống chỉ đạo và “kiềm chế các hoạt động tương tự trong tương lai”.
Sau lệnh trừng phạt, cổ phiếu Apple đã giảm khoảng 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ở Mỹ.
EU gia tăng giám sát các gã khổng lồ công nghệ
Khoản tiền phạt này đối với Apple cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Big Tech và Brussels vào thời điểm EU đang tăng cường giám sát các công ty công nghệ này.
Năm ngoái, Uỷ ban châu Âu cũng đã chỉ định Apple trong số các công ty công nghệ khác như Microsoft và Meta với tư cách là “người gác cổng” theo một quy định mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, có hiệu lực rộng rãi vào năm ngoái.
Thuật ngữ “người gác cổng” đề cập đến các nền tảng internet khổng lồ mà EU tin rằng đang hạn chế quyền truy cập vào các dịch vụ nền tảng cốt lõi, chẳng hạn như tìm kiếm trực tuyến, quảng cáo, nhắn tin và liên lạc.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số nhằm mục đích kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh từ những người chơi công nghệ và buộc họ phải mở một số dịch vụ của mình cho các đối thủ cạnh tranh khác. Các công ty internet nhỏ hơn và các doanh nghiệp khác đã phàn nàn về việc bị tổn hại bởi hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ này.
Những luật này đã có tác động đến Apple. Công ty đã công bố kế hoạch trong năm nay để mở cửa hàng ứng dụng thay thế cho iPhone và iPad ngoài cửa hàng của mình. Trong khi đó, các nhà phát triển từ lâu đã phàn nàn về khoản phí 30% mà Apple tính khi mua hàng trong ứng dụng.
Bà Vestager cảnh báo, “trong vài ngày tới, tức vào ngày 7 tháng 3, Apple sẽ phải tuân thủ toàn bộ danh sách những điều nên và không nên làm theo DMA. Trong số những quy định khác, Apple không còn có thể áp đặt các quy tắc như trước đây… và điều này áp dụng cho bất kỳ ứng dụng nào trên App Store, không chỉ các ứng dụng phát nhạc trực tuyến”.
Theo Tạp chí Thương trường
(https://thuongtruong.com.vn/news/apple-bi-eu-phat-hon-195-ty-usd-chong-doc-quyen-117768.html)