Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng

16:05, 16/04/2024

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký Quyết định 854/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng), Bộ Công thương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng.

Kế hoạch nhằm xây dựng và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chiến lược lược phát triển năng lượng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương; là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình hành động liên quan nhằm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Kế hoạch cũng là cơ sở để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và điều chỉnh mục tiêu của Chiến lược (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình thực tế mỗi giai đoạn.

Kế hoạch của Bộ Công thương đặt nhiệm vụ quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chiến lược phát triển năng lượng một cách sâu, rộng đến mọi thành phần kinh tế. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai và mức độ, khả năng đạt được các mục tiêu của Chiến lược, tố chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng theo từng năm và giai đoạn. Đề xuất điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.

Đồng thời, tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển năng lượng, cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương về năng lượng, đẩy mạnh các cơ chế ủy quyền, phân cấp (nếu cần thiết) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để tạo điều kiện bảo đảm tiến độ cho các dự án năng lượng. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng của ngành năng lượng. Theo dõi, đôn đốc triển khai việc thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng, điện, xăng dầu, khí đốt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công thương và Cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo nhà nước/quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu phát triển, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành năng lượng, tiến tới từng bước làm chủ công nghệ hiện đại và sản xuất các thiết bị cho ngành năng lượng trong hệ thống các cơ sở nghiên cứu và sản xuất của ngành Công thương.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là hệ thống các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công thương nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành năng lượng.

Thứ năm, giám sát chặt chẽ, đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài.

Theo Tạp chí Tự động hóa ngày nay

(https://vnautomate.net/ban-hanh-ke-hoach-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-nang-luong.html)