Cẩn trọng khi mua hàng rẻ trên mạng

11:25, 26/07/2012

Mới đây, thành viên Vnlaker8x của diễn đàn Vozforum cho biết mình vừa đặt mua ổ cứng WD dung lượng 1TB tại website bán hàng trực tuyến có tên miền taobao.com trong đợt khuyến mãi giảm giá lớn với mức giá chỉ 840.000 đồng. Một tuần sau, thành viên này nhận được hàng chuyển về.

 

Vỏ ổ cứng ruột USB “độ”

 

Theo Vnlaker8x, hàng được chuyển về nguyên đai nguyên kiện gồm hộp sản phẩm mới cứng với các phụ kiện đi kèm: dây micro USB, phiếu bảo hành... Để chắc ăn, Vnlaker8x đã thử kiểm tra dung lượng ổ cứng trên máy tính thì kết quả đúng như thông tin đặt mua hàng là 1TB. Bất ngờ nhất là ở phút 89 khi thành viên này tiến hành chép dữ liệu vào thiết bị mới mua. Vnlaker8x tỏ vẻ bực vì tốc độ chép quá chậm, chỉ 1.86MB/s. Thử chép nhiều dữ liệu khác nữa, tình hình không tiến triển hơn. Ban đầu, Vnlaker tự cho rằng có thể ổ cứng đang ở chế độ format FAT32 nên gây chậm và đã thử format lại ở chế độ NTFS. Sự việc càng trở nên không tưởng tượng nổi khi format ở chế độ này, biểu tượng ổ cứng trên máy tính biến mất luôn.

 

Quyết tâm tìm hiểu thử chuyện gì đang xảy ra, Vnlaker8x không ngại mổ ổ cứng ra xem thực hư thế nào thì mới “ngã ngữa” khi bên trong ổ cứng thật chất là một USB. Tệ hơn nữa là còn có cả 2 con bulông, 2 chiếc đinh khoan tường dùng để tạo độ nặng. Một ổ cứng đã được cấu tạo từ chiếc USB và các linh kiện hết sức sơ sài để qua mắt khách hàng.

 

Cẩn trọng khi mua hàng rẻ trên mạng

 

Trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó” kiểu như thế này không phải là vụ đầu tiên trên thế giới. Sau khi thông tin này được Vnlaker8x post lên diễn đàn, một số quản trị tên tuổi của các diễn đàn khác cho biết tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì những vụ kiểu này còn khá mới mẻ bởi người bị gạt đặt mua hàng ở nước ngoài, không có nhiều thông tin, khó kiểm soát được hết mọi thứ. Gian thương dễ dàng qua mặt khách hàng vì đánh đúng vào tâm lý thích hàng “xịn”, giá hời. Từ vụ việc này, hồi chuông về những phức tạp, rắc rối khi mua hàng giá rẻ trên mạng cả trong lẫn ngoài nước tiếp tục được gióng lên.

 

Mỗi ngày có ít nhất một đến hai trường hợp post lên các diễn đàn trường hợp mình bị nick này lừa, nick kia gạt. Nào là người mua đã chuyển tiền nhưng không thấy người bán chuyển hàng. Nào là hàng có chuyển đến nhưng chất lượng, mẫu mã không như sản phẩm đã rao bán. Trong đó, đáng lưu ý nhất là các trường hợp người mua chuyển tiền nhưng người bán không chuyển hàng. Bên cạnh hình thức rao, mua bán trên các trang mạng rao vặt, mô hình rao bán hàng trên các trang mạng xã hội và Blog cá nhân đang bùng phát. Không phải tất cả các trường hợp bán hàng tại đây đều lừa gạt khách hàng nhưng một bộ phận hiện nay đã và đang thực hiện trót lọt khá nhiều vụ. Hình thức mua bán hết sức đơn giản: đăng thông tin sản phẩm, giá cả, địa chỉ, số điện thoại và tài khoản người bán. Người mua thấy thích thì phải chuyển tiền trước và nhận hàng sau. Chính cách giao dịch này khiến người mua dở khóc dở cười. 

 

Điển hình là vụ nick có tên Origami_Killer cho biết khi vào FB của bạn, thấy có cửa hàng bán thời trang đẹp, giá rẻ và tin tưởng người này quen với bạn mình nên tự tin giao dịch. Kết quả, tiền chuyển đi mấy ngày mà hàng vẫn chưa thấy đâu. Lúc này đi tìm người bán muốn đỏ con mắt cũng chẳng thấy đâu. Sau thời gian săn lùng ráo riết trên các trang mạng, người mua cũng tìm được người bán. Biết bị phát giác, người bán lập tức xóa nick và lập nick mới còn người mua thì “bó tay”, chỉ biết kêu trời mà không làm sao đòi lại tiền.

 

 

Hiện tượng lừa gạt trên mạng vẫn liên tiếp diễn ra phần vì nhiều người mua ham rẻ và thấy số tiền nhỏ không đáng lo nên vẫn vô tư chuyển tiền mua hàng cho người mình không quen biết. Chưa kể, sau khi biết bị gạt, nhiều người mua chọn giải pháp yên lặng vì thấy số tiền không lớn. Có hàng chục lý do khiến mua bán trên mạng vẫn cứ tiếp diễn và tình trạng lừa nhau vẫn diễn ra khá đều đặn.

 


Bạn vẫn có thể tìm kiếm, lựa chọn hàng trên mạng nhưng cách giao dịch tốt nhất vẫn là thấy hàng và giao tiền tận tay với những trường hợp bạn không quen biết người bán. Tuyệt đối không nên chuyển tiền vào tài khoản kiểu người bán tên A nhưng tài khoản lại tên B. Nên cảnh giác với những thông tin bán hàng kiểu giá rẻ bất ngờ so với thị trường chung.

 


Ngoài ra, bạn nên lưu ý khi giao dịch mua bán với những tổ chức lớn chuyên bán hàng trên mạng vì hiện nay đang có tình trạng nhiều email mạo danh những tổ chức này để lừa gạt người mua hàng. Với những trang mua bán ở các nước khác, bạn cũng hết sức cảnh giác và hạn chế giao dịch vì rào cản pháp lý, địa lý, ngôn ngữ sẽ khiến bạn phải chịu nhiều thiệt thòi vì tiền một khi đi sẽ không thể nào quay lại hoặc nhận được hàng nhưng lại trúng hàng “đểu”.

 

 

Cát Tường