Công khai kết quả xử lý thủ tục hành chính trên bảng điều khiển kỹ thuật số
Hà Nội sẽ có Dashboad (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị theo thời gian thực kết quả chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp các TTHC với 11 trường thông tin hữu ích.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm soát thủ tục hành chính chiều 24/1, Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang đã thông tin những nội dung quan trọng Kế hoạch triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của UBND TP.Hà Nội với 32 nhóm nhiệm vụ và 17 chỉ tiêu cụ thể.
Trong đó, UBND Thành phố yêu cầu: Cập nhật 100% dữ liệu quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 55%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC tối thiểu đạt 60%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phấn đấu đạt 100%; Tỷ lệ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện đạt 100%;
Tỷ lệ xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn đạt 100%; Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp tối thiểu đạt 90%;
UBND Thành phố cũng yêu cầu 100% người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được hỗ trợ, tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà. "Năm nay UBND Thành phố yêu cầu mỗi đơn vị phải có một sáng kiến, cải tiến, cách làm hay", ông Trang nói.
Đặc biệt, tại hội nghị, UBND TP. Hà Nội cũng đã giới thiệu Dashboad (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của thành phố và việc thực hiện xử lý công việc toàn trình công việc trên môi trường điện tử của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Bảng điều khiển kỹ thuật số chỉ đạo điều hành sẽ được tích hợp trên ứng dụng "Công dân Thủ đô số" sẽ được thành phố triển khai trong năm 2024. Từ tháng 2, UBND TP. Hà Nội sẽ công bố công khai chỉ số chỉ đạo điều hành các sở, ngành quận huyện.
Dựa trên kết quả hiển thị trên Dashboard, doanh nghiệp, người dân và lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt và quản lý một cách tổng quan những dữ liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấm điểm cán bộ, công chức...
Tại hội nghị sau khi nghe các tham luận, ông Ngô Hải Phan, Cục Trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đánh giá Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn "tăng tốc" trong cải cách thủ tục hành chính. Những nhiệm vụ trọng năm năm 2024 chính là phần việc để bứt phá.
Ấn tượng với những kết quả mà Thủ đô đạt được, bênh cạnh việc tiếp tục cắt giảm các thủ tục, quy trình, đổi mới Cục Trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ lưu ý: "Làm tốt công tác công khai minh bạch đã quyết định 60% thành công của công tác kiểm soát TTHC".
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh thủ tục hành chính phải: Nhanh, thuận lợi, người dân phải phấn khởi. Sau hội nghị, toàn thành phố sẽ triển khai 7 nhiệm vụ lớn để kiểm soát thủ tục hành chính.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đâu trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội đặc biệt nhắc nhở những phần việc trọng tâm để bứt phá trong năm 2024 như: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đảm bảo điều kiện để thực hiện (con người, điều kiện vật chất, kinh phí); các địa phương phải dựa trên đặc thù để có cách làm phù hợp, hiệu quả...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố đặt câu hỏi: "Dịch vụ công trực tuyến quan trọng là người dân có dùng không, có thuận tiện không, cán bộ có mất thêm thời gian không?" và yêu cầu phải đi vào thực chất. Cụ thể, các đơn vị cần tái cấu trúc giai đoạn 2 các thủ tục hành chính để đơn giản, dễ làm nhất, người dân làm được.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu rõ việc đảm bảo trang thiết bị; máy tính phải có, mạng phải tốt; chú trọng tập huấn cán bộ, công chức; áp dụng mô hình một cửa hiện đại tùy theo đặc thù địa phương...
Theo 'Cổng Thông tin điện tử Chính phủ